Những người "hóa điên" khi ra tòa

Thứ năm, ngày 18/05/2017 09:56 AM (GMT+7)
Bị đưa ra xét xử về hành vi phạm tội nghiêm trọng, nhiều bị cáo có hành động bất thường như từ chối người thân, không nhớ tên thật, cởi áo la hét, khóc lóc...
Bình luận 0

Bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử về hành vi đoạt mạng người tình đồng tính trong khách sạn do gia đình nạn nhân ngăn cản mối quan hệ, Lê Thị Liên (34 tuổi, quê Khánh Hòa) có nhiều lời khai bất thường về nhân thân lai lịch.

Cô ta nhận mình là Kimora - con nuôi của một người Hàn Quốc chứ không phải tên Liên như toà vừa nói. Bị cáo cũng không thừa nhận cha mẹ và anh em đang có mặt tại phòng xử.

Trước đó, được đối chất với người thân, Liên cũng khăng khăng nói mình là người Hàn Quốc khiến cơ quan điều tra phải giám định ADN để xác định nhân thân của cô ta.

Theo kết quả giám định pháp y tâm thần, Liên bị bệnh "định hướng tình dục đồng giới". Thời điểm gây án cũng như quá trình điều tra cô ta có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng hạn chế. "Việc Liên giả bệnh là có chủ ý", văn bản xác định.

Nói trước tòa, Liên không nhận đã giết nạn nhân nhưng lại "xin được tử hình vì cảm thấy xấu hổ". Với những lời khai bất thường này, HĐXX buộc phải trả hồ sơ để điều tra thêm.

Cuối năm ngoái, sau nhiều tháng điều tra bổ sung tòa mở lại phiên xử, Liên tiếp tục có những lời khai bất thường. Song, HĐXX căn cứ vào hồ sơ vụ án, xác định có đủ cơ sở cho thấy Liên sát hại chị Phượng (người tình đồng tính), tuyên phạt 20 năm tù về tội Giết người.

img

Liên lúc ra toà. Ảnh: Bình Nguyên

Bị cáo buộc chỉ đạo 2 nhân viên kế toán lập khống 56 ủy nhiệm chi chiếm đoạt gần 3,2 tỷ đồng, bà Trần Thị Thật (57 tuổi, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang) bỗng phát điên. Nữ bị cáo tội Tham ô tài sản liên tục nhắm mắt, không trả lời thẩm vấn của tòa dù nhân viên y tế cho biết sức khỏe bị cáo bình thường.

Trước các hành động của bà Thật, HĐXX buộc phải dừng phiên tòa hội ý. Trong lúc đó, bà Thật tiếp tục lăn ra đất khóc, cởi áo, nằm dài dưới sàn gạch la hét.

Không thể tiếp tục phiên xử, tòa quyết định tạm đình chỉ điều tra nữ giám đốc bệnh viện, bắt đi chữa bệnh. Bà được cho là bị "trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần".

Mở lại phiên tòa sau nhiều tháng tạm hoãn, hai nhân viên dưới quyền của bà Thật bị tuyên 2-12 năm tù về các tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản. Riêng bà Thật vẫn được đình chỉ để chữa bệnh.

Ra tay đoạt mạng chị dâu (con dâu của bác ruột) với hơn 20 nhát dao, ngày ra tòa, Huỳnh Thanh Sơn (31 tuổi) có nhiều lời khai mâu thuẫn.  

Giải thích về lý do gây án, Sơn tỏ ra bình thản: "Tại bị hại láo đó tòa". HĐXX truy hỏi, anh ta nói chị dâu họ quan hệ bất chính với nhiều người đàn ông nhưng sau đó thừa nhận "chỉ nghe nói chứ chưa thấy chị ấy đi với người đàn ông nào".

Nhìn HĐXX trừng trừng, Sơn nói nhiều lần bị chị dâu lấy súng bắn vào đầu, chảy rất nhiều máu nhưng lâu rồi nên không còn dấu vết. Nam thanh niên có lúc lảm nhảm "bị hại cứ hãm hại Sơn hoài" hoặc trả lời lan man.

Bị toà nhắc nhở, anh ta nói: "Bị cáo tỉnh táo mà, chỉ thỉnh thoảng bị đau đầu do suy nghĩ nhiều, phải uống thuốc".

img

Sơn khai lan man không rõ động cơ khiến tòa phải hoãn xử. Ảnh: Bình Nguyên

Đến dự tòa, mẹ Sơn cho biết con trai từng suy sụp khi chia tay người yêu. Cô gái đó có nhiều nét giống chị dâu nên có thể Sơn lầm tưởng.

Nghi ngờ Sơn không bình thường, TAND TP.HCM hoãn xử, trả hồ sơ điều tra thêm. Đến nay vụ án vẫn chưa thể đưa ra xét xử.

Theo thẩm phán Nguyễn Minh Cảnh - TAND TP.HCM, khi xét xử các bị cáo có biểu hiện bất thường, dù chưa biết bị cáo điên thật hay giả thì người thẩm phán phải làm các thủ tục cho bị cáo đi giám định hoặc chữa bệnh trước khi có phán quyết cuối cùng.

"Có bị cáo khi ở bệnh viện thì tỉnh táo nhưng khi ra tòa lại phát bệnh khiến tòa khổ sở. Nhưng cũng không hiếm trường hợp bị cáo giả điên để trốn tránh trách nhiệm hình sự", ông nói.

Ông từng giải quyết một vụ án tương tự kéo dài hơn 5 năm. Nhiều lần mở phiên tòa bị cáo đều khai không biết gì và có những biểu hiện bất thường. Giám định viên và nhà tâm lý cũng được triệu tập đến tòa nhưng cuối cùng HĐXX vẫn phải quyết định cho bị cáo đi chữa bệnh.

"Với những trường hợp như vậy, bằng kinh nghiệm và nghiệp vụ, người tiến hành tố tụng có thể cảm nhận được. Thẩm phán có thể bằng cách đặt câu hỏi hay quan sát từng hành vi, biểu hiện bên ngoài để tìm ra những điểm mâu thuẫn trong nhận thức của bị cáo. Từ đó đưa ra cách xử lý phù hợp", ông Cảnh cho hay.

Bình Nguyên (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem