Buôn làng dậy sóng vì “mộ tặc”

Thứ hai, ngày 29/04/2013 07:00 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều gia đình chôn cả vàng bạc, lấy gỗ sưa làm quan tài cho người quá cố. Tuy nhiên, họ đâu ngờ rằng, có ngày, những kẻ bất lương đã đào bới những khu mộ để “hôi” tài sản của người đã khuất.
Bình luận 0

Đến nay, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử nhưng người dân tộc Ba Na trên mảnh đất đại ngàn Tây nguyên vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Trong đó, phong tục chia tài sản cho người chết được các thế hệ sau gìn giữ vẹn nguyên. Người Ba Na quan niệm, cuộc sống có hai thế giới song song tồn tại.

Chết không phải là hết mà là sang một thế giới khác. Vì muốn người thân có cuộc sống mới sung sướng, đủ đầy ở thế giới bên kia nên họ đã chia rất nhiều tài sản quý giá cho người chết. Thậm chí, nhiều gia đình còn chôn cả vàng bạc, lấy gỗ sưa làm quan tài cho người quá cố. Tuy nhiên, họ đâu ngờ rằng, có ngày, những kẻ bất lương đã đào bới những khu mộ để “hôi” tài sản của người đã khuất.

 img
Những ngôi nhà mồ được “bê tông hóa”.

Sau khi những ngôi mộ bị trộm đào bới, hễ có người lạ vào làng, người dân các buôn làng ở huyện Kbang (Gia Lai) lại tỏ ra hết sức lo lắng và cảnh giác. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều gia đình đã “bê tông hóa” những ngôi mộ để ngăn chặn nạn “mộ tặc”. Đến đây, điều chúng tôi cảm thấy đau lòng đó là những bộ hài cốt vẫn nằm rải rác trên mặt đất. Sau này mới biết, khi bị trộm “viếng thăm”, nhiều gia đình không đủ tiền để làm các lễ chôn cất lại cho thân nhân của họ nên đành để người thân phơi mình dưới gió sương.

Tập tục có một không hai

Ngoài những vật dụng như chén bát, người dân trong làng còn mang đến nhà người chết gà, trứng, rượu… Người dân ở làng khác nếu có đến giúp đỡ thì cũng sẽ mang một lít rượu trắng, mấy quả trứng gà và vài ba cái chén.

Gia đình người chết sẽ nhận rượu và đem ra cho dân làng uống trong những ngày làm lễ tổ chức chôn cất. Vì dân làng đến rất đông nên một mình gia chủ không thể phục vụ hết nên cần sự góp sức của mọi người.

Bao đời nay, người Ba Na quan niệm, khi một gia đình có người qua đời, những thành viên còn sống phải chia tài sản cho người chết để mang sang thế giới bên kia. Bởi họ cho rằng, cuộc sống của người chết ở “dưới kia” cũng giống như trên trần, phải có đồ đạc mới có thể tồn tại được. Theo tập tục của người dân tộc Ba Na ở huyện Kbang, trước khi khiêng ra nhà mả chôn cất, người chết được “sống” cùng gia đình mình thêm 2 - 3 ngày nữa.

Trong thời gian này, họ hàng, dân làng sẽ đến đánh cồng chiêng, uống rượu để chia buồn với gia đình có tang. Sau 3 ngày, gia đình khiêng thi hài người chết đến huyệt rồi mới cho vào quan tài. Lúc này, nghi lễ an táng được tiến hành trịnh trọng. Những người trong gia đình, dòng họ lần lượt đi qua nhìn mặt người chết lần cuối trước khi hạ quan.

Sau khi ngôi mộ được đắp xong, người ta bắt đầu việc chia của cải cho người chết. Họ thường chôn nửa kín nửa hở một số đồ dùng mà người vừa qua đời vẫn sử dụng khi còn sống như chén đồng, bộ chiêng, ghè sứ, quần áo, khung dệt vải, gùi, rìu, cuốc xẻng… trên bề mặt mộ. Sau đó, bà con họ hàng cùng nhau làm cho người chết một nhà mồ tạm để che nắng mưa.

Điều đặc biệt là từ khi chôn cất cho đến khi làm lễ “pơthi” (lễ bỏ mả, hay còn gọi là lễ đóng cửa nhà mồ), gia đình vẫn phải chăm sóc người chết như khi họ đang còn sống. Cứ vào mỗi buổi sáng sớm, thân nhân của người quá cố nhóm lửa, đặt cơm, rau, nước trên mộ. Ở nhà người sống ăn uống món gì thì họ phải mang ra mộ món đó. Hằng ngày, ngoài 2 lần nấu cơm, nước, người sống thường xuyên quét dọn mồ mả và đốt lửa sưởi ấm cho người chết.

 img
Ông Đinh HMưng cho PV xem cái chén bằng đồng đen thường được chia cho người chết.

Được biết, trước khi tiến hành làm lễ bỏ mả, người Ba Na thường chuẩn bị lễ vật rất chu đáo như trâu, bò, heo, gà, rượu, gạo… Những lễ vật này được họ chuẩn bị từ nhiều mùa trước. Thông thường, một lễ bỏ mả kéo dài 3 ngày 2 đêm. Trong thời gian này, mọi người sẽ đâm trâu để cúng người chết và cùng nhau ăn uống. Chi phí cho một lễ bỏ mả vô cùng tốn kém. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện của từng gia đình mà lễ vật được chuẩn bị ít hay nhiều. Lễ bỏ mả của người giàu thường có nhiều trâu, bò, heo, gà và hàng trăm ché rượu cần.

Ăn cắp tài sản của người chết

Nhiều người đã bật khóc khi thấy mộ của ông bà, cha mẹ mình bị lật tung nắp quan tài. Họ cảm thấy vô cùng đau lòng khi thấy những mảnh xương người vương vãi khắp nơi trên lối đi.

Sau khi kiểm tra, người dân mới biết, tất cả những món đồ cổ có giá trị được chôn ở mả như chiêng, cồng, ghè sứ… đã biến mất. Thậm chí, đám “mộ tặc” còn nhẫn tâm đổ hài cốt của người chết và lấy đi những chiếc quan tài bằng gỗ huỳnh đàn (gỗ sưa đỏ - PV).

Còn đối với gia đình nghèo khó, họ chỉ cần chuẩn bị một con heo hay một con gà và một ché rượu cần cũng xong. Theo quan niệm của người Ba Na, người chết tuy mất đi phần thể xác nhưng linh hồn vẫn tồn tại, luẩn quẩn xung quanh nhà mồ. Tuy mất rất nhiều công sức, của cải nhưng sau khi làm lễ bỏ mả, người sống sẽ vĩnh viễn cắt đứt mọi quan hệ với người chết. Lúc đó, dù nhà mồ có đổ nát, họ cũng sẽ mặc kệ, không quan tâm đến nữa.

Đổ hài cốt để trộm quan tài

Những ngày cuối tháng 3, PV báo Dòng Đời đã tìm đến các huyện Kbang, Đắk Pơ và thị xã An Khê (Gia Lai) để nghe về những vụ trộm mộ kỳ quặc. Khi có người lạ đến, người dân nơi đây tỏ ra rất cảnh giác. Có lẽ, vì quá bức xúc về những tên “mộ tặc” nên họ mới có thái độ cẩn trọng đến như vậy. Khi biết chúng tôi là PV đến tìm hiểu các sự việc liên quan đến những vụ trộm mộ, người dân tộc Ba Na nơi đây mới niềm nở tiếp chuyện.

Nói chuyện với chúng tôi, một số người dân làng Mơ H’ra (xã Kon Lơng Khơng, huyện Kbang) phản ánh, cách đây 5 năm, trong mấy đêm liền, có một nhóm người đã vào khu nhà mả của làng đào bới hàng trăm ngôi mộ để lấy tài sản. Vì đó là khu nhà mả cũ có nhiều đồ cổ và đã được làm lễ bỏ mả hết nên không có người qua lại. Mãi đến khi một người dân đi ngang qua mới phát hiện ra sự việc.

 img
Những chiếc ghè cổ có giá hàng chục triệu đồng.

Ngay lập tức, thông tin được truyền về làng. Hàng trăm người tất tả chạy ra xem. Nhiều người đã bật khóc khi thấy mộ của ông bà, cha mẹ mình bị lật tung nắp quan tài. Họ cảm thấy vô cùng đau lòng khi thấy những mảnh xương người vương vãi khắp nơi trên lối đi. Sau khi kiểm tra, người dân mới biết, tất cả những món đồ cổ có giá trị được chôn ở mả như chiêng, cồng, ghè sứ… đã biến mất. Thậm chí, đám “mộ tặc” còn nhẫn tâm đổ hài cốt của người chết và lấy đi những chiếc quan tài bằng gỗ huỳnh đàn (gỗ sưa đỏ - PV).

Nói chuyện với chúng tôi, già Đinh HMưng làng Mơ’ Hra (68 tuổi) cho biết nếu lúc ấy người sống tổ chức chôn cất lại cho người chết thì vô cùng tốn kém và mất nhiều thời gian. Bởi vì, lúc này, không phải chỉ thu gom xương người, chôn xuống đất rồi lấp đất lại là xong mà phải tổ chức các lễ để chôn cất lại từ đầu như lúc họ vừa mới chết.

 img
Một ngôi nhà mồ bị trộm “viếng thăm”.

Mỗi gia đình có người chết sẽ phải chuẩn bị trâu, bò, heo, gà, rượu ghè… và bao nhiêu thứ khác. Vì vậy, già làng Đinh HMưng đã đề nghị mọi người đi về và để mặc cho thời gian sẽ “chôn cất” giúp những mảnh xương vương vãi trên đất. Và ý kiến đó đã được người dân đồng thuận.

Già làng Đinh HMưng đau xót tâm sự, làng Mơ H’ra có tất cả 3 khu nhà mồ thì đã có 2 khu nằm ở vị trí xa khu vực nhà dân. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, kẻ xấu đã đào bới hàng trăm ngôi mộ. Sự việc đã làm cho người dân trong làng hoang mang lo sợ. Lúc đó, bất kỳ người lạ mặt nào vào làng cũng phải xuất trình các giấy tờ để chứng minh mình không phải là đám “mộ tặc”.

Mỗi khi trong làng Mơ H’ra có người chết, các gia đình trong xóm đều mang đến một vài cái chén và tiền bạc. Tiền sẽ được người sống lấy để làm chi phí mua trâu bò trong lễ tang. Còn chén sẽ được đem cho người chết.

Người Ba Na nghĩ rằng, sau này ai cũng già đi và chết. Bây giờ cho người chết tài sản thì mai mốt mình qua đời, những người còn sống họ cũng sẽ cho lại mình. Chính vì vậy, mỗi khi trong làng có đám tang, người dân lại tập trung rất đông. Hầu như gia đình nào cũng có mặt để đưa tiễn. Tại đây, mỗi người một việc, họ chung tay giúp đỡ gia đình người chết lo hậu sự.

Sau khi sự việc bất ngờ đó xảy ra, người dân trong làng đã có những biện pháp bảo vệ những ngôi mộ của gia đình mình. Có người làm rào chắn xung quanh khu mộ, có gia đình dùng gỗ đóng kín hết kẽ hở của nhà mồ… Thậm chí, có gia đình còn thuê thợ về xây mộ bằng bê tông để “mộ tặc” không có cơ hội xâm phạm hài cốt của người thân mình.

Ngày ấy, mỗi khi người lạ đến, dân làng lại báo cáo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đến mùa mưa năm sau, một khu nhà mồ khác trong làng tiếp tục bị những kẻ bất lương đào tan tành và lấy sạch các tài sản có giá trị. Dân làng lại một phen đau lòng, ngậm ngùi với người thân đã khuất của mình.

Việc chôn quá nhiều tài sản dưới mộ của người dân nơi đây đã khiến lòng tham của những kẻ bất lương trỗi dậy. Chúng sẵn sàng tìm mọi cách để chiếm được tài sản của người chết. Đau lòng hơn, nghe ngóng có nhiều món đồ quý hiếm, đám “mộ tặc” còn thản niên đào những ngôi mộ mới toanh để tìm kiếm.

Để tìm hiểu về tập tục chia tài sản cho người chết, chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh DRừng (54 tuổi, trưởng ban công tác mặt trận làng Mơ H’ra, xã Kon Lơng Khơng, huyện Kbang). Nói chuyện với PV, ông DRừng cho biết: “Khi một người có quá nhiều tài sản mà chết đi thì thân nhân của họ sẽ lấy đi một nửa số ấy và nửa còn lại sẽ chia cho người chết.

 img
Người dân thay phiên nhau trông giữ nhà mồ.

Những tài sản mà người sống chia cho người chết thường là chén bát bằng đồng, bộ chiêng quý, ghè rượu cổ bằng sứ… Trước khi có dấu chân của “mộ tặc”, những tài sản, vật dụng được chôn sau bao nhiêu năm vẫn còn y nguyên chỗ cũ. Người Ba Na cho rằng, tài sản một khi đã chia thì nó là của người chết và chỉ có người chết mới có thể dùng được. Nếu tài sản trên mộ người chết có mất đi thì chỉ có người từ nơi khác đến lấy.

Ông HRừng khẳng định: “Không ai dám lấy trộm đồ trên những ngôi mộ vì sợ người chết tức giận. Con ma mất của sẽ trở về quấy phá, cản trở và không cho người sống làm ăn. Mà khi con ma đã về đòi thì mình chắc chắn phải trả. Hơn nữa, lúc trả lại tài sản cho con ma mình phải làm thủ tục cúng bái. Việc này sẽ vô cùng tốn kém”. Vì có quan niệm như vậy nên từ rất lâu, người Ba Na chia tài sản cho người chết xong thì dù có thiếu thốn, đói nghèo cũng không bao giờ lấy lại.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem