Cần các biện pháp can thiệp sức khỏe tâm thần cho người nghiện

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 14/12/2019 09:16 AM (GMT+7)
Người nghiện ma túy thường trãi qua những sang trấn tâm lý rất nặng nề. Nhiều người bị kỳ thị hoặc tự kỳ thị bản thân khiến cho bản thân mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần. Điều này làm cho người nghiện bị suy giảm sức khỏe thể chất; tinh thần, tăng các hành vi nguy cơ.
Bình luận 0

Hải Phòng đi tiên phong trong hỗ trợ

Theo thống kê, TP. Hải Phòng có khoảng 10 nghìn người sử dụng ma túy trong đó 5 nghìn người tiêm chích và ngày càng gia tăng sử dụng ma túy dạng Methamphetamine.

img

Mặc dù số lượng người nghiện ma túy đang tăng nhanh, tác hại nó để lại cực kỳ nghiêm trọng nhưng việc điều trị tại cộng đồng chưa được quan tâm, rất ít bệnh nhân ra viện tiếp tục điều trị củng cố dẫn đến tỷ lệ tái phát cao, ngay cả khi bệnh nhân không dùng lại ma túy. Đây cũng là lý do khiến cho nhiều người nghiện mắc các rối loạn tâm thần.

Khảo sát 188 người nghiện chích ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng cho thấy, 25,5% trong số đó có ít nhất một rối loạn tâm thần; 10,1% có 2 rối loạn tâm thần trở lên; 12,2% trầm cảm; 19,1% nguy cơ tự sát; 14,9% rối loạn lo âu…

Theo Bác sỹ Lê Sao Mai, Đại học Y dược dược Hải Phòng, rối loạn sức khỏe tâm thần khiến người nghiện tại cộng đồng suy giảm sức khỏe thể chất; giảm các mối quan hệ và cơ hội việc làm; bỏ điều trị Methadone, giảm thuân thủ điều trị ARV; giảm tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, xã hôi; tăng các hành vi nguy cơ gây rối xã hội và hành vi nguy hiểm…

Đại học Y dược dược Hải Phòng hiện đang triển khai dự án DRIVE-MIND (trước đó là dự án DRIVE và DRIVE-IN ) với sự hỗ trợ của Hội chữ thập đỏ Pháp nhằm can thiệp sức khỏe tâm thần cho người nghiện chích ma túy.

Bác sĩ Lê Sao Mai, Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng cho biết, trước khi có dự án DRIVE-MIND, việc điều trị rối loạn tâm thần trên đối tượng tiêm chích ma tuý hoàn toàn bị bỏ trống. Nhiều người đến khám sức khỏe tâm thần không quay lại tái khám, có quay lại thì tỷ lệ cũng rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do người tiêm chích ma túy nhận thức, hiểu biết về sức khỏe tâm thần còn hạn chế. Nhiều người không tin mình mắc bệnh, ưu tiên thời gian và tiền bạc cho việc sử dụng ma túy. Bên cạnh đó là sự kỳ thị của cộng đồng và chính người bệnh.

Người nghiện được thăm khám thường xuyên

"Các đối tượng tiêm chích ma túy thường có nguy cơ cao mắc các bệnh tâm thần, trầm cảm, loạn thần, lo âu, mất ngủ, đặc biệt là ý tưởng và hành vi tự sát, hoặc gây hại cho mọi người do ảo tưởng", bác sĩ Lê Sao Mai - Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng

Dự án DRIVE-MIND tập trung nâng cao năng lực của các nhóm tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) trọng trong việc tiếp cận và chăm sóc bệnh nhân tiêm chích ma túy có rối loạn tâm thần tại cộng đồng.

Thông qua dự án, các CBO được tập huấn về sức khỏe tâm thần, cách sử dụng bộ câu hỏi để sàng lọc một số bệnh lý tâm thần cũng như nắm được những kiến thức cơ bản để truyền thông; học cách chăm sóc khách hàng.

Trước đó, các bác sỹ tại phòng khám thực hiện khám lâm sàng tâm thần cho người tiêm chích ma túy; tư vấn, kê đơn, phát thuốc miễn phí và lên lịch hẹn tái khám. Bác sỹ cũng sẽ là người giao nhiệm vụ cụ thể cho các CBO.

Sau đó, CBO thực hiện truyền thông về sức khoẻ tâm thần thông qua các buổi sinh hoạt nhóm, đến nhà, theo dõi diễn biến bệnh, báo cáo lại cho bác sĩ; nhắc lịch tái khám, nhắc nhở bệnh nhân tuân thủ điều trị; liên lạc với gia đình khi cần thiết và hỗ trợ nhập viện…

Dự án tiến hành theo dấu, sàng lọc 233 bệnh nhân tiêm chích ma túy, trong đó có dấu hiệu tâm thần (nhiều người có hai rối loạn): trầm cảm 192 trường hợp, loạn thần 112 trường hợp và 105 trường hợp có nguy cơ tự sát. Sau 6 tháng theo dấu bệnh nhân, đã có 195/233 bệnh nhân quay lại tái khám (chiếm 83,7%).

Nguyên nhân không tái khám là do người bệnh hết triệu chứng  nên cho rằng khỏi bệnh không cần uống thuốc. Bên cạnh đó, nhiều người lo ngại tác dụng phụ của thuốc, sợ tương tác thuốc do uống nhiều loại cùng lúc (thuốc chống HIV, viêm gan C). Có người cho rằng mình không mắc bệnh tâm thần hoặc bận việc cá nhân như đi làm xa, ốm, gia đình có việc. Một số trường hợp CBO khó liên lạc như mất/không có điện thoại, bị bắt, tử vong.

Trước đó, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) cũng đã tổ chức hội thảo “Can thiệp sức khỏe tâm thần dành cho người sử dụng ma túy”.

Theo các chuyên gia của SCDI, tình hình sức khỏe tâm thần đối với người sử dụng, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên ngày càng tăng. Hiện một số địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Nội, Hải Phòng... cũng đã có những can thiệp về vấn đề này.

Tuy nhiên để có thể hỗ trợ tích cưc nhất cho người nghiện có rối loạn tâm thần, các chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp nhiều thành phần từ bác sỹ, cộng đồng, gia đình, xã hội. Trong đó, cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong việc tiếp cận và chăm sóc bệnh nhân có rối loạn tâm thần tại cộng đồng, là cầu nối giữa bác sĩ với bệnh nhân và gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem