Covid-19: Cơ sở kinh doanh bất chấp lệnh cấm sẽ bị xử lý thế nào?

Phạm Hiệp Thứ năm, ngày 26/03/2020 18:19 PM (GMT+7)
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên theo ghi nhận của PV, nhiều cơ sở vẫn hoạt động. Vậy việc bất chấp lệnh cấm của các cơ sở kinh doanh trên sẽ bị xử lý như thế nào?
Bình luận 0

Liên quan đến vấn đề này, thông tin từ luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, về tính pháp lý, quyết định về việc tạm đình chỉ các cơ sở trên của UBND TP.Hà Nội là hoàn toàn đúng quy định.

Vị luật sư của văn phòng luật sư Kết Nối viện dẫn, tại điểm c khoản 1 Điều 52 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch như hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch….

Về thẩm quyền ban hành quyết định, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 17 Nghị định 101/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, thẩm quyền quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng là Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

img

Lực lượng chức năng ở Hà Nội đi vận động các cơ sở kinh doanh tạm thời đóng cửa để phòng dịch Covid-19 vào ngày 26/3. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định việc áp dụng hoặc hủy bỏ việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong trường hợp dịch xảy ra trên địa bàn từ hai huyện trở lên theo đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh.

“Việc các cơ sở trên không chấp hành Quyết định của UBND TP.Hà Nội là hành vi “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm” theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, vi phạm vào một trong hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007” – luật sư Nguyễn Ngọc Hùng thông tin.

Với hành vi vi phạm trên, đơn vị vi phạm có thể bị xử lý theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể, đơn vị vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem