Cụ ông 91 tuổi 20 năm đi tìm công lý

Lê Chiên Thứ năm, ngày 25/09/2014 07:09 AM (GMT+7)
Ngày 24.9, hàng chục người đã có mặt tại trụ sở Báo NTNN để dự buổi tư vấn pháp luật miễn phí do Trung tâm Tư vấn pháp luật nông dân (Hội Nông dân Việt Nam), Báo  NTNN phối hợp với Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự tổ chức.
Bình luận 0

20 năm sống lang thang

Nhận được giấy mời dự tư vấn pháp luật, ông Nguyễn Xuân Việt (thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), 91 tuổi đã đi hơn trăm cây số bằng xe máy đến trụ sở Báo NTNN ngay từ chiều 23.9. Gặp phóng viên, ông Việt chia sẻ: “Đọc báo NTNN nên biết báo bảo vệ nông dân mạnh mẽ lắm. Ơn trời cho khỏe mạnh, lại có sự giúp đỡ của báo và luật sư, tôi tin vụ việc của tôi sẽ được giải quyết”.

Ông kể: Năm 1966, ông khai hoang 500m2 đất ở thị trấn Nông trường Tân Trào (nay là thị trấn Sơn Dương) làm nhà trên đó và thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước từ năm 1971. Hơn 20 năm sống ổn định, đến năm 1990, Giám đốc Nông trường Tân Trào cho rằng ông chiếm đất của nông trường. Sau đó tỉnh ra quyết định cưỡng chế, buộc ông tháo dỡ nhà đồng thời phạt ông 8 triệu đồng. Hiện tại nhà cửa và đất đai của ông đã giao cho Hạt Kiểm lâm huyện sử dụng. Bất bình, ông đã khiếu nại đến cơ quan các cấp.

Ngày 17.5.1993, Tổng cục Quản lý ruộng đất đã có Công văn số 396 cv/TTr; tiếp đó ngày 18.4.1997 Tổng cục Địa chính lại có Công văn số 537/TT-ĐC; trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, khẳng định: Ông là người khai hoang, đề nghị tỉnh hợp pháp hóa nhà đất cho gia đình ông. “Vậy mà hơn 20 năm nay chỉ đạo của Trung ương vẫn chỉ nằm trên giấy. Không nhà cửa, tôi phải sống lang thang - ông Việt buồn bã nói.

Đồng cảm với nỗi buồn của ông Việt, luật sư Đinh Thị An tư vấn: Việc UBND tỉnh Tuyên Quang không thực hiện chỉ đạo trên là sai. Ông cần tiếp tục khiếu nại và với sự lên tiếng của báo chí sẽ là công cụ hữu hiệu để ông đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình.

“Phải yêu cầu trả lời bằng văn bản”

Đó là ý kiến của luật sư Đinh Tuyết Lan về vụ việc của ông Nguyễn Văn Thiểm (Ứng Hòa, Hà Nội).

Anh Nguyễn Văn Thiềm (con trai ông Thiểm) cho biết: Ông Thiểm tham gia du kích xã từ năm 1949. Năm 1951, ông Thiểm và ông Phạm Ngọc Anh là Chủ tịch xã Lưu Nguyễn bị Pháp bắt giam. Năm 1954, ông Thiểm được trao trả tù binh tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Trong quá trình tham gia du kích, đi tù và trao trả tù binh của ông Thiểm có cả ông Phạm Ngọc Anh. Sau khi ra tù, ông Thiểm về quê làm ruộng, và tiếp tục tham gia công tác. Năm 2006, ông Thiểm mất. Quá trình công tác của ông Thiểm được 2 cán bộ 60 năm tuổi Đảng cùng tham gia du kích xã nhận là đúng. Anh Thiềm đã làm hồ sơ hưởng chế độ cho ông Thiểm, gửi phòng LĐTBXH huyện nhưng cán bộ ở đây trả lời miệng rằng, không đủ căn cứ để làm chế độ.

Anh Thiềm nói: “Bố tôi cống hiến cho cách mạng, nay không được hưởng chế độ là quá thiệt thòi”. Chia sẻ với anh Thiềm, luật sư Đinh Tuyết Lan tư vấn, anh tiếp tục nộp đơn đến Phòng LĐTBXH huyện, yêu cầu cơ quan này trả lời bằng văn bản nói rõ lý do không đủ điều kiện, và đề nghị họ hướng dẫn, trên cơ sở đó anh hoàn thiện hồ sơ”.

Liên quan đến hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, chị Trần Thị Ánh (xã Đội Bình, Ứng Hòa, Hà Nội) phản ánh: Chồng chị là Nguyễn Tuấn Tú, đã bị cơ quan điều tra ép cung. Luật sư Lan tư vấn: Đấy mới chỉ là lời khai của anh Tú, để làm rõ chị phải có chứng cứ, hoặc mời luật sư giúp đỡ.

Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo sai phạm của cán bộ liên quan đến quản lý kinh tế, đất đai, dồn điền đổi thửa… chưa đúng trình tự, thủ tục, vượt cấp… đã được luật sư tư vấn, hướng dẫn cặn kẽ. Sau buổi tư vấn, ông Việt xúc động: “Cảm ơn các nhà báo, luật sư đã mang lại cho chúng tôi niềm tin lớn về công lý...”.

Buổi tư vấn pháp luật ngoài giải đáp những vấn đề liên quan đến đất đai, còn có nhiều ý kiến tư vấn về chế độ chính sách đối với người có công và thực hiện pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem