Đòi lại tài sản - ngành chức năng cũng đau đầu

Lê Chiên (thực hiện) Thứ ba, ngày 14/06/2016 07:19 AM (GMT+7)
Nông dân bị trắng tay vì vỡ nợ nông sản ở Tây Nguyên, dư luận cũng vô cùng bức xúc. Vậy nông dân phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình? Phóng viên NTNN/Dân Việt trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Hà Nội.
Bình luận 0

Việc doanh nghiệp và người nhận ký gửi nông sản của nông dân xù nợ, tuyên bố vỡ nợ có thể xử lý hình sự không thưa luật sư?

- Việc có xử lý hình sự hay không phải thông qua hoạt động điều tra. Nếu người nhận ký gửi có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản, tức là  đưa ra thông tin giả làm cho nông dân tin đó là thật và giao nông sản cho họ thì có dấu hiệu của “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; hoặc thông qua hợp đồng nông dân đã giao nông sản cho người nhận ký gửi, nhưng sau khi nhận được nông sản người nhận ký gửi đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản, hoặc người nhận ký gửi bỏ trốn với ý đồ không thanh toán, không trả tiền cho nông dân thì có dấu hiệu của “tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”…

Vậy nông dân làm thế nào để lấy được tiền?

- Những người đã ký gửi nông sản cần phải làm đơn trình báo với cơ quan công an để cơ quan này tiến hành xác minh, điều tra, xử lý. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự. Trong bản án, tòa án sẽ quyết định việc trả tiền cho người bị hại (phần dân sự trong bản án hình sự). Nếu không đủ yếu tố cấu thành tội thì cơ quan điều tra sẽ hướng dẫn người dân gửi đơn đến tòa án để  khởi kiện. Căn cứ vào đó tòa án sẽ quyết định việc thanh toán và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Nếu bên nhận ký gửi là doanh nghiệp bị phá sản thì phải thực hiện thủ tục tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo quy định của Luật Phá sản và việc trả tiền cho nông dân cũng thực hiện theo quy định của luật này.

Khi vụ việc vỡ lở, phần lớn con nợ đã trắng tay hoặc chỉ còn lại một phần tài sản. Vậy làm sao người dân có thể đòi được hết số tiền tương đương với nông sản đã ký gửi?

- Đây là việc khiến cơ quan chức năng rất đau đầu. Trước mắt, tất cả những người có nông sản ký gửi chưa được thanh toán phải làm đơn trình báo đến cơ quan chức năng. Trên cơ sở phần tài sản còn lại của người nhận ký gửi, tòa án sẽ chia trả theo tỷ lệ giá trị nông sản chưa được thanh toán.

Nhân đây cũng khuyến cáo với người dân, khi ký gửi bán hàng hóa, cần phải “chọn mặt, gửi vàng”; tìm hiểu kỹ thông tin về năng lực tài chính, uy tín… của bên nhận ký gửi; phải làm hợp đồng chặt chẽ, tốt nhất có sự tư vấn của luật sư!

Xin cảm ơn luật sư!

“Khi ký gửi nông sản, người dân cần tỉnh táo chọn những đơn vị có uy tín, có tiềm lực để tránh rủi ro. Bởi nhiều doanh nghiệp nhỏ làm ăn có rất nhiều mánh khóe, họ sẵn sàng nâng giá cao, đưa xe tận nơi thu mua nông sản… làm cho người dân thấy lợi trước mắt mà tin tưởng. Sau khi tạo được lòng tin, các doanh nghiệp này sẽ chiếm dụng vốn dùng vào mục đích khác và thiệt thòi nông dân phải gánh chịu”.

Ông Nguyễn Minh Đường – Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tây Nguyên

“Khi chưa thể xác định rõ dấu hiệu hình sự hay dân sự, vụ việc xảy ra ở đâu thì cơ quan chức năng địa phương đó phải xử lý. Vì thế, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải ngồi lại với nhau để phân tích. Thực tế cho thấy, những vụ vỡ nợ nông sản rất phức tạp, có nhiều quan hệ đan xen nên việc xác định rõ vụ án hình sự hay dân sự rất nhùng nhằng. Quan trọng là cần phải xác định rõ đầu vào, đầu ra, số tiền này doanh nghiệp dùng vào mục đích gì… khi đó mới có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Do vậy, người dân trước hết là tự bảo vệ mình”.

Thượng tá Phạm Hữu Đức -Phó phòng CSĐT tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an tỉnh Gia Lai)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem