Giải quyết án tham nhũng, kinh tế, VKSND tối cao gặp khó khăn gì?

Bách Thuận Thứ ba, ngày 15/01/2019 16:46 PM (GMT+7)
Thời gian qua có nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được phát hiện, khởi tố điều tra, xử lý nghiêm minh. Qua các vụ án, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã đúc kết một số kinh nghiệm và cả các mặt thách thức, hạn chế.
Bình luận 0

Hàng loạt vụ án tham nhũng, kinh tế được phát hiện

Trong một báo cáo mới đây, VKSND Tối cao đã khẳng định: Năm 2018, hàng loạt vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được phát hiện, điều tra và tiến hành xét xử khiến dư luận đồng tình, ủng hộ. Đã có nhiều bản án thích đáng cho những đối tượng phạm tội có chức vụ, quyền hạn được tuyên.

Theo ông Đỗ Mạnh Bổng, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), VKSND tối cao, trong năm qua, Vụ 3 đã tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt lớn, phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Một số vụ án được dư luận quan tâm như: Vụ án Đinh La Thăng cùng đồng phạm “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) liên quan đến việc PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Đại Dương (Oceanbank).

img

Trong năm 2018, Vụ 3 đã giải quyết kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt lớn, phức tạp. (Trong ảnh là ông Đinh La Thăng trong một phiên xét xử năm 2018). (Ảnh: P.V)

Cũng phải kể tới vụ án Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ án Phạm Công Danh cùng 45 đồng phạm xảy ra tại ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam; vụ án Hứa Thị Phấn cùng 27 đồng phạm xảy ra tại ngân hàng TMCP Đại Tín; vụ án Đặng Thanh Bình cùng đồng phạm “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; vụ án Trần Phương Bình cùng 25 đồng phạm xảy ra tại ngân hàng TMCP Đông Á...

Hiện nay, Vụ 3 VKSND tối cao cũng đang giải quyết các vụ án lớn, như: Vụ án Trần Bắc Hà cùng các đồng phạm “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); vụ án Lê Nam Trà “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại tổng công ty Viễn thông Mobifone - Bộ Thông tin và truyền thông và các đơn vị có liên quan (vụ AVG)...

Không thể kể tới vụ án Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm về tội buôn bán thuốc chữa bệnh giả xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma và giai đoạn 2 các vụ án Trần Phương Bình, Hứa Thị Phấn.

Đặc biệt là giai đoạn 2 vụ án Hà Văn Thắm đã khởi tố các vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại các công ty thuộc tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, tại Vinashin cũng đang được tập trung điều tra làm rõ hành vi chiếm đoạt của lãnh đạo các công ty này trong việc nhận tiền lãi ngoài của Oceanbank.

Khó khăn khi giải quyết án tham nhũng, kinh tế

Theo lãnh đạo Vụ 3, quá trình thực hiện hoạt động chuyên môn đã đúc rút được các kinh nghiệm. Ngoài những điểm mạnh, thực hiện tốt về chuyên môn, Vụ 3 VKSND tối cao nhận thấy vẫn còn một số khó khăn, thách thức.

Đầu tiên, khối lượng công việc của đơn vị quá lớn, trong khi nguồn nhân lực thiếu, một số cán bộ hạn chế về năng lực, trách nhiệm chưa được đề cao, trong quá trình điều tra chưa bám sát được tiến độ điều tra, không định hướng, đôn đốc điều tra viên thực hiện các yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra. 

Các vụ án, vụ việc về tội phạm kinh tế có khối lượng hồ sơ rất lớn, việc thu thập tài liệu, chứng cứ kéo dài, lĩnh vực kinh tế có rất nhiều văn bản điều chỉnh.

Việc này dẫn đến nhiều vụ án, vụ việc kiểm tra, xác minh, điều tra kéo dài, không triệt để, quan điểm đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, diện đối tượng xử lý còn nhiều ý kiến khác nhau, nên các vụ án này đều phải chia thành các giai đoạn để giải quyết từng phần, nhiều vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, mà một trong các nội dung là diện đối tượng xử lý để tránh bỏ lọt tội phạm.

img

Vụ án Trần Bắc Hà (ngoài cùng bên phải) và đồng phạm đang được Vụ 3 giải quyết.

Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ và giám định, định giá tài sản của các cơ quan quản lý chuyên ngành kéo dài, do không đảm bảo tiến độ, nội dung và không rõ ràng.

Trong một số vụ án, sự chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án chưa kịp thời, thiếu nhất quán trong nhận thức và đánh giá chứng cứ.

Để giải quyết được những việc này, theo lãnh đạo Vụ 3, cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động nghiệp vụ theo hướng phân công rõ người, rõ việc, ấn định thời gian hoàn thành, đặc biệt là việc lựa chọn, phân công kiểm sát viên phù hợp với từng vụ án, người được giao lãnh đạo, chỉ đạo đối với từng vụ án cụ thể.

Tổ chức các hội nghị chuyên đề nghiệp vụ tại đơn vị để tổng kết, rút kinh nghiệm nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ kiểm sát viên để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ của đơn vị có bản lĩnh, năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tiến hành tố tụng, đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ được toàn diện, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đặc biệt, chú trọng đào tạo, rèn luyện kỹ năng xét hỏi, tranh tụng cho các Kiểm sát viên ở VKSND tối cao để nâng cao vị trí của ngành và đáp ứng yêu cầu cải cách  tư pháp.

img

Theo Vụ trưởng Vụ 3, khối lượng công việc quá lớn trong khi nguồn nhân lực thiếu là những khó khăn, thách thức lớn với ngành kiểm sát nhân dân. (Ảnh minh họa)

Tiếp tục thực hiện việc đánh giá cán bộ qua kết quả công việc, rút kinh nghiệm công tác nghiệp vụ qua việc giải quyết các vụ án, vụ việc cụ thể, đồng thời, đề xuất biệt phái kiểm sát viên chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đi thực tế tại các Viện kiểm sát địa phương.

Giải pháp tiếp theo được Vụ trưởng Vụ 3 Đỗ Mạnh Bổng đưa ra là chủ động đề xuất để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Giám định tư pháp trình Quốc hội ban hành;

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để nắm và quản lý ngay từ giai đoạn Cơ quan điều tra tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; đặc biệt, phối hợp với cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước để nắm chắc nội dung các vụ việc ngay từ khi các cơ quan này ban hành văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra.

Chủ động phân công lãnh đạo, kiểm sát viên phân loại, đề ra yêu cầu điều tra, xác minh, bám sát tiến độ kiểm tra, xác minh; phối hợp, bảo đảm việc giải quyết của Cơ quan điều tra có căn cứ, đúng pháp luật...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem