Giám đốc BV Tâm thần T.Ư nói về nghi phạm gây thảm án ở Hà Giang

Diệu Linh Thứ năm, ngày 01/12/2016 14:25 PM (GMT+7)
Vì không có quy định cụ thể về trách nhiệm nên có thể chính quyền địa phương cũng “không dám” ép người tâm thần đi bệnh viện khi họ tái phát bệnh. Ngay chính Bệnh viện Tâm thần T.Ư cũng đã từng bị kiện vì việc này.
Bình luận 0

img

Bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1.

Vụ thảm án xảy ra rạng sáng nay (1.12) tại huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) khiến 4 người chết.

Ông Triệu Tài Phong, Bí thư Huyện ủy Quang Bình xác nhận nghi phạm Phù Minh Tuấn, người được cho là đã giết 4 người và gây thương tích cho nạn nhân thứ 5, có tiền sử bệnh tâm thần. Ông Phong cho biết thêm: Năm 2014, anh ta từng chém chết con ruột, sau đó được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư. Do bệnh tình đã khá hơn nên Tuấn mới được cho về nhà.

Trao đổi với Dân Việt sáng nay (1.12), trả lời câu hỏi vì sao một người tâm thần từng giết chết con đẻ, được đưa điều trị tâm thần, sau đó vẫn cho về để rồi lại gây ra thảm án, bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, Trưởng ban Dự án Bảo vệ Sức khoẻ tâm thần cộng đồng - cho biết: “Bệnh viện tâm thần chỉ có trách nhiệm điều trị chứ không phải là nơi “giam giữ dài ngày”. Bệnh nhân khỏi thì phải đưa về cộng đồng. Khi đó, gia đình và cộng đồng cùng có trách nhiệm quản lý”.

Theo bác sĩ Cương, việc quản lý người tâm thần ở địa phương hầu như chỉ trông chờ vào ý thức của người trong gia đình. Hiện gần 90% xã phường trên cả nước đang thực hiện Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng với 2 nhóm người tâm thần được quản lý là người bị tâm thần phân liệt và động kinh. Cụ thể có 89% số người tâm thần phân liệt được quản lý tại xã, phường (hơn 200.000 người).

Tuy nhiên, cán bộ y tế chỉ có trách nhiệm tư vấn chăm sóc người tâm thần, cấp thuốc. Khi thấy các đối tượng có dấu hiệu tái phát tâm thần, đe dọa đến tính mạng của chính bệnh nhân và mọi người xung quanh thì cán bộ y tế sẽ báo lên huyện rồi lên tỉnh để cán bộ y tế có chuyên môn tâm thần về kiểm tra, tư vấn cho người nhà có nên đưa họ đi chữa trị tập trung tại các cơ sở y tế hay không.

“Tuy nhiên, người quyết định cuối cùng xem có đưa bệnh nhân đi điều trị hay không vẫn là gia đình. Chưa có quy định nào về trách nhiệm của địa phương trong việc cưỡng ép bệnh nhân tâm thần đi điều trị. Điều này có thể là một trong những nguyên nhân khiến người tâm thần bị phát bệnh mà không được điều trị, gây nguy hiểm cho cộng đồng” - bác sĩ Cương cho biết.

Bác sĩ Cương kể, vì không có quy định cụ thể về trách nhiệm nên có thể chính quyền địa phương cũng “không dám” ép người tâm thần đi bệnh viện khi họ tái phát bệnh. Ngay chính Bệnh viện Tâm thần T.Ư cũng đã từng bị kiện vì việc này.

“Bệnh viện cũng đã một vài lần giúp gia đình đưa bệnh nhân tâm thần đi điều trị theo yêu cầu. Tuy mẹ đồng ý nhưng người trong gia đình hoặc chính bệnh nhân không đồng ý. Sau đó họ quay sang kiện bệnh viện về việc lấy văn bản nào, quy định nào để cưỡng ép họ đi điều trị… Thực sự là làm ơn nên oán nên không phải ai cũng muốn rắc rối” - bác sĩ Cương cho biết.

Trách nhiệm có đưa bệnh nhân đi điều trị hay không thuộc vào gia đình, theo bác sĩ Cương có rất nhiều hạn chế. “Gia đình thiếu năng lực, thiếu kiến thức chuyên môn để quản lý người tâm thần. Họ cũng còn nhiều e ngại sợ kỳ thị nên giấu bệnh. Ngoài ra, các gia đình có người tâm thần phân liệt có hoàn cảnh kinh tế rất eo hẹp, nên dù biết người thân bệnh nặng cũng không có tiền đi viện. Rất nhiều trường hợp người tâm thần phát bệnh tự sát hoặc gây ra các vụ thảm sát là ở các gia đình có kinh tế khó khăn, người có văn hóa thấp” - bác sĩ Cương phân tích.

Theo bác sĩ Cương, ông và các đồng nghiệp đang xây dựng Dự thảo về quản lý bệnh nhân tâm thần. Dự thảo sẽ quy định cụ thể về các dấu hiệu nguy hiểm bắt buộc phải nhập viện điều trị. Đồng thời cũng quy định trách nhiệm của cơ quan, chính quyền trong việc tham gia đưa người tâm thần đi điều trị bắt buộc.  

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cũng cho biết, người tâm thần trước khi gây án thường có các biểu hiện không có nhận biết như mệt mỏi, buồn chán, mất ngủ, kêu chán đời, xa lánh mọi người, ánh mắt hoang dại, bất thường. Nếu lúc này đưa họ đi khám và điều trị kịp thời thì sẽ tránh được rất nhiều chuyện đáng tiếc. Người có tiền sử tâm thần cũng rất “mẫn cảm” với các chuyện buồn, các cú sốc (đau ốm, tai nạn, người thân mất…). Do đó, ở giai đoạn này đều phải chú ý đến các biểu hiện của họ để kịp thời đưa đi viện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem