LS được tham gia cả phiên xử Phạm Công Danh và Trịnh Xuân Thanh

Hữu Ký Thứ hai, ngày 08/01/2018 17:39 PM (GMT+7)
Các luật sư (LS) vừa tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2 và cả phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh sẽ được HĐXX linh hoạt tạo điều kiện để tham gia tố tụng ở cả hai phiên tòa.
Bình luận 0

Thông tin được thẩm phán Phạm Lương Toản - chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Phạm Công Danh và đồng phạm - thông tin chiều 8.1.

Trong phần thủ tục tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 bị cáo khác về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại 4 ngân hàng: Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CB), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), HĐXX thông tin có đến 6 LS tham gia trong vụ án này trùng với vụ án xét xử Trịnh Xuân Thanh. Trong đó có LS Phan Trung Hoài vừa bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh, vừa bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng (trong vụ án xét xử Trịnh Xuân Thanh - PV).

img

Bị cáo Phạm Công Danh.

TAND TP.HCM đã liên hệ TAND TP.Hà Nội để lên kế hoạch xét hỏi, tạo điều kiện cho các LS tham gia tố tụng được ở cả hai phiên tòa. Trong ngày đầu phiên xét xử (8.1), có nhiều LS có đơn vắng mặt và được HĐXX chấp thuận. Mặc dù kế hoạch xét hỏi không được công bố, nhưng HĐXX cho biết kế hoạch này sẽ linh hoạt, tạo điều kiện cho tất cả LS tham gia phiên tòa, đồng thời để bảo vệ tốt nhất cho các thân chủ của mình.

Theo công bố của tòa, đến nay phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn 2) có 73 LS tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do kế hoạch xét xử diễn ra dài ngày nên HĐXX sẽ sắp xếp phần xét hỏi, tranh luận một cách phù hợp, thậm chí có thể phiên tòa sẽ diễn ra cả vào ngày Chủ nhật.

img

Toàn cảnh phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm.

Cũng trong phiên tòa chiều 8.1, LS bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đề nghị HĐXX cho sử dụng các tài liệu, bản án đã có hiệu lực pháp luật (trong giai đoạn 1 của vụ án), đồng thời được công bố một số tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ án. Về điều này, HĐXX cho biết chấp thuận yêu cầu của LS.

Theo đó, tất cả các tài liệu liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 1), bản án đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến vụ án giai đoạn 2 đều được sử dụng. Tuy nhiên, HĐXX lưu ý có một số tài liệu đóng dấu mật, tuyệt mật sẽ không được sử dụng, công bố tại tòa. Nếu như ai công bố sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.  

Theo hồ sơ, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Phạm Công Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống vay vốn tại các ngân hàng: Sacombank, TPBank, BIDV; đồng thời dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau đó, bị 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.129 tỷ đồng.

Các công ty làm hồ sơ vay khống không thực hiện kinh doanh theo phương án cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Còn VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được số tiền bảo lãnh từ các công ty. Từ đó dẫn đến thiệt hại cho VNCB hơn 6 ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank, cho vay, bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty gây thiệt hại cho VNCB trên 1.835 tỷ đồng; hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.740 tỷ đồng. Còn hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ cho 12 công ty của mình vay vốn, gây thiệt hại trên 2.550 tỷ đồng.

Ngoài ra, cáo trạng còn xác định hành vi làm trái của Nguyễn Việt Hà và đồng phạm trong việc nhận ủy thác đầu tư số tiền 903 tỷ đồng từ VNCB qua Công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt, giúp Phạm Công Danh có 900 tỷ đồng để dùng cho mục đích cá nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem