Nỗi niềm công an xã - bài cuối: “Cười chảy nước mắt” về vũ khí, thu nhập...

Hồng Đức - Mai Khuê - Thắng Quang Thứ hai, ngày 17/08/2015 13:00 PM (GMT+7)
Công an xã (CAX) công việc thì nhiều, và liên tục phải đối mặt với tội phạm manh động... Nhưng, nhìn vào công cụ hỗ trợ thực thi nhiệm vụ và mức thu nhập của lực lượng này thì chắc hẳn mọi người đều “cười chảy nước mắt”.
Bình luận 0

Dùi cui và còi nhựa là vũ khí

Trung tá Phạm Tiến Lượng - Phó Trưởng Công an huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá, cho biết: Mặc dù CAX là lực lượng nòng cốt trong các phong trào vận động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham mưu cho chính quyền cơ sở đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở, nhưng hiện nay điều kiện làm việc cũng như chế độ chính sách… thì lại rất thiếu thốn, hạn chế. Trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng CAX  hiện tại mới chỉ được vài chiếc gậy cao su và còi nhựa. Địa phương nào có điều kiện, trích ngân sách rồi làm đề nghị lên công an huyện xin mua sắm các loại công cụ hỗ trợ như súng bắn đạn cao su, bình xịt hơi cay thì công an huyện lại làm tờ trình lên cấp trên đề nghị đặt hàng giúp cho địa phương. 

img

Ông Nguyễn Văn Thanh- Trưởng CAX Tam Lãnh (Phú Ninh, Quảng Nam) trao đổi với phóng viên NTNN về công việc và đời sống của CAX.  Ảnh:  Trương Hồng

Như tại xã Sơn Tây (1 trong 4 đơn vị trọng điểm về an ninh trật tự ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) địa bàn rộng lớn, mỗi thôn có một công an viên phụ trách. Công cụ hỗ trợ của công an viên có mỗi một chiếc dùi cui. Khi gặp đối tượng có vũ khí, manh động thì công an viên cực kỳ khó khăn tiếp cận. “Đầu năm 2015, CAX có nhiệm vụ bảo vệ thi công Quốc lộ 8A, một đối tượng đã dùng dao dài để chống đối lực lượng. Đối tượng này dùng dao chém một lãnh đạo xã, công an viên phải vào khống chế đối tượng. Tuy nhiên, rất nguy hiểm cho anh em vì công cụ hỗ trợ chỉ có mỗi cái dùi cui, sao so được với dao” – ông Lê Trọng Thành – Trưởng CAX Sơn Tây chia sẻ.

Ngoài công cụ hỗ trợ thì lực lượng CAX cũng hết sức thiệt thòi về mặt hỗ trợ phụ cấp. Hiện nay, duy nhất chỉ có Trưởng CAX là người được hưởng lương công chức (thuộc biên chế của ngành công an), còn từ cấp phó trở xuống chỉ được hưởng mức phụ cấp 1.0 mức lương cơ bản (tức là 1.150.000 đồng/tháng). Đối với đội ngũ công an viên thôn, hàng tháng được hưởng mức phụ cấp 0,6% lương cơ bản (tức 690.000 đồng/tháng).

“Hiện nay, từ chức danh phó trưởng CAX trở xuống đến công an viên, họ đều chưa được tham gia đóng bảo hiểm các loại. Đây là một thiệt thòi lớn đối với lực lượng CAX. Bởi lẽ, chế độ con người quá thấp, không đủ mức chi phí tối thiểu hàng tháng, họ sẽ không thể yên tâm làm việc”- trung tá Phạm Tiến Lượng tâm sự.

Ở xã Sơn Tây (Hà Tĩnh), mỗi công an viên chỉ được hỗ trợ 910.000 đồng/tháng, không có lương. Tính nhanh 910.000 đồng/20 ngày công thì mỗi ngày công của công an viên chỉ được hơn 45.000 đồng, chỉ bằng ¼ ngày công của phụ hồ ở các công trình xây dựng. Ông Nguyễn Thái – Công an viên xã Sơn Tây cho hay: Phụ cấp thì thấp, đôi lúc chỉ chỉ tiêu xăng xe, điện thoại đã hết sạch. Vợ con cũng không muốn cho làm vì sợ nguy hiểm. Nhiều lần vợ con tâm sự, tôi đi tham gia phá án mà chưa về là cả nhà chưa yên tâm...

Nghỉ việc vì đãi ngộ thấp

Trở lại trường hợp của CAX Nguyễn Thanh Toàn (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) mà ở bài 1 của loạt bài này đã đề cập, sau khi bị đối tượng chém vào tay trái là tay thuận, anh đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Được hướng dẫn của công an huyện, anh Toàn đã nhiều lần nộp hồ sơ làm chế độ thương binh nhưng đều không được chấp nhận vì Sở LĐTBXH tỉnh Khánh Hòa cho rằng đó là “do anh sơ suất, không có biện pháp đề phòng”. Sau nhiều lần cử tri Cam Lâm phản ảnh quyết liệt, Sở LĐTBXH mới gửi văn bản xin ý kiến của Cục Người có công Bộ LĐTBXH. Ngày 6.7, sở này mới thông báo có thể sẽ xem xét giải quyết chế độ thương binh cho Toàn.

Trường hợp của CAX Nguyễn Thanh Toàn được cho là rất may mắn. Theo thống kê của Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (PV28) Công an Khánh Hòa, từ năm 1975 đến nay, chỉ có 2 trường hợp CAX được công nhận liệt sĩ, 1 được công nhận thương binh. Nhiều CAX bị chết và bị thương khi thi hành công vụ nhưng không được xem xét, như hai CAX Nguyễn Xuân Hải (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) và Võ Xuân Minh  (Ninh Lộc, Ninh Hòa) bị chết. Trường hợp bị thương nhưng không được chế độ gì thì rất nhiều.

Đại tá Trần Văn Đây - Trưởng phòng PV28  Công an Khánh Hòa cho biết, hiện chỉ có trưởng CAX được hưởng trọn lương viên chức cấp xã. Công an viên chỉ hưởng như cán bộ không chuyên trách, lương 870.000 đồng/tháng. Trong khi CAX là người làm việc bất kể thời gian chứ không phải làm 1 buổi/ngày như cán bộ không chuyên trách.

“CAX là lực lượng rất quan trọng trong bảo vệ an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn, vất vả, nguy hiểm nhưng đãi ngộ thấp nên nhiều người nghỉ việc, lực lượng CAX trên địa bàn luôn biến động, không ổn định” – đại tá Đây chốt lại. 

Ông Trương Minh Hoàng - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Cần có chế độ tương xứng

“Cần tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ sâu cho lực lượng CAX. Ngoài ra, cần cung cấp các loại công cụ hỗ trợ nghiệp vụ cho họ, nhưng phải được tập huấn công tác sử dụng, bảo quản cho hợp lý. Đồng thời cần có chế độ cụ thể và tương xứng cho lực lượng CAX”.

Ông Trương Minh Cần - Trưởng CAX Tân Hưng Đông (Cái Nước, Cà Mau): Phải mượn dân

“Do thiếu phương tiện tuần tra trên sông nước, nên đôi khi chúng tôi phải trưng dụng phương tiện của người dân để truy bắt trộm, cướp. Còn chuyện CAX lội sông, lội ruộng truy đuổi trộm, cướp diễn ra như cơm bữa”.

Ông Lê Xuân Ứng -Trưởng CAX Minh Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa): Chỉ biết động viên anh em

“Đối với chế độ dành cho chức vụ trưởng CAX như vậy cũng đã tạm đủ. Nhưng với cấp phó và đội ngũ công an viên ở thôn thì quả là trăn trở, bởi mức phụ cấp hàng tháng quá thấp. Nếu không phải là những người có lòng nhiệt huyết, tình nguyện bỏ công sức, thời gian của mình để làm nhiệm vụ, có lẽ chẳng ai làm cả. Họ thường xuyên phải đối mặt với những mối nguy hiểm ở địa phương, không có công cụ hỗ trợ, phụ cấp không đủ tiền xăng xe. Chúng tôi cũng chỉ biết động viên anh em hãy cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao mà thôi”. 

Hoàng Hạnh - Hồng Đức (ghi) 

Kinh phí, trụ sở làm việc chưa được đáp ứng

Kinh phí hoạt động của CAX do ngân sách địa phương bảo đảm, UBND các xã căn cứ vào nguồn kinh phí được cấp để cân đối chi phục vụ hoạt động của CAX, vì vậy mức chi kinh phí phục vụ hoạt động thường xuyên cho CAX theo mức khoán của mỗi địa phương có sự khác nhau, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn công tác. Một trong những địa phương cấp kinh phí cho CAX cao nhất điển hình như Quảng Ninh (ban CAX được cấp từ 40-60 triệu đồng/năm; đối với xã đảo được cấp từ 100-150 triệu đồng/năm). Hiện một số địa phương có trụ sở làm việc riêng cho CAX (Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP.HCM...). Tuy vậy, nhiều địa phương bố trí nơi làm việc cho CAX chưa đảm bảo theo quy định, không đủ phòng làm việc, một số ban CAX vẫn chung phòng làm việc với các ban, ngành khác tại trụ sở UBND xã, ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng này.

(Nguồn: Báo cáo của V28, Bộ Công an) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem