Phó Chủ tịch QH: Vụ Đồng Tâm cần rút kinh nghiệm xử lý tình huống

Lương Kết Thứ hai, ngày 15/05/2017 12:38 PM (GMT+7)
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, qua vụ việc nóng như ở Đồng Tâm cần rút kinh nghiệm kể cả trong xử lý tình huống. Trước vụ việc căng thẳng mà đối thoại với dân chậm sẽ rất bất lợi. Vụ việc căng thẳng mà để kéo dài, các thế lực thù địch có cơ hội phá hoại.
Bình luận 0

Sáng 15.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Phát biểu góp ý, Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội - đã khái quát ngắn gọn bức tranh về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Ông cho rằng, đi nước ngoài nhiều thấy nước ta tình hình rất ổn định. "Vụ việc Đồng Tâm nghĩ là ghê gớm nhưng so với thế giới có gì đâu" - ông Việt nói.

img

Thượng tướng Võ Trọng Việt.

Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, hệ thống chính trị của đất nước tốt, khi có vấn đề gì đều được xử lý ngay.

Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, qua vụ Đồng Tâm và những vụ việc liên quan đến đất đai khác, rõ ràng trong quản lý đất đai là có vấn đề cần phải rà soát, làm sao để đảm bảo chặt chẽ, đúng nguyên tắc và quan trọng nhất là làm cho dân thấy chính sách của Nhà nước là đúng và trách nhiệm.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, từ vụ việc Đồng Tâm cần phải rút kinh nghiệm kể cả vấn đề xử lý tình huống. Khi có việc tương tự như Đồng Tâm việc đối thoại với dân ra sao, nếu tình hình căng thẳng mà đối thoại với dân chậm sẽ rất bất lợi, vụ việc căng thẳng càng để kéo dài thì các thế lực thù địch có cơ hội phá hoại.

img

Vụ việc Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội xảy ra hồi tháng 4.2017 gây sự chú ý lớn của dư luận.

Trước đó trong báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cũng đề cập: Công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bất cập, công tác thu hồi, đền bù thiếu minh bạch và thiếu hợp lý tại cơ sở gây ra xung đột lợi ích kéo dài, ảnh hưởng đến ổn định xã hội.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trăn trở, tại sao ở nhiều địa phương, người dân không đồng tình với các quyết định, việc làm của chính quyền địa phương? "Tại sao dân phải phải ra đường phản đối chính quyền, chắc chắn người dân cũng không sung sướng gì, điều này cần phải xem xét lại” - Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nói.

Theo bà Phóng, không phải do chính sách, luật pháp về đất đai chưa đầy đủ mà cái chính là khâu thực thi, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng chưa tốt.

Chỉ ra những hạn chế, thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, đối thoại với dân ở cấp cơ sở hiện nay, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua giám sát thấy, ngoài việc thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc quy định về tiếp công dân, chất lượng tiếp công dân hiện cũng rất yếu.

“Thậm chí có tình trạng ở cấp xã còn giao cho cán bộ không chuyên trách tiếp công dân. Trong khi chúng ta đều ý thức được nếu việc tiếp công dân tốt, đối thoại với dân tốt thì chuyện lớn sẽ biến thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành chuyện không có gì, nếu tiếp công dân tốt thì sẽ không xuất hiện các điểm nóng” - Trưởng ban Dân nguyện nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem