Thủ tục di chuyển hồ sơ

P.V Thứ tư, ngày 11/11/2015 16:10 PM (GMT+7)
Điều 49, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15.5.2013 đã quy định chi tiết về điều kiện và thủ tục di chuyển hồ sơ cụ thể như sau.
Bình luận 0

Hỏi: Tôi nhập ngũ tháng 4.1970, phục viên tháng 12.1976, cấp bậc Thượng  sỹ, chức vụ Trung Đội Trưởng thuộc Lữ Đoàn 316. Năm 1980, tôi được hưởng chế độ bệnh binh 3/3, số hồ sơ 2425. Năm 1997, tôi được cấp lại quyết định Quân nhân bị Bệnh nghề nghiệp. Sau đó, gia đình tôi chuyển vào sinh sống tại tỉnh Đồng Nai.

Tháng 11.2008, tôi xin chuyển chế độ từ tỉnh Ninh Bình vào tỉnh Đồng Nai, nhưng tỉnh Đồng Nai không chấp nhận với lý do tỉnh Ninh Bình làm thất lạc Biên bản giám định y khoa của tôi. Đến nay tôi vẫn phải lĩnh chế độ tại tỉnh Ninh Bình. Năm 2012 tôi bị mổ tim, sức khỏe rất yếu, một người con của tôi bị ảnh hưởng chất độc da cam, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bảo hiểm do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình cấp cũng không được chấp thuận vì trái tuyến. Vậy, trường hợp của tôi phải làm gì để chuyển được chế độ vào tỉnh Đồng Nai?

Trả lời:

Điều 49, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15.5.2013 đã quy định chi tiết về điều kiện và thủ tục di chuyển hồ sơ cụ thể như sau:

1. Điều kiện di chuyển hồ sơ

a) Người có công hoặc người thờ cúng liệt sĩ thay đổi nơi cư trú;

b) Thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng khi thay đổi nơi cư trú được di chuyển hồ sơ gốc về nơi cư trú mới nêu tại địa phương nơi quản lý hồ sơ gốc không còn thân nhân khác hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Trường hợp tại địa phương nơi quản lý hồ sơ gốc còn thân nhân khác của người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng thì thực hiện di chuyển bản sao hồ sơ.

2. Hồ sơ di chuyển.

a) Đơn đề nghị di chuyển hồ sơ (Mẫu HS6);

b) Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú dài hạn;

c) Phiếu báo di chuyển hồ sơ (Mẫu HS7);

d) Hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi.

3. Thủ tục di chuyển

a) Nơi đi:

Cá nhân làm đơn đề nghị di chuyển hồ sơ gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ kèm theo bản sao hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đơn có trách nhiệm kiểm tra, hoàn tất hồ sơ di chuyển và gửi bảo đảm qua đường bưu điện đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cá nhân cư trú; gửi 01 phiếu báo di chuyển hồ sơ về Cục Người có công để theo dõi, quản lý: gửi 01 phiếu báo di chuyển cho cá nhân để biết.

b) Nơi đến:

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tiếp nhận hồ sơ trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm:

Thông báo đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đi.

Kiểm tra hồ sơ tiếp nhận, nếu hồ sơ đúng quy định thì đăng ký quản lý đối tượng và thực hiện tiếp các chế độ ưu đãi theo quy định.

Trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định thì chuyển trả lại hồ sơ kèm công văn nêu rõ lý do chưa tiếp nhận, yêu cầu nơi chuyển hồ sơ kiểm tra, bổ sung.

4. Mọi vướng mắc về chế độ và hồ sơ phải được giải quyết trước khi di chuyển. Thời điểm tiếp tục hưởng chế độ trợ cấp kể từ ngày tiếp nhận được hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ thương binh được xác nhận từ ngày 31.12.1994 trở về trước không đầy đủ theo quy định (do thất lạc) thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đi có công văn gửi Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng (đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng) hoặc Cục Chính sách - Tổng cục Xây dựng lực lượng công an nhân dân, Bộ Công an (đối với công an nhân dân) đề nghị trích lục hồ sơ.

Việc quản lý hồ sơ và hoàn thiện hồ sơ trước khi thực hiện di chuyển thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp của ông, đề nghị ông liên hệ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình để được trả lời, giải quyết theo thẩm quyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem