Tình người sau phiên xử "vô ý làm chết người"

Thứ sáu, ngày 14/02/2014 14:42 PM (GMT+7)
Thương gia cảnh vợ chồng hung thủ nghèo khó, cha của người chết cho họ 20 triệu đồng và năn nỉ tòa xử nhẹ cho bị cáo. Sau đó, tòa đã tuyên phạt bị cáo 18 tháng tù nhưng cho được hưởng án treo, những người dự khán vỗ tay rần rần.
Bình luận 0
Buổi tối kinh hoàng: bẫy chuột, mất mạng người

Thủ phạm trong vụ án là Đỗ Văn Vui (SN 1973, ngụ thôn Thủy Cam, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị truy tố về tội “vô ý làm chết người”. Nạn nhân trong vụ án là Hà Thúc Khải, SN 1997, ngụ cùng xã. Do ruộng lúa nhà bị chuột cắn phá, Vui nghĩ ra cách giăng điện quanh ruộng để bẫy chuột. Sau đó Vui đi thông báo với một số người dân xung quanh về việc mình sử dụng nguồn điện để diệt chuột ở ruộng lúa, đồng thời cắm hai biển cảnh báo “Ruộng có điện đừng xuống” và “Có điện cấm xuống”.

Việc bẫy chuột bằng điện được Vui tiến hành hai lần trong ngày, mỗi lần 15 phút vào 4h sáng và 7h tối. Chuột chết la liệt ngoài ruộng lúa, Vui tự đắc “phương pháp bẫy của mình quá hiệu quả”. 19h ngày 27.6.2013, Vui lại cắm bẫy điện diệt chuột như thường lệ rồi trở ra ruộng ngay trước sân nhà để ngồi canh như mọi hôm. Tuy nhiên, khi bước ra trước sân, Vui thấy có ánh sáng đèn pin tiến tới bờ ruộng mình. Hốt hoảng, Vui la lớn “ruộng có điện, không được xuống” nhưng không còn kịp. Vui tức tốc chạy vào nhà, ngắt nguồn điện rồi trở ra, nhưng nạn nhân đã tử vong ngay sau đó. Nạn nhân là Khải, một thanh niên 16 tuổi. Buổi tối gặp nạn, anh này mới từ xa trở về dự lễ tang bà nội. Trong một ngày, dồn dập hai cái tang, gia đình nạn nhân rơi vào hoang mang, đau đớn đến cực điểm.

Phiên tòa ấm tình người

Sáng 3.12.2013, dù trời mưa to gió lớn, nhưng nhiều người dân trong xã Lộc Thủy vẫn cố gắng dậy sớm, mang tơi, đội nón đến hội trường Tòa án nhân dân (TAND) huyện Phú Lộc để tham dự phiên tòa. Bị cáo bẫy điện gây chết người Đỗ Văn Vui bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”.

Dù mới sinh con hơn một tháng, nhưng vợ bị cáo là chị Trần Thị Quyên (SN 1977) cũng ôm con đến tham dự phiên tòa. Người phụ nữ bước liêu xiêu vào phòng xử án, trên tay bồng đứa bé vừa mới sinh được quấn khăn kín mít nhưng vẫn tím tái vì lạnh. Sau lưng chị là bốn đứa trẻ nheo nhóc. Bị cáo đứng rúm ró trước vành móng ngựa, lí nhí kể lại toàn bộ quá trình phạm tội bằng giọng run run, nhiều đoạn thều thào, ngắt quãng, nghe không rõ. Chốc chốc, anh lại đưa đôi bàn tay sần sùi, chai sạn lên mặt, run run quệt những giọt nước mắt ứa ra.

Bị cáo Vui.
Bị cáo Đỗ Văn Vui.

Bên hàng ghế, người bị hại, cha mẹ nạn nhân già nua, vẻ khắc khổ. Người mẹ ngồi thẫn thờ như vẫn còn bàng hoàng trước cái chết đột ngột của con trai. Mỗi lần nghe bị cáo nhắc đến tên con trai mình, bà lại co rúm người, vẻ mặt đầy đau đớn. Cha nạn nhân ngồi bên cạnh vợ, đưa đôi tay gầy gò cầm lấy bàn tay bà, vỗ về như an ủi. Đôi vai ông cũng rũ xuống, nhìn thảm não. Khi nghe đại diện cơ quan công tố đề nghị mức án từ 12 - 15 tháng tù, cha của nạn nhân đã xin giúp cho bị cáo. Ông xin pháp luật nương tay, để bị cáo trở về với gia đình, làm lụng nuôi con. Sau khi xem xét tính chất của vụ án, cân nhắc hoàn cảnh gia đình của bị cáo, Tòa đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Văn Vui 18 tháng tù nhưng cho được hưởng án treo. Những người dự khán vỗ tay rần rần. Vị chủ tọa mỉm cười.

Người cha mất con cho lại thủ phạm 20 triệu

"Con trai mất. Đau lòng lắm. Nhưng bắt gia đình bên ấy đi tù để “trả giá” cho tội lỗi họ gây ra, để rồi những đứa trẻ phải bơ vơ không nơi nương tựa thì ác quá”, ông Để, cha của nạn nhân, tâm sự. Cũng vì không muốn “ở ác” với hàng xóm láng giềng, nên ông viết đơn bãi nại, đồng thời trước tòa cũng xin giảm án cho bị cáo.

Người cha nhân hậu: “Bị cáo có đi tù, con trai tui cũng chẳng thể sống lại được”.
Người cha nhân hậu: “Bị cáo có đi tù, con trai tui cũng chẳng thể sống lại được”.

Thấy gia cảnh của anh Vui quá nghèo, “nhưng mình đã mất con, lại còn mất thêm tiền của để làm ma chay thì khổ quá”, nên ông Để chỉ yêu cầu gia đình bị cáo bồi thường 50 triệu đồng, là số tiền ông lo đám tang cho con trai. Bị cáo vốn nhà nghèo, ăn buổi mai, lo buổi trưa, chạy gạo từng bữa, nên số tiền ấy là quá lớn. Chạy vạy, vay mượn khắp nơi, một tháng sau, gia đình bị cáo mới gom đủ số tiền mang sang bồi thường cho nhà bị hại. Thương tình, ông Để chỉ nhận 30 triệu đồng, cho lại gia đình bị cáo 20 triệu để dành nuôi con. “Nhà tụi nó nghèo lắm, trời mưa thì dột nát, chẳng có chỗ ráo để ngồi. Mấy hôm nay mưa lớn, đoạn đường vào nhà ấy lầy lội lắm, bùn cao đến đầu gối, đi không nổi. Giờ có vào, chắc cũng đứng ngó rồi quay ra”, người cha mất con thở dài.
Pháp luật Việt Nam (Theo Pháp luật Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem