Trường hợp nào công an phường được tạm giữ người?

Thứ tư, ngày 27/01/2016 14:53 PM (GMT+7)
Mới đây, chị V (phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM), khi đi chứng thực bản sao từ bản chính bằng tốt nghiệp tại phường đã bị Công an phường tạm giữ từ 11h đến hơn 16h do nghi ngờ xài bằng giả.
Bình luận 0

Cụ thể, theo báo Tuổi Trẻ, ngày 9.1, chị V khi đi sao y bằng tốt nghiệp THPT (do Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai cấp) tại phường 19, quận Bình Thạnh. Do nghi ngờ bằng tốt nghiệp bị làm giả (dấu giáp lai hình và tem chống giả trên bằng không rõ), phường đã lập biên bản làm việc với chị V, tạm giữ bằng và chuyển vụ việc cho Công an phường. Ngay sau đó, chị V phải đến Công an phường 19 để ghi lời khai và bị tạm giữ tại đây xuyên trưa (từ 11h đến 16h), không được đi đâu kể cả ra ngoài mua thức ăn trưa.

Sau đó, vụ việc được làm sáng tỏ, bằng của chị V được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai xác định là bằng thật. Chủ tịch phường, Ban chỉ huy Công an phường 19, cán bộ thụ lý vụ việc, Mặt trận tổ quốc đã đến xin lỗi chị V do đã có sai sót trong quá trình xử lý vụ việc. Bà Hà Thị Vân, Chủ tịch UBND phường 19 cho rằng việc lập biên bản đối với chị V là không sai, tuy nhiên công an tạm giữ chị như thế là sai.

Như vậy, trong những trường hợp nào thì được tạm giữ người theo thủ tục hành chính?

Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 162/2004 ngày 7.9.2004 ban hành Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính - được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 19/2009 ngày 19.2.2009, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau:

- Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc gây thương tích cho người khác;

- Cần phải thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng để làm căn cứ cho việc quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính;

- Người bị bắt giữ theo quyết định truy tìm của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

- Người có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm quyết định cấm tiếp xúc của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Hướng dẫn nội dung này, Thông tư 42/2010/TT-BCA của Bộ Công an nêu rõ:

Hành vi gây rối trật tự công cộng là những hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo đảm an ninh, trật tự nơi công cộng, vi phạm quy tắc chung của cuộc sống cộng đồng và nếp sống văn minh nơi công cộng, nếu không ngăn chặn, đình chỉ ngay sẽ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội nơi công cộng;

Hành vi gây thương tích cho người khác bao gồm những hành vi đã, đang được thực hiện hoặc có khả năng thực tế dẫn đến tổn hại về sức khỏe và sự an toàn cơ thể của người khác.

Những tình tiết quan trọng bao gồm các tình tiết để xác định nhân thân người vi phạm, mục đích, tính chất, mức độ vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hành chính và các tình tiết khác có liên quan trực tiếp đến việc xử lý vi phạm hành chính và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm.

img

Ảnh minh họa: vneconomy

Phải thông báo cho gia đình người bị tạm giữ

Người bị tạm giữ có quyền yêu cầu người ra quyết định tạm giữ thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập biết việc mình bị tạm giữ.

Nghiêm cấm xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người bị tạm giữ; tạm giữ người vi phạm hành chính trong các phòng tạm giữ, tạm giam hình sự; tạm giữ những người khác giới trong cùng một buồng; tạm giữ tại những nơi không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ

Thời hạn tạm giữ phải được ghi cụ thể trong quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính: tạm giữ trong thời gian bao nhiêu giờ; bắt đầu từ giờ nào đến giờ nào của ngày, tháng, năm ra quyết định tạm giữ.

Trong mọi trường hợp, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính đều phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền. Nghiêm cấm việc tùy tiện tạm giữ người mà không có quyết định bằng văn bản.

Theo quy định tại Nghị định số 162/2004 (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 19/2009 ngày 19.2.2009), thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ.

Trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài hơn, nhưng cũng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Đối với trường hợp vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài hơn, nhưng cũng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Khi hết thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính, người ra quyết định tạm giữ phải chấm dứt ngay việc tạm giữ đối với người bị tạm giữ.

Theo yêu cầu của người bị tạm giữ và tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, người ra quyết định tạm giữ có thể thông báo bằng văn bản, điện thoại, fax hoặc các phương tiện thông tin khác về quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính cho gia đình, nơi làm việc, học tập của người bị tạm giữ biết trong thời hạn người đó đang chấp hành quyết định tạm giữ. Nếu vì lý do khách quan mà không thể thông báo được thì phải báo cho người bị tạm giữ biết và ghi vào sổ theo dõi người bị tạm giữ hành chính.

Trong trường hợp tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm (từ 22h đến 5h sáng ngày hôm sau) hoặc tạm giữ họ trên 6 giờ, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ biết.

Những người sau đây có quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính:

a) Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, thị trấn, trưởng công an phường;

b) Trưởng công an cấp huyện;

c) Trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng phòng cảnh sát trật tự, trưởng phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, trưởng phòng cảnh sát giao thông đường thủy, trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, trưởng phòng quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công an cấp tỉnh;

d) Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu;

đ) Hạt trưởng hạt kiểm lâm, đội trưởng đội kiểm lâm cơ động;

e) Chi cục trưởng hải quan, đội trưởng đội kiểm soát thuộc cục hải quan, đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu và hải đội trưởng hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan;

g) Đội trưởng đội quản lý thị trường;

h) Chỉ huy trưởng tiểu khu biên phòng, chỉ huy trưởng hải đoàn biên phòng, chỉ huy trưởng hải đội biên phòng, trưởng đồn biên phòng và thủ trưởng đơn vị bộ đội biên phòng đóng ở biên giới, hải đảo;

i) Hải đội trưởng, hải đoàn trưởng cảnh sát biển;

k) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, tàu hỏa khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, ga.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính khi vắng mặt và được ủy quyền thực hiện các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính khác. Cấp phó được ủy quyền phải tuân thủ những quy định của pháp luật về tạm giữ người theo thủ tục hành chính và phải chịu trách nhiệm về quyết định tạm giữ người của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật”.

(Trích Điều 7 Nghị định 162/2004 được sửa đổi bởi Nghị định 19/2009/NĐ-CP)

Đ.Liên (Pháp luật TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem