Từ “thú vui” ném đá đến thảm án

Hải Phong Thứ năm, ngày 09/07/2015 09:13 AM (GMT+7)
Thời gian qua, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành có đường quốc lộ đi qua rộ lên tình trạng ném đá xe khách. Nhẹ thì xe vỡ kính, nặng thì lái xe, hành khách thương tật, hỏng mắt.
Bình luận 0

Đa phần “thủ phạm” là các em bé, thanh niên vùng thôn quê. Chúng không ý thức được sự nguy hiểm của việc mình làm. Nhưng, để gọi đúng tên của hành vi này, đó là một tội ác.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy những hành vi lệch chuẩn xã hội, phạm pháp đang tồn tại trong suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ nông thôn. Khi các em coi một hành vi phạm tội như “ném đá xe khách” là một trò giải trí, coi nhẹ tính mạng, tài sản người khác, rõ ràng ranh giới người tốt - kẻ xấu đã gần như bị xóa nhòa.

Nhiều người đã nói về nỗi bất an ngày càng lớn sau lũy tre làng, khi cơn lốc đô thị hóa đang khiến nhiều làng quê truyền thống mất đi bản sắc, đủ thứ tệ nạn, thói dị hợm của thành thị tràn về tiêm nhiễm vào giới trẻ thôn quê vốn ít khả năng miễn dịch. Khi những đồng ruộng trù phú biến thành dự án, khu công nghiệp, nhiều trai làng chất phác trở thành những “trẻ trâu” lêu lổng vì không còn ruộng vườn để làm ăn. Bất ổn về an ninh, trật tự cũng từ đó mà ra.

Ngày càng có nhiều hơn tin tức về những vụ án tàn bạo ở khu vực nông thôn. Chỗ này kẻ trộm chó bị dân làng đánh đến chết, nơi kia cả gia đình bị tàn sát dã man. Chỗ thì kẻ xấu đổ thuốc đầu độc cả ao cá, nơi thì phường bất lương phóng hỏa đốt cả ruộng ngô…

Đằng sau bản tin đó là một sự xót xa cho số phận những người nông dân thuần phác. Họ vốn đã phải đối mặt với quá nhiều rủi ro từ thiên nhiên như hạn hán, bão lũ để trầy trật mưu sinh. Nay lại phải chịu đựng thứ nhân tai nguy hiểm không kém: Đó là khi tội phạm ở nông thôn lộng hành, manh động hơn. Thiên tai có thể dự báo được. Nhưng nhân tai như vậy thì quả khó lường.

Có người đổ lỗi do khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn. Những tỵ hiềm, ức chế trong xã hội dễ nảy sinh ra bạo lực. Có nghiên cứu lại chỉ ra các thiết chế tự quản ở làng xã ngày một lỏng lẻo, tình trạng mất dân chủ ở nông thôn gia tăng. Người lại cho rằng, có một khoảng trống trong tuyên truyền, giáo dục về pháp luật ở nông thôn…

Nhưng dù là nguyên nhân gì thì có một sự thật rằng, nông thôn Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ. Cuộc chuyển mình này kéo theo những tích cực, và không ít hệ lụy. Cái khó là làm sao để sự phát triển đó hài hòa và bền vững, để không phải nghe thấy những luyến tiếc thở dài sau những lũy tre “bao giờ cho đến ngày xưa?”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem