Vụ án "chai nước ngọt có ruồi": Ứng xử đúng với sản phẩm lỗi

Lương Kết Thứ ba, ngày 22/12/2015 14:10 PM (GMT+7)
Vụ “chai nước ngọt có ruồi” của Tân Hiệp Phát cùng bản án 7 năm tù dành cho anh Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền Giang) bởi tội cưỡng đoạt tài sản vẫn tiếp tục làm dư luận ồn ào. Ngoài luận bàn về quan hệ và ứng xử của doanh nghiệp với người tiêu dùng, một vấn đề khác được đặt ra: Chuẩn mực nào cho 2 bên nếu phát hiện sản phẩm lỗi?
Bình luận 0

Có thể thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện

Theo luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), trong vụ án “chai nước có ruồi”, sẽ không có yếu tố hình sự nếu thỏa thuận của hai bên (anh Võ Văn Minh và Công ty Tân Hiệp Phát) là sự tự nguyện, không có sự ép buộc, đe dọa nào.

img

Bị cáo Võ Văn Minh tại phiên tòa ngày 18.12.

“Không phải là 500 triệu đồng hay bao nhiêu tiền để nhà sản xuất lấy lại sản phẩm bị lỗi từ phía khách hàng. Vấn đề là trong giao dịch giữa hai bên có được trên cơ sở tự nguyện, không bị ép buộc, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Giao dịch dân sự như vậy mới có hiệu lực” - luật sư Dũng cho biết.

Còn theo luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), khi khách hàng mua phải sản phẩm bị lỗi của nhà sản xuất, khách hàng có quyền thông tin cho báo chí, cho Hội Bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan chức năng để giải quyết, làm cho nhà sản xuất có trách nhiệm hơn hơn. Cách nữa, khách hàng có quyền báo cho nhà sản xuất và yêu cầu bồi thường thiệt hại do lỗi của sản phẩm. Tuy nhiên việc yêu cầu bồi thường phải chứng minh được thiệt hại, nếu nhà sản xuất không giải quyết có thể kiện ra tòa.

“Trường hợp khách hàng báo cho nhà sản xuất một sản phẩm bị lỗi, phía nhà sản xuất chủ động đưa ra giá đền bù, khách hàng nhận khoản đền bù đó thì không có gì vi phạm. Trường hợp khách hàng đòi một số tiền cụ thể mà nhà sản xuất không chịu, sau đó khách hàng đe dọa nhà sản xuất để họ phải thực hiện một giao dịch không đúng mong muốn, như thế là khách hàng đã vi phạm pháp luật, dấu hiệu của hành vi cưỡng ép” - luật sư Thanh nêu quan điểm.

Thông tin đến cơ quan chức năng

Còn ông Đỗ Ngọc Chính - Ủy viên Ban chấp hành Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thì cho rằng, trong sự việc của Tân Hiệp Phát vừa qua, uy tín của doanh nghiệp luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu. Sau phiên tòa ngày 18.12, đánh giá ở góc độ tín nhiệm của người tiêu dùng với doanh nghiệp, Tân Hiệp Phát đã “thua trắng” bởi cho dù được cái lợi trước mắt là không mất nửa tỷ đồng, nhưng lại mất đi cái lợi lâu dài là thương hiệu, uy tín... Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của bài học về việc “cần phải đưa quyền lợi người tiêu dùng lên trên hết” trong nền kinh tế thị trường.

Cũng theo ông Chính, lâu nay quan hệ giữa người tiêu dùng với nhà sản xuất luôn là quan hệ ở thế yếu, rất khó cho người tiêu dùng muốn đấu tranh. Tuy nhiên, chính vì ở thế yêu nên người tiêu dùng cần phải tận dụng tối đa những công cụ để bảo vệ mình.

"Những công cụ được đề cập ở đây là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật hiện nay ủng hộ người tiêu dùng khi có thắc mắc với nhà sản xuất thì có thể công khai trực tiếp khiếu nại với nhà sản xuất. Nếu mọi thắc mắc không được giải quyết thỏa đáng thì người tiêu dùng hãy báo cho cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện, quận (Phòng Công Thương hoặc Phòng Kinh tế ở địa phương)” - ông Chính nói. 

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội): Đề nghị tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi

Theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, anh Võ Văn Minh có thể tự mình hoặc thông qua tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát (THP) bồi thường thiệt hại. Việc giải quyết tranh chấp tuân theo quy định tại Chương 4, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể tại Điều 30: Thương lượng, nếu thương lượng không thành thì hòa giải; nếu hòa giải không thành thì khởi kiện ra tòa án. Nếu cả THP và anh Minh đều nắm rõ điều này, có lẽ câu chuyện sẽ được giải quyết đúng đắn hơn.

Tôi cho rằng anh Minh đòi bồi thường như thế là không thỏa đáng và theo cáo trạng, anh Minh định dùng báo chí để gây áp lực là không nên. Trường hợp nếu THP đã thỏa thuận với anh Minh để bồi thường 500 triệu đồng thì thỏa thuận này hoàn toàn hợp pháp bởi THP không bị ép buộc; sức ép ở đây chính là do sai sót của THP mà họ sợ mất uy tín chứ không phải từ phía anh Minh. Nhưng sau đó THP lại lật kèo, đó là hành vi không thể chấp nhận. Về khía cạnh pháp lý, việc truy tố Minh tội “cưỡng đoạt tài sản” là khiên cưỡng.

                Ngọc Lương (ghi)

Tháng 3.2009, bà Nguyễn Thị Thu Hà (Biên Hòa, Đồng Nai) - chủ quán Thác Vàng phát hiện chai nước tăng lực Number One còn đậy nắp có ống hút bên trong. Ngoài ra, còn 4 chai sữa đậu nành Soya còn thời hạn sử dụng, nguyên nắp nhưng đáy có cặn. Bà Hà báo cho nhà sản xuất là Công ty Tân Hiệp Phát nhưng không được giải quyết nên đã tố cáo.

Sau đó, phía Công ty Tân Hiệp Phát đồng ý hỗ trợ 49 triệu đồng, khi bà Hà đang nhận 49 triệu đồng từ công ty này thì bị công an bắt giữ. Căn cứ trên giấy tờ, tài liệu thể hiện việc thỏa thuận giữa hai bên là giao dịch dân sự tự nguyện nên cơ quan công an trả tự do và không khởi tố bà Hà.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem