Vụ hàng chục nghìn điện thoại bị nghe lén: Hậu quả hết sức khó lường

Thắng Quang - Dương Trang Thứ tư, ngày 25/06/2014 06:21 AM (GMT+7)
Liên quan đến vụ hàng chục nghìn thuê bao điện thoại di động bị nghe lén, giám sát mà cơ quan chức năng vừa phát hiện tại Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (trụ sở ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), trao đổi với NTNN, nhiều người dùng điện thoại có cài phần mềm Ptracker tỏ ra hết sức lo lắng.
Bình luận 0

“Chúng tôi bị xúc phạm”

Gặp chúng tôi khi hay tin về việc mình là một trong 14.000 chủ nhân điện thoại bị nghe lén, anh Nguyễn Đăng Thành (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay: “Tôi rất hoang mang. Tôi không biết người ta lấy thông tin đó để làm gì, có nguy hại gì cho tôi và gia đình hay không?”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Ngọc Hải - cán bộ kỹ thuật Viettel Hà Nam cũng chia sẻ: “Tôi lo lắng lắm. Nhưng cũng tự động viên là chắc không sao đâu vì ở cơ quan vẫn không thấy thông báo cụ thể về vấn đề này”.

Chị Đào Xuân Mai - Công ty cổ phần Hệ thống thông tin FPT thì bức xúc: “Khi biết là thông tin bị nghe lén, tôi rất bực mình và có phần lo lắng, hoang mang, cảm thấy mình bị xúc phạm, thiếu tôn trọng vì mình bỏ phí sử dụng dịch vụ nhưng không được đáp ứng nhu cầu bảo mật. Đề nghị ngành chức năng xử lý nghiêm vụ việc”.

Về vụ việc Công ty Việt Hồng, trao đổi với NTNN ngày 24.6, đại tá Lê Hồng Sơn – Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội, cho biết: Phần mềm gián điệp theo dõi, giám sát điện thoại di động ngày càng được lập trình một cách tinh vi, có khả năng lấy cắp được nhiều thông tin từ thuê bao di động hơn mà người dùng không hề hay biết.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý còn nhiều vướng mắc. Một là việc cấp giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp rất chung chung, không cụ thể, chi tiết. Hai là công tác quản lý thông tin thuê bao trả trước vẫn còn nhiều lỗ hổng dễ bị lợi dụng. Ba là các đối tượng mua phần mềm lén lút theo dõi người khác phần lớn đều là người thân quen với nhau nên việc đấu tranh, xử lý khó khăn.

“Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định nếu phát hiện các hành vi vi phạm tương tự như vậy, các đối tượng đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”- đại tá Sơn nói.

Hậu quả sẽ khó lường

Phân tích sâu hơn về những hệ lụy của việc người dân bị nghe lén, qua trao đổi với phóng viên NTNN, thượng tá Tạ Văn Biên – Phó Trưởng phòng PC50 Công an TP. Hà Nội cho biết: “Đây là vấn đề liên quan đến xâm phạm đời tư của cá nhân, vi phạm pháp luật. Nếu thông tin của người dùng điện thoại bị cài phần mềm gián điệp rơi vào tay người lạ, lọt vào tay tội phạm hoặc nếu những thông tin đó là của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn đến xã hội thì hậu quả xảy ra sẽ hết sức khôn lường”.

Đánh giá về loại tội phạm này, thượng tá Biên nêu rõ: “Tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian gần đây hoạt động ngày càng tinh vi phức tạp. Qua việc cài đặt phầm mềm vào máy, đối tượng có thể khai thác những thông tin đến đời tư cá nhân, ví dụ như biết được các số máy trong danh bạ, kẻ xấu có thể sử dụng để giả mạo, lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hình thức mượn danh… Hoặc nạn nhân sẽ bị lộ số tài khoản, mật khẩu cá nhân, những thông tin cá nhân liên quan tới chuyện riêng tư hay công việc”.

"Biện pháp tốt nhất để bảo vệ mình là quản lý chặt điện thoại, đừng bao giờ tải về máy những phần mềm mà mình chưa hiểu rõ, không khéo sẽ bị đánh cắp tài khoản, thông tin cá nhân… Thỉnh thoảng nên đưa điện thoại đến cơ sở uy tín để kiểm tra."
Kỹ sư Công nghệ thông tin Bùi Quang Hải

Thượng tá Biên cũng phân tích thêm về thủ đoạn của loại tội phạm mới: Khi người dùng có nhu cầu nghe lén, theo dõi điện thoại của người khác, nhân viên Công ty Việt Hồng sẽ cài phần mềm cho dùng thử 24 tiếng. Người dùng sẽ cầm máy điện thoại cần giám sát và tải phần mềm này từ trang web vhc... hoặc soạn tin nhắn với cú pháp đã mặc định để lấy link tải phần mềm về.

Sau khi cài đặt thành công, tất cả các dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đi, gọi đến, âm thanh ghi âm xung quanh, hình ảnh, video, thống kê lịch sử truy cập trang web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy bị giám sát sẽ được phần mềm lưu lại và đẩy lên máy chủ của Công ty Việt Hồng (đặt tại Việt Nam)...


Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN: Đòi quyền lợi  không dễ


Trong trường hợp này, người tiêu dùng có quyền khởi kiện. Bởi nguyên tắc là anh phải bảo mật thông tin cho khách hàng nhưng thông tin cho khách hàng đã bị xâm hại nghiêm trọng, bị đánh cắp như vậy thì rõ ràng quyền lợi người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong vụ việc này, cá nhân tôi cho rằng, việc đòi quyền lợi của người tiêu dùng không dễ thực hiện.

Bản thân hiệp hội của chúng tôi chưa từng làm vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế này. Hiệp hội cũng chưa có hướng dẫn của tòa án trong việc xử lý các vụ kiện. Chưa kể, việc bồi thường trong vụ việc này liên quan đến cả hàng nghìn người, nên rất khó để xác định thiệt hại.

Ông Phạm Văn Chung - Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum:Cần cấm cài đặt
Có những sự nguy hại, hậu quả khôn lường từ việc dùng phần mềm nghe lén, giám sát điện thoại. Ví dụ người vợ hoặc chồng nghe lén điện thoại của người bên kia, nhất định sẽ gây nghi kỵ lẫn nhau và sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực như tan cửa nát nhà, con cái bơ vơ, thậm chí án mạng.

Vì những tác động xấu, tiêu cực trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm có quy định nghiêm cấm hành vi cài phần mềm nghe lén điện thoại của cá nhân, tổ chức. Đồng thời, có biện pháp hiệu quả để kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm để trục lợi.
Mai Hương - Lê Chiên (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem