Vụ tử tù khai nhận tội thay bạn: Ai là người cầm con dao gây án?

Thứ bảy, ngày 14/11/2015 22:01 PM (GMT+7)
Sau phiên tòa sơ thẩm, Nam làm đơn kháng cáo kêu oan mình không phải là người cầm dao đâm anh Toàn. Nhưng trải qua 4 lần xét xử, Nam vẫn phải nhận án tử hình, cho đến khi có quyết định của TAND Tối cao...
Bình luận 0

Tử tù 3 lần làm đơn kháng cáo

Ngày 9.5.2012, phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ nhất của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tuyên Đàm Phạm Hoài Nam (SN 1987), trú phường Nam Lý, TP.Đồng Hới (Quảng Bình) nhận án tử hình vì tội Giết người.

Trong hồ sơ vụ án Đàm Phạm Hoài Nam, từ ngày Nam ra đầu thú cho đến trước khi TAND tuyên án tử hình, Nam vẫn một mực nhận tội Giết người. Tuy nhiên, khi nhận án tử, Nam lại đột ngột làm đơn kháng cáo, cho rằng mình bị oan và không đáng phải nhận mức án cao như vậy: “Người đâm anh Lý Đức Toàn là Lê Xuân Tiến, bị cáo đứng ra nhận tội thay Tiến vì Tiến hứa hẹn sẽ lo chu cấp cho mẹ và anh trai của bị cáo”.

img

Không chấp nhận án tử hình, bị cáo Đàm Phạm Hoài Nam liên tục làm đơn kháng cáo kêu oan.

Căn cứ trên lời khai và chứng cứ trong vụ án, tại bản án hình sự phúc thẩm số 286/2012/HSPT ngày 30.8.2012, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng quyết định hủy Bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Bình đã tuyên trước đó đối với Đàm Phạm Hoài Nam để điều tra lại.

Sau khi điều tra lại, ngày 19.12.2012, cơ quan điều tra đã cho đối chất giữa Đàm Phạm Hoài Nam và Lê Xuân Tiến thì Nam vẫn khai Tiến là người dùng dao bấm đã mượn của Nam từ trước để đâm anh Toàn. Còn Tiến thì khai nhìn thấy Nam đánh anh Toàn, còn Nam có dùng dao hay không thì Tiến không xác định được vì trời tối và đứng cách Nam khoảng 7m. Về con dao bấm, Tiến khai đã trả cho Nam khoảng một tuần ngay sau khi mượn.

Ngày 8.5.2013, TAND tỉnh Quảng Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm lần thứ 2 xét xử Đàm Phạm Hoài Nam về tội Giết người. Lần này, bị cáo Nam cũng không đưa ra được các tình tiết mới, chứng minh mình vô tội nên HĐXX đã tiếp tục tuyên án tử hình.

Không chấp nhận với bản án trên, ngày 9.5.2013, Đàm Phạm Hoài Nam tiếp tục làm đơn kháng cáo kêu oan. Và lần này, tại Bản án hình sự phúc thẩm số 269/2013/HSPT ngày 19.8.2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng vẫn y án sơ thẩm, giữ nguyên mức án tử hình với bị cáo Nam về tội Giết người.

Nhiều tình tiết chưa được làm rõ

Trong lúc đang tuyệt vọng, tử tù Đàm Phạm Hoài Nam mừng vui khôn xiết khi nhận được quyết định của TAND Tối cao về việc hủy bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại Đà Nẵng để điều tra lại.

Cụ thể, ngày 28.4.2014, Chánh án TAND Tối cao đã ra quyết định 25/2014/KN-HS kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm của TAND Tối cao tại Đà Nẵng và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm của TAND Tối cao tại Đà Nẵng để điều tra lại. Bởi, TAND Tối cao cho rằng vẫn còn nhiều chi tiết trong quá trình điều tra chưa được làm rõ.

Theo đó, mâu thuẫn đầu tiên được thể hiện ngay trong con dao, chính là hung khí gây án. Lật lại hồ sơ vụ án, tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất, Đàm Phạm Hoài Nam đều khai nhận đã đuổi theo và dùng dao đâm anh Lý Đức Toàn nhiều nhát bằng dao Thái Lan mang sẵn trong người.

Cơ quan điều tra đã cho Nam vẽ lại con dao gây án, lời khai của Trần Ngọc Huy, lời khai của những người làm chứng đều khẳng định có nhìn thấy Nam đuổi theo anh Toàn, nhìn thấy Nam đánh anh Toàn, nhưng việc Nam dùng dao đâm anh Toàn hay không thì không ai nhìn thấy.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Nam kháng cáo kêu oan cho rằng Lê Xuân Tiến là người dùng dao đâm anh Toàn, Nam chỉ đứng ra nhận tội thay Tiến vì Tiến hứa hẹn sẽ chu cấp cho mẹ và anh trai Nam.

Cũng theo nội dung quyết định này, tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào những lời khai nhận tội của Đàm Phạm Hoài Nam và các tài liệu do cơ quan điều tra thu thập, còn nhiều mâu thuẫn chưa được chứng minh làm rõ để kết án Đàm Phạm Hoài Nam về tội Giết người. Nên việc kết tội Nam là chưa đầy đủ chứng cứ vững chắc. Vì vậy, để có căn cứ kết tội đối với Đàm Phạm Hoài Nam, cần phải làm rõ thêm một số vấn đề.

Thứ nhất, ngay khi Đàm Phạm Hoài Nam ra đầu thú, cơ quan điều tra đã nhiều lần tiến hành lấy lời khai, trong đó có lời khai có sự tham gia của luật sư thì Nam đều khai nhận hành vi dùng dao đâm anh Lý Đức Toàn. Tuy nhiên, những lời khai này còn mâu thuẫn và mâu thuẫn với dấu vết trên tử thi nhưng chưa được điều tra làm rõ.

Về hung khí là con dao gây án, theo những lời khai ban đầu của Nam khi nhận tội là dùng dao Thái Lan cán nhựa mày đen dài khoảng 25-30cm, lưỡi dao rộng khoảng 2cm. Đến khi điều tra lại, Nam không nhận dùng dao đâm anh Toàn mà do Tiến dùng dao bấm đâm anh Toàn, con dao này do Nam cho Tiến mượn (theo lời khai của Tiến thì Tiến đã trả dao cho Nam từ trước đó), đó là dao bấm có lưỡi dài khoảng 10cm, rộng 1,5cm.

Cơ quan điều tra không thu được dao, nhưng cũng không giám định làm rõ cơ chế hình thành dấu vết trên tử thi có phù hợp với kích cỡ con dao Nam đã khai hay không.

Hơn nữa, lời khai của người làm chứng Lê Huy Cường còn chưa nhất quán. Lời khai đầu tiên, lúc đó anh Cường thấy Nam, Huy và một thanh niên đuổi theo anh Toàn, khi anh Toàn ngã thì cả 3 cùng vây lại đánh.

Những lời khai những ngày sau đó của anh Cường cũng đã có thay đổi về khoảng cách và vị trí của những đối tượng trên. Rõ ràng lời khai của nhân chứng thiếu thống nhất và còn nhiều nghi vấn nhưng vẫn được tòa xem xét tình tiết đáng tin cậy. Và cơ quan điều tra đã không dựng lại hiện trường để xác định khoảng cách mà người làm chứng chứng kiến cũng như khẳng định sự chắc chắn của người làm chứng.

Đến nay, nhiều người dân theo dõi vụ án vẫn đang chờ đợi một kết quả công tâm, đúng người, đúng tội, để những ai có tội đều phải chịu bản án thích đáng từ pháp luật. Và hơn ai hết, ngồi trong bốn bức tường giam, dù chưa biết kết quả chờ đợi mình ở phía trước là gì, nhưng Đàm Phạm Hoài Nam vẫn ngày đêm mong đợi một phép nhiệm màu đến với mình.

Bích Ngọc (Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem