Xử vụ ly hôn vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên: Hoãn đến bao giờ?

Đông Anh Thứ ba, ngày 19/11/2019 11:02 AM (GMT+7)
Ngày 18/11, Toà án Cấp cao tại TP.HCM lại tiếp tục hoãn lần thứ 2 phiên xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn của vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo. Vấn đề đặt ra là việc hoãn xét xử lần 2 này có đúng quy định pháp luật? Và, việc hoãn xét xử này kéo dài đến bao giờ?
Bình luận 0

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sự Hồ Nguyên Lễ - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tín Nghĩa (Đoàn luật sư TP.HCM).

Thưa luật sư, vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục được Toà án Cấp cao cho hoãn xét xử lần thứ 2. Vậy, việc hoãn này là dựa trên cơ sở pháp lý nào?

- Theo khoản 2, Điều 227 - Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: “Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa. Trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì tòa án có thể hoãn phiên tòa.

Vậy, việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo viện lý do bệnh, phải nhập viện nên xin hoãn phiên toà lần thứ 2. Lý do xin hoãn phiên toà của bà Thảo có được phép không?

- Trên thực tế, khi đương sự bị bệnh hoặc vì lý do nào đó không đến tham dự phiên tòa trong tố tụng dân sự thì có thể ủy quyền cho người đại diện thay thế mình tham dự. Tuy nhiên tại khoản 4, Điều 85 - Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 có quy định:  “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.

Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2, Điều 51 của Luật Hôn nhân và Gia đình: “Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn, khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”, thì cha mẹ là người đại diện.

img

Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tín Nghĩa (Đoàn luật sư TP.HCM). Ảnh: H.H

Đối chiếu với trường hợp bà Thảo - ông Vũ, thì bà Thảo không thuộc diện bị loại bệnh theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, nên cha mẹ không thể đại diện?

- Tất nhiên, cha mẹ không thể đại diện cho ông Vũ - bà Thảo trong vụ án này. Vì, cả hai đều đủ nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Ông Vũ và bà Thảo cũng không phải là nạn nhân của bạo lực gia đình…

img

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên xét xử sơ thẩm. Ảnh: H.H

Vậy, việc hoãn xét xử kéo dài đến bao giờ?

- Trong vụ án ly hôn này, vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo bắt buộc phải tham dự xét xử. Cả hai không được cử đại diện ủy quyền tham dự thay mình. Vì lý do bị bệnh mà bác sĩ xác định là không đủ sức khỏe để tham dự phiên tòa thì đó là lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, nên tòa án có thể hoãn phiên tòa.

Việc hoãn phiên toà cho đến khi đương sự đủ điều kiện sức khỏe thì phiên tòa sẽ xét xử trở lại. Vì vậy, không thể đặt thời gian cụ thể là bao nhiêu ngày, hay bao nhiêu tháng, mà ở đây, phụ thuộc sức khoẻ, ý chí của 2 đương sự là ông Vũ - bà Thảo.

Xin cảm ơn luật sư đã dành cho Dân Việt cuộc trao đổi này!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem