Phi vụ lợi để có chất lượng ĐH cao

Thứ hai, ngày 13/06/2011 08:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Muốn thay đổi xã hội và cải cách giáo dục một cách thực sự, cần phải thực hiện tư tưởng của nhà yêu nước Phan Châu Trinh "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" - nhà văn Nguyên Ngọc nói.
Bình luận 0

Đó là phát biểu của nhà văn Nguyên Ngọc - người sáng lập trường tại Hội thảo “Chiến lược phát triển của Trường ĐH Phan Châu Trinh trong giai đoạn mới” vừa tổ chức tại Hội An (Quảng Nam) với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đầu ngành. 

Trò chuyện với Dân Việt về tư tưởng giáo dục này, nhà văn Nguyên Ngọc đã chỉ ra những cách thức mà Trường ĐH Phan Châu Trinh đang hướng tới để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.

Thưa ông, vì sao lúc này ông lại đề cập đến tư tưởng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Châu Trinh?

img
Sinh viên xuất sắc được nhà trường tuyên dương và khen thưởng.

- Một trong những đặc điểm của các tư tưởng lớn là tính bền vững, thường xuyên mới mẻ, đến như tinh khôi của chúng, đặc biệt khi trong cuộc sống nảy sinh những thách thức. Như chúng ta đều biết, sự phát triển xã hội của chúng ta đang đứng trước những thách thức lớn, thách thức với nền giáo dục ta càng nghiêm trọng hơn. Chính trong lúc này phương châm nổi tiếng của Phan Châu Trinh “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” một trăm năm trước bỗng sống dậy mạnh mẽ, và dường như đang trả lời thẳng ngay vào những câu hỏi bức bách hôm nay.

Ông có thể nói rõ hơn về nội dung tư tưởng đó?

img Chúng tôi đang nghĩ đến làm CĐ (đúng hơn là mô hình ĐH cộng đồng 2 năm, có liên thông tốt, mềm với đại học 4 năm”. CĐ vừa đảm bảo cho con người sớm có nghề, là việc hết sức thiết thực, đồng thời cũng là tạo đầu vào tốt cho ĐH. Miền Trung còn nghèo, rất nên suy nghĩ về điều này. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghĩ đến một hình thức dự bị đại học. img

- “Khai dân trí”, tức là đem lại sự hiểu biết cho con người, khai sáng đầu óc con người, trang bị tri thức trung thực, chân chính, khả năng hiểu biết đúng đắn mọi sự quanh mình, cùng vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền của mình trong thế giới đó. Phan Châu Trinh là người có niềm tin mãnh liệt ở sức mạnh của sự hiểu biết.

Ông tin sâu sắc rằng tri thức có thể làm nên sức mạnh, nhất định làm nên sức mạnh vô địch và lâu dài.. Trong lúc nước nhà nguy biến, thật lạ, khác với nhiều người đương thời, ông tuyên bố, đinh ninh: “Chi bằng học!”. Với khẳng định sáng suốt đó, ông đã đến gần những nhân vật lớn của thế giới từng làm thay đổi vận mệnh đất nước của họ trong những bước ngoặt như Fukuyama Yukichi của Nhật, Humboldt của Đức…

“Khai dân trí” cũng chính là dân chủ hóa đích thực, chỉ có thể có dân chủ thật sự khi nhân dân có hiểu biết. Và cũng chỉ khi đó mới có dân khí mạnh. Cho nên cải cách giáo dục mạnh mẽ hiện nay chính dân chủ hóa một cách thiết thực và cấp thiết; là tạo lại dân khí hùng mạnh cho đất nước.

Phan Châu Trinh cũng thật anh minh khi ông chỉ ra rằng: Chỉ trên cơ sở dân trí được khai sáng, dân khí bừng lên mạnh mẽ, mới có thể mưu tính “hậu dân sinh”, xây dựng những con người năng nổ, có bản lĩnh vững và kỹ năng giỏi, cho phát triển kinh tế và xã hội, cho dân giàu nước mạnh, đuổi kịp năm châu.

Trường ĐH Phan Châu Trinh đã quyết định lấy khẩu hiệu nổi tiếng của Phan Châu Trinh làm tôn chỉ cao nhất của mình. Chúng tôi mong muốn làm một điểm sáng nhỏ góp phần khôi phục lại tinh thần và con đường vĩ đại đó trong lúc đất nước đang đứng trước những thách thức lớn hôm nay.

Với tư cách là Chủ tịch HĐQT của Trường ĐH Phan Châu Trinh, ông chọn cách đi của trường như thế nào trong tình hình ĐH đang có rất nhiều vấn đề hiện nay?

- Chúng tôi muốn làm một nghĩa thục, như Phan Châu Trinh từng làm. Nghĩa là không buôn bán giáo dục. Cuộc vật lộn trong hơn 3 năm qua của Trường ĐH Phan Châu Trinh cũng chính là chung quanh vấn đề hướng đi này. Hãy nhớ lại Phan Châu Trinh và các đồng chí tâm huyết nhất của ông thời bấy giờ. Các ông đi buôn để làm giáo dục, nhưng không buôn giáo dục.

Cụ thể: Các ông lập Công ty Liên Thành và đi buôn đến cả nước mắm, để làm giáo dục khai dân trí, từ đó mà cứu nước (rất thú vị, Công ty Liên Thành đến nay vẫn còn và vẫn làm ăn phát đạt). Chúng tôi muốn đi theo con đường đó, tìm mọi hình thức, đa dạng, năng động, sáng tạo “đi buôn”, để nuôi một ngôi trường nghĩa thục.

Vì sao phải làm nghĩa thục? Tôi không tin một ngôi trường buôn bán giáo dục lại có thể tạo nên những con người như ta đang muốn tạo cho đất nước: Trung thực, độc lập, tự chủ, sáng tạo, có trách nhiệm cao với xã hội, giỏi giang, thành đạt ở đời. Một con người như vậy chỉ có thể được tạo nên bởi một nền giáo dục trung thực.

Như chúng ta đều biết, một căn bệnh hiểm nghèo đang gặm nhấm đến xương cốt xã hội chúng ta, là bệnh giả dối. Trong giáo dục, giả dối cũng đang tràn ngập. Chỉ có thể chống lại căn bệnh chết người ấy, cứu xã hội, cứu đất nước, bằng một nền giáo dục trung thực, những ngôi trường trung thực.

Đi trên con đường chông gai đó, trường đã gặp những khó khăn gì?

- Phải nói thật rằng, với các chính sách cụ thể của mình, Nhà nước chưa ủng hộ những ngôi trường như thế. Bằng chứng: Nghị định 61 coi các trường ĐH tư hoàn toàn là các công ty cổ phần, tức các hội buôn, ai muốn tham gia phải bỏ tiền, và ai nhiều tiền hơn thì chỉ huy tuyệt đối và toàn diện ngôi trường! Gần đây hiện tượng “bán trường” đang diễn ra, ngày càng trắng trợn và phổ biến. Chúng tôi muốn thoát ra tình cảnh thê thảm đó.

Ông và các cộng sự làm thế nào để vượt qua?

- Sau hơn 3 năm vật lộn, đến nay chúng tôi đã cơ bản thoát ra được, nói cụ thể là thoát ra được sự khống chế của những người nhiều tiền chỉ muốn làm trường để có rất nhiều tiền và thật nhanh. Chúng tôi nói: Chúng tôi đã bứt ra được khỏi sự níu kéo cũ ấy, bước lên được một bậc thềm khác; trên bậc thềm đó, bây giờ là đi tới, tính cách đi tới. Cuộc hội thảo về chiến lược phát triển của Trường ĐH Phan Châu Trinh trong giai đoạn mới vừa rồi là bước đi đầu tiên của chúng tôi.

Ông có thể nói cụ thể một số tính toán về những bước đi tới đó?

- Có thể có một số vấn đề như sau: Một là về việc dạy gì, học gì? Trong thời đại của chúng ta, chúng tôi hiểu “khai dân trí” là cố gắng trang bị cho người học một nền tảng tri thức nhân văn cơ bản, phổ quát, không chỉ để làm cơ sở vững chắc cho việc học sâu vào chuyên ngành, mà còn để cho con người ấy có được ý chí và khả năng tiếp tục tự học suốt đời để luôn tự chủ suốt đời.

Đi đôi với nền tảng tri thức nhân văn cơ bản, là các kỹ năng cần thiết, như: Làm chủ vững chắc ít nhất một ngoại ngữ (tiếng Anh), có hiểu biết về tin học, có khả năng tự học, tự nghiên cứu, có tư duy phản biện lành mạnh, dám hỏi, biết hỏi, và biết tự mình đi tìm câu trả lời… Chúng tôi coi đây là phần cốt lõi của đào tạo.

Đứng giữa nhiều trường mạnh, để tồn tại và phát triển, Trường ĐH Phan Châu Trinh phải tìm được lối đi riêng, tận dụng được những lợi thế riêng có. Chúng tôi không bỏ khoa nào trong các khoa đang có (Tiếng Anh, Tiếng Trung, Điện tử Viễn thông, Công nghệ thông tin, Kinh tế, Việt Nam học - Du lịch, Ngữ văn - Truyền thông) vì nhu cầu xã hội, nhưng muốn dần dần tập trung hơn vào các khoa xã hội nhân văn, vốn đang là chỗ yếu của giáo dục ta và lại đang là vô cùng quan trọng cho xã hội.

Chúng tôi cũng sẽ linh hoạt tìm cách đi thích hợp: Đa cấp, đa dạng; và trên cơ sở phương hướng chung, đi từng bước thích hợp. Chẳng hạn, bên cạnh các khoa là các trung tâm, như Trung tâm tiếng Anh, cố gắng thật mạnh, đang là nhu cầu lớn của xã hội…

Xin cảm ơn nhà văn Nguyên Ngọc!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem