“Cởi trói” cho điện ảnh Việt từ khâu duyệt phim

Minh Thi Thứ ba, ngày 22/10/2019 17:35 PM (GMT+7)
Sau sự cố phim “Ròm” đoạt giải thưởng cao nhất tại liên hoan phim (LHP) Busan (Hàn Quốc) nhưng về nước bị phạt 40 triệu đồng và bị “tiêu hủy tang vật”, một số đạo diễn đã lên tiếng về việc nên xem lại cách thức thẩm định và cấp phép cho phim ảnh hiện nay.
Bình luận 0

Phim “Ròm” được báo chí quốc tế và Ban giám khảo dành cho lời khen, song lại nhận về một số phận khá bi thảm, bởi chưa được cấp phép đã mang đi dự LHP. Mà việc chậm cấp phép này là do Hội đồng thẩm định yêu cầu cắt bớt những cảnh phim quá bạo lực.

Trong thời gian này, nhà sản xuất vẫn gửi phim dự thi LHP Busan ở Hàn Quốc. Khi bị Cục Điện ảnh yêu cầu rút phim về, nhà sản xuất đã cam kết rút phim nhưng Ban tổ chức không chấp nhận. Kết quả, phim đoạt giải New Currents, một giải quan trọng của LHP Busan.

img

Một cảnh trong phim “Ròm”. Ảnh: I.T

Theo Cục Điện ảnh đánh giá: Phim “Ròm” phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trúng “lô, đề”. Những tệ nạn xã hội xuyên suốt bộ phim. Phim mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị – xã hội thể hiện cách nhìn tiêu cực về đất nước, văn hóa con người Việt Nam, Cục đã yêu cầu êkíp chỉnh sửa và kiểm duyệt lại để được cấp phép phổ biến (trích công văn số 637 do quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh ký gửi Ban Tuyên giáo Trung ương).

Với phim nội thì Cục Điện ảnh xem xét kỹ như vậy, nhưng vì sao với  phim ngoại “Everest - Người tuyết bé nhỏ” hay “Điệp vụ Biển đỏ” thì lại bị lọt cửa kiểm duyệt trước hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp? Và câu trả lời của một thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia đã khiến dư luận phẫn nộ, vì coi nhẹ tầm quan trọng của cuộc “xâm lăng mềm” bằng con đường văn hóa.

Hai câu chuyện phim nội - ngoại nói lên vấn đề mà Hội đồng duyệt phim đang gặp phải: Bên quá buông lỏng, bên quản quá chặt.

Nhiều nhà làm phim, nhà phê bình đã lên tiếng bảo vệ đạo diễn dòng phim độc lập và đòi thay đổi, cải tổ cách nhìn của Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia.

Phát biểu trên báo chí, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho hay, “có hai điều đáng sợ mà nhà sản xuất, đạo diễn nào cũng nghe khi duyệt phim, đó là “vi phạm thuần phong mỹ tục” và “chi tiết mang tính chất nhạy cảm”. Hai lý do này mang cảm tính của người duyệt, gây khó đoán cho người làm phim. Chừng nào những quy định về duyệt phim rõ ràng, cụ thể hơn thì lúc ấy nhiều đạo diễn sẽ yên tâm làm phim hơn”.

Còn đạo diễn Phan Đăng Di thì cho rằng phải công khai để xem bộ phim có đáng bị đối xử như vậy không. “Những ý kiến đưa ra từ Hội đồng duyệt mang tính chất áp đặt và không công khai. Rõ ràng, nếu có bằng chứng cụ thể thì sẽ có chế tài cho nhà làm phim. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần một cơ chế đối thoại rõ ràng, những người sáng tạo được có quyền lên tiếng bảo vệ tác phẩm của mình. Nếu một bộ phim nào đó cảm thấy có vấn đề, thì hãy lấy ý kiến rộng ra từ những nhà chuyên môn”.

Đạo diễn nhấn mạnh, “hệ thống kiểm duyệt của chúng ta so với các nước là quá lạc hậu! Ở Hàn Quốc, họ bỏ kiểm duyệt từ lâu và chỉ hạn chế độ tuổi, nên điện ảnh Hàn Quốc mới phát triển như thế. Còn chúng ta, cứ lấy kiểm duyệt ra để nghiền nát nền điện ảnh này, đó là điều tôi không chấp nhận được”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem