Họng súng AR15 chực chờ trên đầu bò tót

Trần Đáng - Hứa Phương Thứ ba, ngày 15/03/2016 13:00 PM (GMT+7)
Rừng xanh ở Đồng Nai giờ chỉ còn hơn 100 con bò tót (động vật trong sách Đỏ). Mùa này nắng hạn như thiêu, nước đang cạn kiệt, đàn bò tót lại mò ra bìa rừng tìm nước và trở thành mục tiêu dễ bắn hạ của thợ săn.
Bình luận 0

Tin một con bò tót 2 tuổi vừa bị sát hại tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai khiến chúng tôi không thể ngồi yên. Qua điện thoại, giọng anh Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên và Hợp tác Khu bảo tồn, lạc đi: “Gay go rồi, trong rừng thiếu nước, đàn bò tót lại mò ra bìa rừng kiếm nước và sẽ có nguy cơ xung đột với người dân sống trong lõi khu bảo tồn”.

Ra bìa rừng là... chết

Vác ba lô lên vai chúng tôi hộc tốc lao về Khu bảo tồn (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Thế mà, cuộc hẹn tháp tùng đi tìm dấu vết đàn bò tót trong Khu bảo tồn với anh Hiệp cũng dở dang vì anh không thể ngồi chờ chúng tôi khi người dân báo một đàn bò tót 6 con vừa mò ra khu dân cư Bà Hào (xã Mã Đà).

imgMột con bò tót nặng hơn 1 tấn đang tiến ra khu dân cư. Ảnh:T.Đ

Lỡ nhịp, chúng tôi lao về ấp 5 xã Mã Đà với hy vọng nhờ trưởng ấp Phạm Ngọc Hải dẫn đến nơi con bò tót bị bắn hạ. Đường 327 trải nhựa láng o nhưng vắng tanh. Rừng xanh bạt ngàn lấn ra sát vệ đường. Thi thoảng trên đường chúng tôi lại bắt gặp những dãy lon bia treo lủng lẳng. Nghe đâu để ngăn bàn bò tót ra đường, người ta treo những dãy lon này mà đuổi chúng (!).

 Không chỉ tìm cách bảo vệ đàn bò tót đang sống trong rừng bảo tồn, Khu bảo tồn còn có dự định đưa hơn 20 con bò tót ở Đồng Phú (Bình Phước) về đây, với một dự án táo bạo là mở một hành lang xanh dẫn dụ bò tót từ đó về Khu bảo tồn. Theo ông Hiệp – người đang ấp ủ dự án, hành lang xanh này dài hơn 20km, rộng khoảng 50m được trồng các cây gỗ lớn, các loại cỏ mà bò tót thích ăn… Dự án này, thậm chí vào năm 2012 đã được gửi đến Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên để xin hỗ trợ nhưng bị từ chối.

Thấy chúng tôi đến, ông Hải vội phân bua: “Không phải do dân tôi làm đâu nghe. Con bò bị bắn bằng súng AR15 đó, dân tôi không có súng đó đâu”.

Theo chân ông Hải, chúng tôi tìm đến chỗ con bò tót bị bắn. Trên đường đi, ông Hải cho biết, con đường này (đường dẫn vào di tích Khu ủy miền Đông) vào sáng sớm hay chập choạng tối bò tót hay mò ra kiếm ăn. Thậm chí, khi gặp người, đàn bò có thể tấn công nếu bị khiêu khích. “Có người bị bò đâm thủng ngực luôn đó” - ông Hải nói.

Chỉ cách con đường này chưa tới 10m, dưới một gốc cây nhỏ là chỗ con bò tót 2 tuổi bị bắn gục. Giờ thì chẳng còn lại gì, chỉ là từng đám ruồi bu đen trên những cành cây và mùi xác chết phân hủy. Ông Hải cho rằng ở vị trí gần khu dân cư, lại dùng súng AR15 bắn bò tót là một việc quá liều lĩnh của thợ săn. “Bắn xong họ bỏ lại xác bò, chỉ lấy mật và gan” - ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, xưa nay ấp 5 là lãnh địa, là mái nhà của bò tót. Tại ấp còn có trảng min (trâu rừng) và trảng bò tót. Lúc trước, đó là hai cái trảng luôn có nước lấp xấp và cỏ mọc xanh tốt quanh năm. Đám bò tót và min kéo từng đàn ra hai cái trảng này mà gặm nhấm. Nhưng bây giờ, bò tót ngày càng thưa thớt sau những đợt bị săn lùng, hai cái trảng theo thời gian cũng khô đáy, hoang lạnh.

img

Một dãy lon được treo lủng lẳng nhằm ngăn bò tót tiến ra đường 327. Ảnh: H.P

Ông Phùng Xuân Lượng - một thợ rừng có thâm niên trên 30 năm ở đây cho biết, ngày trước, cứ gặp người là từng đàn bò tót cong đuôi chạy vào rừng. Giờ trong rừng thiếu nước, thiếu thức ăn, bò tót men ra bìa rừng tìm kiếm. Đi riết đàn bò đâm ra dạn với người, thấy người chúng cứ trố mắt đứng nhìn, thậm chí chực chờ tấn công. Và đây cũng là cơ hội để những thợ săn sát hại chúng.

“Lâu lâu tôi lại nghe tin bò tót bị bắn chết, nghĩ mà thương đám bò và giận đám thợ săn. Rừng ở đây nếu không còn bò tót thật buồn biết bao” - ông Lượng bùi ngùi.

Kéo đàn bò tránh xa dân

Sau chuyến đi theo dấu chân đàn bò tót, ông Hiệp về ngồi bần thần: “Đàn bò tót đang có xu hướng ra bìa rừng kiếm ăn và sức ép của người dân sống trong vùng lõi rừng lên đàn bò là khá lớn”.

Liên tiếp ba ngày nay, từ sau vụ con bò tót bị bắn chết, ông Hiệp, nhân viên Khu bảo tồn và Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu chia nhau đi dò thăm thói quen kiếm ăn của từng đàn bò tót. Họ chia thành từng tốp rồi băng rừng theo dấu chân bò. Cứ nghe dân báo ở đâu có bò tót lần về thì họ lại lao đến rồi ghi chép nhật ký. Hiện tại Khu bảo tồn còn hơn 100 con bò tót, chia thành 4 đàn. Mỗi đàn tập trung tại một khu: Bàu Sắn, Bà Hào, Rang Rang và Cát Tiên.

Một nhân viên kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Vĩnh Cửu cho biết, anh đang căng sức để bảo vệ đàn bò tót. Hiện tại, Khu bảo tồn có 14 trạm kiểm lâm với khoảng 200 nhân viên, mỗi trạm bảo vệ 5.000 - 7.000ha rừng.

Theo ông Hiệp, có hai nguyên nhân chính khiến đàn bò tót đang có xu hướng tiến ra bìa rừng kiếm ăn, đó là diện tích rừng ngày càng ít đi khiến cho đàn bò thiếu thức ăn, thiếu chỗ trú ngụ và hiện thời là nước tại các bàu, trảng, hộc… trong rừng cạn kiệt trước mùa khô khốc liệt khiến không còn đủ cho đàn bò chống khát. “Tôi nghĩ, khoảng một tháng nữa nước  tại các bàu trong rừng sẽ cạn kiệt, lúc bấy giờ số lần bò tót tiến ra bìa rừng kiếm nước uống sẽ nhiều hơn” - ông Hiệp cho biết.

Vậy làm thế nào kéo đàn bò ở lại lõi rừng chứ không ra tiếp cận với dân, tránh rủi ro bị sát hại? - chúng tôi hỏi. Ông Hiệp cho biết đang cho đào một số bàu chứa nước rộng khoảng 200m2 trong lõi rừng, sau đó đưa nước vào để đàn bò chống khát.

Thật ra, để bảo vệ rừng, trong đó có đàn bò tót, nhiều năm trước chính quyền tỉnh Đồng Nai đã có dự án di dời dân sống trong lõi rừng thuộc Khu bảo tồn. Theo đó, UBND huyện Vĩnh Cửu đã lập dự án di dời người dân ra khỏi rừng, song hiện nay huyện vẫn chờ phân bổ kinh phí thực hiện. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án bố trí, ổn định dân cư tại 2 xã Hiếu Liêm và Mã Đà của huyện Vĩnh Cửu giai đoạn 2014-2016 có mục tiêu di dời, sắp xếp ổn định dân cư cho khoảng 240 hộ dân, với tổng kinh phí hơn 153 tỷ đồng.

Việc dự án kéo dài nhiều năm mà không triển khai được, theo ông Trần Văn Mùi - Giám đốc Khu bảo tồn, đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là chống cháy rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh vật rừng.

Trước khi chia tay, ông Hiệp “phán” một câu xanh rờn nghe rất đáng lo ngại: “Nếu không có những biện pháp mạnh gìn giữ đàn bò, không bao lâu nữa đàn bò tót sẽ bị tiêu diệt”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem