Bình phong trong kiến trúc truyền thống Việt

Thứ hai, ngày 28/10/2013 06:58 AM (GMT+7)
Bình phong có từ bao giờ? Thật khó trả lời chính xác câu hỏi này, chỉ biết rằng, ở phương Đông, từ khi con người biết xây dựng nhà cửa thì các quan niệm về bình phong cũng dần xuất hiện và lưu truyền.
Bình luận 0
Năm 1636, chúa Nguyễn Phước Lan đã vì sự nghiệp phát triển của Đàng Trong và cả vì mối tình với một cô gái yêu kiều ở đất làng Kim Long mà đã quyết định dời thủ phủ-kinh đô từ Phước Yên về vùng đất tươi đẹp bên bờ con sông Hương mang tên Kim Long.

Từ một huyền thoại

Hơn 50 năm tiếp đó, thủ phủ Kim Long đã được xây dựng thành một “đô thị lớn”, phồn hoa diễm lệ bậc nhất của Đàng Trong khiến không ít giáo sĩ phương Tây khi đến đây đã tỏ ra hết sức thán phục. Vậy mà đến năm 1687, ngay sau khi kế vị, chúa Nguyễn Phước Thái đã cho dời ngay thủ phủ về đất Phú Xuân, cách đó chỉ khoảng 3km. Nguyên nhân của sự dịch chuyển này là do đâu?

img

Các nhà nghiên cứu khi phân tích sự kiện trên đã đưa ra nhiều nguyên nhân, nhưng trong huyền thoại dân gian Huế thì dường như chỉ có một: đó là vì ngọn núi Ngự Bình vốn xưa mang tên là Mạc Sơn! Ngọn núi này được trời đất tạo ra dường như là để che chắn cho kinh đô của bậc đế vương.

Chính chúa Nguyễn Phước Thái là người đầu tiên nhận ra điều này và ông đã không ngần ngại cho xây dựng lại cả một kinh đô chỉ vì một chiếc bình phong! Cũng từ đó Mạc Sơn mới chính thức trở thành Ngự Bình và dần dần trở thành biểu tượng của đất Huế (miền Hương-Ngự).

Nguồn gốc của bình phong

Bình phong có từ bao giờ? Thật khó trả lời chính xác câu hỏi này, chỉ biết rằng, ở phương Đông, từ khi con người biết xây dựng nhà cửa thì các quan niệm về phong thuỷ cũng dần dần xuất hiện và từng bước hoàn thiện; chiếc bình phong ra đời cũng từ các nguyên lý của phong thuỷ học.

Theo các nhà nghiên cứu về phong thuỷ, việc sử dụng bình phong cho gia trạch cũng như mộ phần bắt nguồn từ lý thuyết về Triều và án trong Phong thuỷ. Triều có nghĩa là “quay về, hướng về”, viết tắt của chữ Triều sơn, tức chỉ núi quay về, chầu về nhà cửa hay mộ phần-tựa như sự đối ứng giữa chủ và khách.

Núi chầu về trong nghĩa triều sơn chỉ những ngọn núi ở phía xa và ở mặt trước. Triều sơn có nhiều loại, có loại đỉnh nhọn, đỉnh bằng, đỉnh tròn.... Trong Phong thuỷ thường chỉ chuộng loại núi tròn đều hay ngang bằng bởi cho rằng loại núi nhọn hay có góc cạnh thường phát ra khí chẳng lành.

Còn “án” vốn nguyên có nghĩa gốc là cái bàn, bàn đương nhiên là đặt trước mặt của người ngồi. Án sơn là để chỉ ngọn núi nhỏ ở phía trước gia trạch hay mộ phần.

Nói chung, triều và án hết sức cần thiết cho gia trạch và mộ phần, tác dụng của chúng là ngăn cản những ảnh hưởng xấu (theo quan niệm dân gian) hay Hỏa khí (theo thuyết âm dương Ngũ hành) xâm nhập trực diện từ phía trước. Nhưng không phải lúc nào triều và án cũng mang lại những điều tốt lành mà đòi hỏi phải có sự lựa chọn phù hợp, nhưng việc lựa chọn này lại hoàn toàn không dễ dàng.

(Kỳ sau: Sử dụng bình phong thế nào cho phù hợp)
HP (Nguồn TCSH) (HP (Nguồn TCSH))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem