Con đê trong lòng người dân Việt!

Trần Chinh Đức Thứ bảy, ngày 04/04/2015 07:28 AM (GMT+7)
“Kỳ nghỉ hè - Ta về quê - Ra bờ đê - Đi thả bê - Nghĩ mà thú!”. Hơn 60 năm trước tôi đã được học bài “đồng dao” đó và nó đã nằm lòng suốt cuộc đời.
Bình luận 0

Còn mãi miền ký ức

Nghĩ, ai một đời không được đi chân trần chạy trên cỏ ven đê, nhổ cỏ gà chơi “chọi gà”, hoặc nằm khểnh trên triền cỏ, bắt chân chữ ngũ nghe sáo diều vi vu lúc rõ, lúc không theo chiều gió. Cũng phí một thời ấu thơ! Trẻ con trong làng thường rủ nhau ra đê chơi, có kết hợp chăn trâu bò là chuyện thường và khi lớn lên lũ trẻ triền đê đều thành công dân bình thường cũng có kẻ thành tướng cướp và nhiều người thành anh hùng! Còn những đứa, kể cả bọn con gái hay ra đê một mình, thẫn thờ nhìn bãi mía nương dâu và con sông hồng hào cuồn cuộn mùa mưa lũ, suy nghĩ xa xôi, sau này sẽ thành thi nhân hoặc “hồng nhan bạc mệnh”.

img
Hoa gạo thắp lửa trên đê Vân Long (Gia Viễn, Ninh Bình). Vũ Linh

Con đê trong từ điển định nghĩa chỉ là “công trình xây đắp bằng đất, đá dọc bò sông hoặc bờ biển để ngăn không cho nước tràn vào đồng ruộng và khu dân cư”. Còn con đê trong lòng người dân Việt lại có ý nghĩa thần thánh.

Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh với sự chiến thắng của Sơn Tinh bằng đắp đê chống nước dâng, lấy được công chúa làm vợ, đã chứng minh một điều: Ai đắp được đê, giữ được đồng lúa và nhà cửa khỏi ngập lụt, người đó xứng danh anh hùng và trở thành đế vương thiên hạ. Suy ra, bảo vệ dân, giữ vững được nền kinh tế là sứ mạng của những minh quân, lương tướng...

img
Cánh đồng xã Xuân  Giang, Sóc Sơn (Hà Nội) nhìn từ triền đê dọc sông Cà Lồ. (VŨ LINH)

Từ truyền thuyết Sơn Tinh đến ông Cao Biền - người Trung Hoa đại lục sang ta đắp thành Đại La (hay La Thành) còn chứng thực đến bây giờ. Từ bến Hạc Trì (Phú Thọ) trở lên đến thượng nguồn sông Đà, sông Hồng là công lao của các Vua Hùng thời dựng nước. La Thành ngày nay là vành đai 1 của giao thông bị ngập lớn vì mưa nhiều, ai ở bên trong La Thành đều không phải bì bõm. Còn bây giờ tất cả đều phải lau bugi để nổ máy xe mỗi lần đi làm, đi học, đón con là tại không còn Sơn Tinh, Cao Biền và người Tràng An thế kỷ 21 không biết cách quy hoạch thoát nước cho Hà Nội. Nghĩ xa hơn ra cả nước, nhất là TP.HCM với nạn triều cường cũng từ đó mà ra.

Người ta nói theo lịch sử thì đời nhà Lý, đê sông Hồng ở khu vực Hà Nội mới được đắp để ngăn nước sông Hồng vào mùa lũ. Đó là hệ thống đê hoàn chỉnh đến ngày nay. Con đê cuối cùng (theo tôi nghĩ) là công trình Đại Thủy nông Bắc - Hưng - Hải của thời đại Hồ Chí Minh. Đã ngót 60 năm rồi, các thế hệ sau này hàng ngày đi xe điều hòa qua các miền quê (đang đô thị hóa) của Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương qua rất nhiều dòng sông và cây cầu hiện đại chắc không phải ai cũng hiểu đây là những con sông, kênh mương được nông dân, bộ đội và cán bộ công nhân ta đào đất bằng cuốc xẻng, chở đất bằng xe ba gác người kéo và gánh đất kĩu kịt trên vai từ những năm 50, thế kỷ 20.

Ngẫm về con đê thời nay

Ở đời người ta làm thơ, ca hát hoặc khóc vì nhớ những con đê nhưng phần lớn quên đi cái thuở “đắp đập be bờ”, vác từng hòn đất nặng, nghĩ cũng là chuyện thường tình. Khi đã có thẻ nhà báo, tôi vẫn phải đi đắp đê lần cuối trong đời. Lúc ấy Bác Tôn làm Chủ tịch nước, ông cụ ngoài 80 vẫn đội mũ cát, xắn quần đi hộ đê cùng dân.

Bây giờ đê điều là việc chuyên ngành của Bộ NNPTNT, nhưng nếu có bão lụt vẫn phải huy động tổng lực công nông binh lên đê, nhất là đê biển. Những con đê vẫn bảo vệ cuộc sống chúng ta, đồng thời vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất nhỡ ra nó mà... thì lại khổ như ngày xưa! Cuộc sống đi lên, con người quên đi nỗi nhọc nhằn thời chân đất, xe đạp và gồng gánh. Những nỗi lo về đê điều vẫn còn đó, đến mùa mưa bão chẳng ai có thể “kê cao gối ngủ” được.

Nghĩ, có lẽ, vào các thời điểm đó nên tập một thói quen văn hóa mới: Không hội hè, đình đám, tổ chức các chương trình giải trí ầm ĩ và tốn kém. Vui vẻ cười, hà hê gì khi còn nhiều người đang đánh vật với mưa gió. Cũng đề nghị các nhà báo không nên đưa hình, đưa tiếng lãnh đạo các cấp đội mũ mặc áo mưa quá nhiều khi đê điều cần có các hình ảnh hộ đê thực sự. Các bác cứ đứng dưới mưa gió để nêu cao trách nhiệm cũng là việc tốt. Nhưng hãy nhìn lại các hình ảnh cũ: Bác Hồ đi chiến dịch đang trực tiếp cùng bộ chỉ huy chỉ đạo tác chiến. Bác về thăm nông dân thì trực tiếp tát nước, đạp guồng, không có hình ảnh chỉ tay năm ngón...

Bây giờ, sông vẫn chảy giữa hai triền đê, cỏ gà xanh như ngày xưa. Vẫn còn những bến đò ngang (chạy máy) và bến đò ven đê vẫn có quán nước dưới gốc cây gạo để khách nghỉ chân chờ đò. Luật Đê điều đã nghiêm cấm không được xây dựng bất kỳ một công trình nào hai bên triền đê, ngoại trừ chiếc quán chờ đò, điếm canh đê và cây gạo. Đến mùa hoa đỏ, đàn sáo bay về ríu rít trên cây làm cảnh đê vắng đỡ buồn. Có lẽ nhà thơ Vi Thùy Linh viết câu “lã chã hoa gạo” - Hoa gạo rơi như khóc - là người duy nhất làm thơ hoa khóc, cũng có ý nhắc ta về thời lũ lụt, khi con đê có lúc thua cuộc, không bảo vệ được ruộng đồng, làng mạc và con người...

Tôi yêu các triền đê làng quê và ghét các triền đê tại các đô thị lớn. Ở đó 100% đều vi phạm Luật Đê điều về xây dựng, lấn chiếm đê. Các điếm canh đê và bến đò không còn nữa, đã có cầu, nhưng lại toàn là nhà cao tầng ngăn cản dòng chảy, hàng quán, nhà nghỉ. Sao người ta hay ra nghỉ ở ngoài đê thế nhỉ? Phải chăng đó là “ngoài vòng pháp luật” của đô thị ngày nay?

Nếu bạn quan tâm đến những con đê Việt Nam hãy đổ xăng đầy bình và đi một mình về những triền đê xa thành phố một vài chục cây. Sông vẫn chảy giữa hai triền đê, cỏ gà xanh như ngày xưa... 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem