Đưa hát then vào sách, lên mạng...

Thứ năm, ngày 13/06/2013 08:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có ý kiến cho rằng cần xuất bản sách giới thiệu về then và quay phim, chụp ảnh lời ca, các điệu múa... của then để phát trên sóng truyền hình và trên mạng Internet.
Bình luận 0

Ý kiến này được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Then Tày - Nùng - Thái xưa và nay” diễn ra hôm 11.6 do Học viện Âm nhạc tổ chức với sự tham gia của các Sở VHTTDL Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai... và các nhà nghiên cứu âm nhạc, các nhà văn hóa.

img
Nghệ nhân Hà Thuấn (Tuyên Quang) hướng dẫn các cháu nhỏ tập hát then, đàn tính.

“Đặc sản” tinh thần

Các đại biểu đã trình bày hơn 20 tham luận về vai trò, vị trí của then nghi lễ, hát then nghệ thuật trong đời sống văn hóa của người Tày - Nùng - Thái, sự quan tâm của thế hệ trẻ cũng như việc bảo tồn, phát huy giá trị của then trong cộng đồng người dân...

Theo bà Vi Thị Tỉnh - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, then là từ tín ngưỡng của người dân tộc Tày - Nùng - Thái về một thế giới thần bí, nơi đó có những nhân vật và sức mạnh kỳ diệu. "Lời then là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa, là những ngôn từ tượng hình, tượng thanh, lối so sánh ví von phong phú, mộc mạc giàu hình ảnh, gần gũi với cuộc sống đời thường” - bà Tỉnh cho biết.

Theo GS - TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, then là sự hỗ dung giữa tín ngưỡng dân gian bản địa và những giao lưu, ảnh hưởng của tam giáo. Then sản sinh và tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật, trở thành một thể thức sân khấu tâm linh, thỏa mãn các nhu cầu tâm linh và thưởng thức văn hóa nghệ thuật của quần chúng nhân dân. Vì thế cần phải có chiến dịch tuyên truyền quảng bá sâu rộng để nhiều người dân trong nước và quốc tế biết đến “di sản tinh thần” này.

Cần tôn vinh nghệ nhân

Đại diện Sở VHTTDL Hà Giang đề xuất phải dạy hát then trong các trường học để các em nhỏ lĩnh hội và yêu thích âm nhạc dân gian của chính dân tộc mình.

Đại diện Sở VHTTDL Hà Giang cho rằng, tại Hà Giang, hát then đang bị mai một khi hầu hết các bản làngngười Tày còn rất ít nghệ nhân cao tuổi đánh được đàn tính, thuộc nhiều bài hát then cổ, còn thế hệ trẻ chỉ biết qua loa hoặc không mấy quan tâm. Và bởi vậy, điều cần nhất là Nhà nước phải có chính sách, chế độ tôn vinh nghệ nhân, người có công, tâm huyết lưu giữ, truyền dạy nghệ thuật hát then cổ, đồng thời hình thành các CLB then, dạy cho thế hệ trẻ...

Còn ông Phùng Quang Mười (Sở VHTTDL Lào Cai) cho rằng: Cần nghiên cứu, sưu tầm chuyên sâu để từ đó xuất bản thành sách giới thiệu về then nói chung và hát then nói riêng trong cộng đồng người Tày - Nùng - Thái. Ngoài ra, chúng ta nên quay phim các nghi lễ và sinh hoạt của then, in đĩa phát cho dân để bà con tự học tập, trao truyền; tăng cường giới thiệu trên truyền hình, truyền thanh, mạng Internet nhằm khích lệ người dân giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị then ngày một tốt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem