GS. Sử học Lê Văn Lan: "Công tử Hà thành" tận tụy

Thứ sáu, ngày 18/10/2013 06:11 AM (GMT+7)
Gần 80 tuổi, sống một mình trong căn phòng 6m2, ăn cơm bụi, nhưng GS. Sử học Lê Văn Lan vẫn cần mẫn, tận tụy với nghiệp nghiên cứu dù đã có hơn 50 năm cống hiến cho lịch sử nước nhà.
Bình luận 0
Ông tâm sự, vì là người Hà Nội, nên làm việc là cách để “trả nợ” cho mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng ông.

Sống chết “trả nợ” cho Hà Nội

GS. Sử học Lê Văn Lan
GS. Sử học Lê Văn Lan
Là người Hà Nội được tặng danh hiệu Công dân Ưu tú Thủ đô 2013 vì đã có những cống hiến được cộng đồng ghi nhận, ông chia sẻ gì về vinh dự này
?

GS. Lê Văn Lan: Tôi sinh ra ở Hà Nội, có được vinh dự này nghĩa là vinh dự của tôi tăng lên gấp đôi. Nói chẳng khách sáo chút nào, tôi xem đây là “món nợ” của mình với mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng tôi nên tôi sẽ phải là người sống chết với Hà Nội, chứ không còn là tận tụy nữa, vì sự tận tụy của tôi chẳng đáng gì so với những người đã sống chết với Thủ đô.

Vậy, thời gian gần đây ông đã “trả nợ” cho Hà Nội những gì?

GS. Lê Văn Lan: Ngoài việc phải “trả nợ” tổ tông, tôi đi “trả nợ” bằng việc thuyết trình cho các nơi, các giới, thiết chế, địa phương. Nếu nói tận tụy, xả thân cũng đúng mà sống chết cũng đúng. Mới đây là tôi thực hiện bài nghiên cứu về khả năng diễn thuyết của GS. Văn Tân, hoàn thành cuốn sách 300 trang về Ngô Thì Nhậm cho NXB Sự thật. Cộng tác với các đài truyền hình VTV, VTC, ANTV… thực hiện các bộ phim danh nhân đất Việt, rồi viết bài cho các báo, làm giáo sư thỉnh giảng cho 4 trường đại học. Nợ nhiều người quá cho nên có người đến “ăn vạ” tại nhà, hay “dọa đốt nhà” nếu tôi không “trả nợ” đúng hẹn.

Là thành viên Hội đồng Tư vấn khoa học bảo tồn Hoàng thành Thăng Long, điều gì ông cho là thách thức lớn nhất trong bảo tồn di sản đúng cam kết với UNESCO?

GS. Lê Văn Lan: Tôi phụ trách phần khảo cổ, công việc cụ thể là tham gia giải thích hiện vật như: Tro bụi ra làm sao, cọc này của thời Đại La hay thời Trần đóng xuống? Về mặt khoa học, vì di sản liên quan đến sử học, văn hóa rất sâu cho nên khó khăn của công việc là phải nắm rõ nguyên tắc nên quy hoạch đến mức độ nào, khai quật làm sao cho đúng tiến độ, đúng cách, nếu không trực tiếp ảnh hưởng đến sự thành bại của công tác bảo tồn, đến sự mất còn của di tích. Về mặt xã hội, di sản vướng vào giải phóng mặt bằng nên chúng tôi phải "đấu tranh" quyết liệt, nhưng khéo léo để bảo vệ nguyên trạng cho di sản.

Người “đọa đày” lạc quan

Ông được gắn biệt danh là “người nguyên thủy sống thời hiện đại” khi ở một mình trong căn phòng chỉ 6m2, chất đầy sách, có độc 1 chiếc ghế dành cho khách, ăn cơm bụi, làm việc không máy tính… Vậy điều gì khiến ông hài lòng với cuộc sống hiện tại?

GS. Lê Văn Lan: Căn phòng này gắn với tôi từ năm 1957, dù chật chội và cũ kỹ nhưng đây là chốn thân quen, đầy ắp kỷ niệm. Trước đây Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đến thăm và đề nghị tạo điều kiện một chỗ ở khác để tôi làm việc thuận lợi hơn, nhưng tôi đã từ chối. Vấn đề ăn uống thì mấy năm nay tôi có quán quen cạnh chợ Hàng Da.

Đến giờ là tôi xuống mua cơm, dù quán có đông khách, bà chủ quán vẫn lấy phần cho tôi trước, tôi không cần phải thưa hỏi gì. Còn việc sử dụng máy tính là do thời gian không có nhiều để học, mặt khác tôi không nghĩ được bằng máy, chỉ nghĩ được khi viết bằng bút. Vì thế, nếu NXB nào đặt hàng đều phải cử một biên tập viên thạo nhận mặt chữ của tôi để đánh máy. Hằng ngày tôi làm việc từ 4-6 giờ sáng, còn lại là đi giảng dạy, nói chuyện, bù khú bạn bè. Con cái cũng ít khi gặp được bố.

Có lẽ, nơi sống, điều kiện làm việc và sinh hoạt hiện nay tôi hài lòng, là vì nếu không có cuộc sống như thế này thì tôi không làm việc được, bởi tôi vẫn là "công tử Hà thành mải chơi".

Nhưng với công việc bận rộn, sống như vậy ông có đảm bảo sức khỏe?

GS. Lê Văn Lan: Nhiều người hỏi tôi có tập thể dục không mà khang kiện thế, tôi đều trả lời: “Thời giờ thở không có thì lấy đâu ra thể dục”. Bí quyết của tôi là tuổi càng cao thì phải chơi với người càng trẻ. Như năm 1996 tôi “chơi” với sinh viên, đó là tham gia cố vấn chương trình SV 96. Năm 76 tuổi tôi lại “chơi” với học sinh cấp 3, 2, 1 trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Kính Vạn hoa, Thần đồng Đất Việt, sắp 80 tuổi tôi sẽ “chơi” với các cháu mẫu giáo, trong chương trình nào đó.

Bản chất của người trí thức hiểu biết là hay lo lắng, còn ông thì sao?

GS. Lê Văn Lan: Quả thực, tôi là người hay lo lắng cho nhiều vấn đề đang diễn ra ở Hà Nội. Tuy vậy, tôi cũng luôn lạc quan. Trong cuộc sống 80 năm của mình, phải chịu đựng nhiều gian khó, thậm chí đọa đày, nhưng tôi vẫn có phẩm chất mà Gorky đã nói: “Kẻ đó, đọa đày đến độ như thế rồi sao hắn vẫn cứ tươi tỉnh, vui vẻ, lạc quan như thế? Ấy chính là vì trong đáy trái tim của nó có trái tim thằng bé con ngồi ở đó”. Nên bên cạnh người biết chữ lo lắng, tôi vẫn có lạc quan của người đọa đày, để làm việc, cống hiến cho đời.

Trân trọng cảm ơn ông!
Chinhphu.vn (Theo Chinhphu.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem