Khó lý giải những “phép bùa kỳ bí” ở Thất Sơn

Nguyễn Hữu Hiệp Thứ năm, ngày 10/04/2014 19:16 PM (GMT+7)
Cũng như ở nhiều nơi, ngày trước chuyện bùa phép ở Thất Sơn (An Giang) cũng có nhiều, nội dung rất khó tin, nhưng có vài chi tiết lạ khá lý thú, biết đâu các nhà khoa học sẽ quan tâm?!
Bình luận 0

 

 

Đây không dám đề cập chuyện liên quan các nhà tu hành (tuy nghe đâu các vị cũng có sử dụng nhưng không nhằm mục đích trục lợi), mà chỉ xin thuật lại vài chuyện trong dân gian.

Kể lại chuyện bùa phép, anh Tư ở Tịnh Biên “cam đoan có thật”, vì biết rõ.

· Người có “biệt phép” độn thuỷ: Nếu người Việt mình có bùa Lỗ Ban thì phải hiểu rằng người Miên cũng có bùa Miên. Rất nguy hiểm. Hiện rất hiếm người biết. Họ có mấy triệu dân nhưng có thể còn vài người biết thôi. Những người này không bao giờ ra mặt, không vỗ ngực xưng hô.

Có một người Việt học được nghề này của người Miên mà tôi nghe biết là ông Hai Hoành ở Ba Chúc, Tri Tôn. Ông này là nghĩa quân chống Pháp. Tụi Tây theo dõi rồi bất thần ập vào bắt. Người nhà kêu khóc um lên. Ông nói với họ, như đùa: “Đừng có khóc lóc um sùm quá! Vô nấu nước pha sẵn bình trà, chút tao về”. Người nhà riu ríu nghe lời. Còn bọn lính thì không thể không thầm khen nhà có giáo dục, nghe “ông già” biểu đừng khóc, ai nấy liền êm ru!

Mùa nước, bọn chúng chở “phạm nhân” về bót bằng xuồng. Dọc đường, ổng nói “Tao đái nghen”. Nói vừa dứt tiếng thì ổng chúi xuống nước cái đùng. Mất tiêu! Chúng kiếm tở mở không gặp. Ngay lúc đó thì ổng có mặt ở nhà, đang ngồi uống trà!

Đảo biệt mấy tháng, hôm ấy ông về thăm nhà. Lính ập vô. Một lần nữa, ông bị bắt. Lần này mùa khô nên chúng dẫn bộ. Tới bót, ổng xin một chén nước uống. Khi chúng bưng chén nước ra vừa để xuống trước mắt cũng là lúc ổng mất tiêu!

Thực hiện phép “độn thuỷ” mà chỉ cần thấy một ít nước thôi, quả là chuyện hết sức khó tin!

'Thư' cũng được cho là một dạng 'Bùa' (Ảnh chỉ có tính minh hoạ)
"Thư" cũng được cho là một dạng "Bùa" (Ảnh chỉ có tính minh hoạ)

 

· “Bùa nói người ta nghe lời”: Anh Tư kể tiếp, tôi có một cậu em, cũng là lính của tôi, nó tên Văn, hiện ở xã Tú Tề, Chi Lăng. Anh chàng này có cả một đống sách bùa Miên. Nó có đưa tôi coi, rõ là “đồ gia bảo”! Sách viết tay, trên chữ nho, dưới chữ quốc ngữ. Nó đề nghị tôi học. Tôi đã có nghe biết cái việc học bùa rồi, nên chấp tay xá nó ba xá: “Hổng dám đâu!” “Tao hổng dám chơi thứ đó đâu!”. Nghe tôi nói vậy, chẳng những nó không ép xúi thêm tiếng nào mà còn tâm sự:

– Nói thiệt với anh Tư, sách vở một đống như vậy, nhưng tui chỉ học có một chữ thôi (chữ bùa), chữ “nói người ta nghe lời”, tới bây giờ mỗi khi nhớ lại tui còn ớn! Số là sách này của ông già tui. Ổng là thầy bùa thuộc hạng giỏi siêu. Tui theo ông cậu làm nghề thuốc. Ổng năn nỉ truyền nghề, tui nhất định không học. Ổng nói tao nối nghiệp ba mầy, nay già rồi, biết ngày nào chết. Mầy không học thì cái nghề này mất... Thấy ổng theo năn nỉ hoài tui mới lấy làm lạ hỏi:

– Tại sao ông quyết dạy tui, trong khi rất nhiều người ngỏ ý muốn học mà ông không dạy?

– Tao thấy rồi, chỉ có mầy là kế thừa được nghề này chớ không ai khác. Không phải mầy cháu tao mà tao dạy. Tại tao biết tánh nết của mầy đàng hoàng, không ác.

– Sao ông biết, trong khi tôi vẫn ăn thịt trâu, chó, bò? Thôi được, ông nói quá, tui học, mà học một chữ một thôi nghe. Ông dạy tui chữ bùa “nói người ta nghe lời” đi!

Vậy là ổng dạy. Có một chữ mà tui phải học tới 49 ngày. Anh Tư có tưởng tượng nỗi không, trong 49 ngày tôi phải ngồi tâm niệm suốt. Còn ổng thì ngồi sau lưng chuyên lo hộ trợ, giúp đỡ. Nhờ dốc hết tâm trí vào việc “thiền định”, nên cuối cùng tôi đạt được chữ bùa đó. Ổng khuyên tôi học món khác, tui tuyên bố dứt khoát là nửa chữ cũng không. Nhất định không là không.

Quá sợ rồi! Anh Tư biết hông, trong khi học tui muốn chết lận. Vì trước khi vô bùa tui phải kinh qua một giai đoạn toàn những biện pháp thử thách rất ghê hồn, như khi đang “ngồi thiền” – tạm gọi như vậy – thì bỗng có một con cọp to tướng nhào đến vồ. Đúng lúc ấy ổng cứu liền (thầy bùa mà), vì ổng có trách nhiệm phải hộ trợ tâm thần của người học cho vững, không hốt hoảng.

Hoặc thấy có kẻ nhào tới đâm mẹ mình, nếu “hoảng vía” thì kể như “thua”, không đạt. Phải học lại 49 ngày khác (mỗi đơn vị là 49 ngày). Nhiều cách và nhiều kiểu hớp hồn ghê rợn như vậy đó! Thành thử mình phải kiên nhẫn, định trí, định thần để vượt qua. Vì vậy sau khi đã học xong được “một chữ” ấy tui hoảng luôn.

Anh Tư kể tiếp: Sau đó một thời gian nó bị lính nguỵ xã Nhơn Hưng bắt quân dịch, đưa đi quân trường. Nó tìm cách trốn, bèn lấy chữ bùa ra dùng. Khi đã niệm thần chú xong, nó nói với tên chỉ huy: “Ông cho phép tôi về, vì hiện bà già tôi đang đau nặng lắm”. Ngộ cái là nó nói ngang ngang vậy mà không dè thằng sĩ quan lấy giấy ghi phép ký cái rẹt, đưa cho nó cầm về.

Trên đường về nhà nó mừng quá nên “lở miệng” nói một câu như lời thề ngặt: “Trong đời, không cần sử dụng chữ bùa này lần thứ hai”!

Sau đó mấy năm, một lần nữa nó lại vô quân trường. Gần 3 tháng nó “bị chê”, được về nhà. Hay tin, tôi tới thăm, hỏi riêng nó:

– Mầy sử dụng bùa?

– Không, tui đã thề là không sử dụng chữ bùa ấy lần thứ hai mà!

– Sao về được?

– Món khác. Thuốc Nam. Vừa vô tới quân trường, tui tranh thủ bắt một con cuốn chiếu núi, cắt làm hai, lấy một khúc, đầu đuôi gì cũng được, đốt uống. Còn một khúc cất giữ thật cẩn thận, mất là tàn mạng. Uống xong 3 ngày nổi đơn liền. Thấy tui sắp bị cùi, bác sĩ ở quân trường cho cách ly ngay. Sau gần 3 tháng theo dõi điều trị, thấy bịnh cứ ngày càng kịch phát, mấy ổng ký giấy tờ làm thủ tục cho về. Lý do: “được nghỉ bệnh”. Về tới nhà tui đốt uống nửa con còn lại. Chỉ vài bữa thì hết bịnh luôn.

Anh Tư nói thêm: Nó nói vậy ch hổng biết phải vậy hay không, vì thằng này “bùa mê thuốc lú cứng mình”, bắt chước nó có khi cùi luôn thì toi mạng!

XEM THÊM


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem