Kỳ bí người Vân Kiều làm ruộng lúa thiêng

Hà Đặng Thứ tư, ngày 17/02/2016 19:37 PM (GMT+7)
Không biết có tự bao giờ, ai đã khởi xướng cách thức làm ruộng lúa thiêng (ruộng phong tục, ruộng truyền thống), nhưng con cháu người Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) khi lớn lên đều được dạy bảo kỹ càng về phong tục kỳ bí này của dân tộc mình.
Bình luận 0

Hạt ngọc của người Vân Kiều

Dù các gia đình có bao nhiêu ruộng nương đi nữa thì mỗi hộ vẫn phải tìm trên núi cao (của dãy Trường Sơn) để chọn cho được một thửa ruộng vuông vức, đắc địa, quay mặt về bản làng mình đang sống để làm ruộng thiêng. Tuy nhiên, theo già làng Pả Lăng (73 tuổi, ở thôn Pa Roi, xã A Dơi, Hướng Hoá) “ruộng lúa phong tục bề ngoài y hệt như ruộng lúa bình thường".

img

Bà con Vân Kiều xã Mò Ó đi cấy lúa. (I.T)

Sau khi chọn đất xong, chủ gia đình (phải là đàn ông, trai tráng khỏe mạnh) dùng tay cuốc xới cẩn thận; không được dùng trâu bò cày bừa trong quá trình làm đất, vì như thế sẽ bất kính với Giàng. "Người Vân Kiều tin rằng, lúa giống khi gieo xuống được Giàng chăm nom (là hạt ngọc của Giàng) mà không cần sử dụng phân bón hay bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào, và cây lúa cứ thế lớn lên từ tinh hoa của thổ nhưỡng, bằng sự tinh khiết của khí trời"- già làng Pả Lăng giải thích.

Đến mùa gặt, lúa ruộng thiêng phải được thu hoạch trước dù lúa các thửa ruộng khác đã chín và không được sử dụng liềm hay bất cứ nông cụ nào để thu hoạch, mà phải thu hoạch bằng tay với thái độ tôn kính. Mỗi người thu hoạch được phân ở một khu vực nhất định, nếu hai người cùng làm thì phải tuân thủ nguyên tắc luôn bước đối diện quay mặt vào nhau. Những phụ nữ mới sinh, người đau ốm bệnh tật không được tham gia thu hoạch lúa ruộng thiêng. Sau khi thu hoạch xong, lúa thiêng phải được phơi cẩn thận ở một nơi riêng, sau đó đem đóng kín vào bao bì rồi gác lên nơi kín đáo, thoáng mát nhất của nhà sàn.

Khi sử dụng phải xin Giàng

Lúa thiêng khi cần sử dụng phải tiến hành nghi lễ xin phép Giàng, với lễ vật là con gà, chén nước trong. Sau khi khấn vái xong, chủ nhà lấy lúa xuống, dùng hai tay bốc từng vốc bỏ vào cối đá (truyền từ đời này qua đời khác) và giã thủ công, không được dùng máy để xay xát lúa thiêng. Gạo thiêng quý giá vậy không để ăn hằng ngày mà chỉ dùng vào các ngày giỗ chạp, đón năm mới hay khi gặp nạn đói thì mới được phép lấy gạo thiêng, lúa thiêng ra cứu tế, nhưng trước hoặc sau đó phải làm lễ tạ với Giàng.

Nếu gia đình nào để trâu bò nhà mình phá hoại ruộng thiêng của người khác sẽ bị phạt vạ, mang lợn, gà, rượu cần đến tạ lỗi với Giàng, chủ nhân thửa ruộng và hội đồng.

Để sản phẩm tinh túy này được lưu giữ cho đời sau, tổ tiên người Vân Kiều đã đề ra những nguyên tắc bất dịch và phạt nặng với những ai vô tình hay cố ý vi phạm những điều cấm kỵ này, với một hội đồng đứng ra xử phạt gồm trưởng bản, già làng và một vị thầy cúng uy tín do dân tiến cử. Nếu gia đình nào để trâu bò nhà mình phá hoại ruộng thiêng của người khác sẽ bị phạt vạ, mang lợn, gà, rượu cần đến tạ lỗi với Giàng, chủ nhân thửa ruộng và hội đồng. Kẻ nào tự ý hái trộm lúa mà người khác bắt được thì mổ trâu, bò đền cho cả làng.

Dù có những yếu tố kỳ bí, nhưng ngày nay, việc duy trì những thửa ruộng thiêng của người Vân Kiều ở Hướng Hóa, đã góp phần bảo vệ sản xuất, gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau một nét văn hóa đẹp, độc đáo của người dân tộc Vân Kiều nơi đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem