Ký ức Làng “một đêm“

Phan Phương Thứ năm, ngày 01/05/2014 08:30 AM (GMT+7)
Trên con đường Trường Sơn, có lẽ không có làng nào như làng Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Làng không chỉ là nơi đặt binh trạm của bộ đội Trường Sơn, là điểm dừng chân cuối cùng của những đoàn quân trước khi vào chiến trường.
Bình luận 0
Ở đó còn có những câu chuyện tình yêu, dù chỉ sau một đêm “kỳ ngộ” mà hay hơn cả tiểu thuyết…

Binh trạm giữa lòng dân

Cự Nẫm một thời của bom đạn, hàng vạn hố bom nay đã được lấp đầy bởi những dãy nhà khang trang và những cánh đồng bạt ngàn hoa màu, cây trái. Nhưng những ký ức trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó thì vẫn còn vẹn nguyên trong lòng người làng Cự Nẫm.

Suốt cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, làng Cự Nẫm trở thành cửa ngõ vào Nam ra Bắc, là trạm giao liên - điểm dừng chân cuối cùng của bộ đội trước khi vào chiến trường trong cuộc trường chinh đánh Mỹ.

Đường Trường Sơn hôm nay qua Cử Nẫm.
Đường Trường Sơn hôm nay qua Cử Nẫm.
Lúc đó, ngôi làng này được gọi là “làng một đêm”, bởi từ năm 1969 - 1973 các sư đoàn bộ đội trên đường hành quân đều dừng lại đây một đêm trước khi vào trận, và các thương bệnh binh trên đường ra Bắc cũng dừng lại đây một đêm để nghỉ ngơi và lấy nhu yếu phẩm.

“Ngày đó, hết đợt này, đến đợt khác, bộ đội nườm nượp vào làng, rồi lại đi, lại vào liên tục. Người dân Cự Nẫm ngày lao động, đêm đến lại vác lương thực, quân trang, vũ khí phục vụ bộ đội. Cả làng đều nhường nhà cho bộ đội ở.

Tui nhớ ngày mô cũng có 1 - 2 đoàn bộ đội đến, cả làng giúp bộ đội đến 1 - 2 giờ sáng mới đi ngủ. Tổng cộng, có 6 sư đoàn đã qua đây, đã ngủ lại đây trong sự đùm bọc của người dân Cự Nẫm” – ông Mai Văn Giá (74 tuổi, một cựu binh ở làng Cự Nẫm) tự hào khi hồi tưởng.

Hai vợ chồng ông Chửng, bà Ánh với mối tình “một đêm” bất tử.
Hai vợ chồng ông Chửng, bà Ánh với mối tình “một đêm” bất tử.
Không chỉ ông Giá, hầu hết những người có tuổi trong làng đều có thể kể vanh vách những câu chuyện về trạm giao liên trong lòng dân và những kỷ niệm sâu sắc với bộ đội. Đó là mẹ Lê Thị Ngạn ngày ngày chặt hàng chục gánh bổi để ngụy trạng pháo và che nắng cho Tiểu đoàn pháo binh 19. Đó là mẹ Phan Thị Luyến ngồi một ngày liền để giặt áo quần cho cả một trung đội. Đó là mẹ Nguyễn Thị Xê, một tay nấu nướng chăm sóc cho cả Đại đội 3, rồi khi một chiến sĩ trong đại đội bị thương, mẹ đã chăm bẵm từng thìa cháo một…

Những câu chuyện tình “một đêm” bất tử

Trong những cuộc gặp gỡ như thế, không ít mối tình đã chớm nở giữa bộ đội và chị em dân quân Cự Nẫm. Dù chỉ mới gặp nhau chỉ vài giờ đồng hồ nhưng đã trở thành những mối tình bất tử.

Thời gian cứ trôi mãi. Người làng Cự Nẫm giờ cũng không còn nhớ đã đào bao nhiêu hầm hào cho bộ đội, đã nuôi, chăm sóc bao nhiêu thương binh, đã vác bao nhiêu thùng đạn. Chỉ biết rằng, làng đã thức hơn 3 nghìn đêm để đón, đưa hàng trăm nghìn lượt bộ đội, thanh niên xung phong và vận chuyển, cất giữ hàng triệu tấn hàng hóa cho chiến trường.

Năm 1967, trên đường vào chiến trường Quảng Trị, anh bộ đội Đỗ Đình Chửng (quê Thanh Hoá) đã cảm kích và đem lòng thương cô dân quân Phan Thị Ánh khi dừng chân ở Cự Nẫm. Họ lấy chỉ hồng thêu vội tên 2 người lên chiếc khăn tay, hẹn ngày hòa bình.

“Chúng tôi hẹn nhau rứa, nhưng chiến tranh ai nói trước được điều gì. Thế mà không ngờ 2 năm sau, ông ấy đã trở lại Cự Nẫm tìm tôi thật” - bà Ánh bùi ngùi nhớ lại.

Lúc đó, anh bộ đội Chửng bị thương nặng do bị bom ép được cho về quê an dưỡng, nhưng ông quay lại Cự Nẫm và bà Ánh vẫn chờ đợi. Đến nay hai vợ chồng đã có 5 đứa con, 12 đứa cháu.

Ngay sát nhà vợ chồng ông Chửng, bà Ánh cũng có cặp nên duyên từ mối tình “một đêm” là ông Cao Xuân Tơn và bà Nguyễn Thị Luyến. Ông Tơn quê ở Thái Bình. Năm 1971, trên đường vào chiến trường miền Nam, ông Tơn nghỉ ở nhà bà Luyến. Chỉ qua ánh mắt, qua lời nói dịu hiền của cô chủ nhà khi rót nước chè xanh mời khách mà trái tim của người lính trẻ đã rung động…Thế rồi chiến tranh kết thúc, ông Tơn trên đường trở về quê đã trở lại Cự Nẫm để tìm cô gái chủ nhà có mái tóc dài đen óng ả và ở lại cho tới giờ.

“Trong làng này nhiều đôi như chúng tôi lắm, chồng quê Thái Bình có, Nghệ An có, Thanh Hoá có. Chúng tôi là những người may mắn, bởi cũng có nhiều đôi khác hẹn thề nhau nhưng người đi đã không bao giờ về nữa…”- đôi mắt đang ánh lên rạo rực, giọng bà Luyến chợt buồn đến nao lòng.

Theo lời bà Luyến, cũng có không ít người con gái Cự Nẫm sau khi hòa bình lập lại đã theo chồng là bộ đội lên Tây Nguyên, ra tận Thanh Hoá, Vĩnh Phúc… để hiện thực hóa lời hẹn xưa. Nhiều người khác đã không lấy chồng để sống trọn với những mối tình tưởng thoáng qua mà đã quá sâu đậm... Những câu chuyện về cái thời hào hùng và lãng mạn ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí những người còn sống, dù rằng những câu chuyện này chẳng bao giờ ghi trong sử sách.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem