Ký ức Tết Việt ở Ukraine trước và sau Xô Viết

Thiên Việt Thứ tư, ngày 18/02/2015 10:00 AM (GMT+7)
Đêm giao thừa, tất cả sinh viên Việt Nam trong ký túc xá chúng tôi thường làm chung một mâm cơm Tết và quây quần bên nhau, cùng xem phim, hát trong nỗi nhớ quê nhà. Có những năm ngoài các món  chính của người dân Nga, anh em còn "kiếm được" món đặc sản tiết canh lòng lợn.
Bình luận 0
Chuyến tàu đưa tôi đến Kiev vào một ngày mùa Thu nắng vàng rực rỡ. Sau một đêm đi qua những cánh đồng hoa hướng dương mênh mông tới tận chân trời, tôi bỗng thấy mình bất ngờ "lọt thỏm" vào trong một thành phố xinh đẹp và cổ kính. Nam thanh nữ tú khoác tay nhau đi dạo. Hoa tuy líp đỏ rực rỡ nở khắp nơi nơi. Trên đại lô trung tâm Kresatric, phan tan lấp lánh phun nước, tàu điện chạy leng keng. Trước cổng trường đại học tổng hợp quốc gia Kiev tượng Tarac Septrenko, nhà triết học lỗi lạc, người anh hùng dân tộc Ukraine đứng trầm mặc. Dường như chúng ta đang bước vào một câu chuyện ngắn quen thuộc nào đó của Pautopxki. Ánh dương vàng phản chiếu từ những cửa kính lấp lánh xuống mặt đường trơn nhẵn. Những con phố nhỏ rắc đầy lá mùa Thu có độ tuổi hàng trăm năm.

Kiêu hãnh từng là một cố đô cổ của nước Nga, thành phố không thua kém một Maxcova vồn vã, một Xanh pe tecpua tráng lệ, một Pari hào hoa… Với 14 cây cầu bắc qua sông Denhep, Kiev mang một vẻ đẹp rất riêng của nó.

Và cuối cùng cái Tết đầu tiên ở nước ngoài của sinh viên chúng tôi đã tới. Năm ấy, giữa những ngày đông u ám, bầu trời bỗng trở nên xanh hơn, nắng chiếu xuyên qua băng tuyết làm mọi vật bỗng lóng lánh. Trong khí trời dường như có mùi thơm của cỏ hoa. Các giờ học cũng trở nên nhanh hơn và tiếng bước chân chạy ngoài hành lang gấp gấp. Năm mới đang trở về trên thành phố và trên gương mặt người. Ở quảng trường trung tâm, một cây thông lớn xanh biếc được dựng lên, trên nền tuyết trắng bạc nổi rõ những quả châu xanh đỏ. Màu xanh biếc ấm áp của cây thông dường như đẩy lui được băng giá của mùa đông lạnh cóng.
img
(Nguồn ảnh: Thiên Việt)
Đem giao thừa, tất cả sinh viên Việt Nam trong ký túc xá thường làm chung một mâm cơm Tết và quây quần bên nhau, xem phim , ca nhạc trong nỗi nhớ quê nhà. Có những năm ngoài các món  chính của người dân Nga, anh em còn kiếm được đặc sản tiết canh lòng lợn. Phải có những mối liên hệ riêng ở  cơ sở giết mổ lợn ở đây mới có được. Vì lòng lợn là những thứ người dân Nga hầu như không ăn. Có một năm đúng lúc anh em tề tịu bên mâm cỗ thơm ngát ngọt ngào. Đĩa lòng lợn bốc khói (món ăn ngon nhất của đêm), trên màn hình là nữ ca sĩ trứ danh Sophia Rotaru đang biểu diễn bài “Con cò trên nóc nhà” thì bỗng nhiên cánh cửa xịch mở. Tất cả đều ngạc nhiên ông khách không mời nào mà đến vào lúc này? Một người đàn ông Nga cao to lừng lững, gương mặt nghiêm nghị, mặc bộ comple cavat trang trọng đi vào. Thì ra đó là thầy trưởng khoa phụ trách người nước ngoài. Giáo sư Ivan Ivannovich. Ông đến chúc mừng năm mới các sinh viên Việt Nam xa nhà ăn tết trên đất nước Ukraina. Sâm panh được bóc ra,  và lần lượt chúng tôi ôm hôn người thầy giáo yêu quý của mình. Ông vốn là cựu quân nhân chuyển ngành với quân hàm đại tá. Rất nghiêm khắc nhưng luôn niềm nở với người Việt Nam. Người lính già của đại chiến lần thứ 2 có tình cảm với dân tộc Việt.

Giao thừa đã điểm. Giây phút quan trọng nhất đã đến, tất cả chúng tôi hướng lên màn vô tuyến truyền hình. 12h đúng. Cả màn hình bỗng hiện lên chiếc đồng hồ điện Kremlanh. Trước kia tôi chỉ nhìn thấy chiếc đồng hồ rất xa, có thể ở trên phim hoặc ở ngoài đời. Nhưng bây giờ thì nó hiện lên trước mắt với hai chiếc kim vàng to tướng chùng lên nhau và chỉ vào con số 12. Tiếng chuông đồng hồ điện Kremlanh vang lên rõ từng tiếng. Hết hồi chuông màn hình chuyển sang màu đỏ của lá cờ búa liềm và bản quốc ca trầm hùng của đất nước Liên Xô vang lên. Đồng chí Tổng bí thư của Liên Xô đọc lời chúc mừng năm mới. Nhiều năm sau tôi vẫn nhớ tiếng chuông của đồng hồ, màu đỏ rực của lá cờ kéo theo niềm tin của bao nhiêu người…
img
(Nguồn ảnh: Thiên Việt)

Tết năm 1992. Liên Xô không còn. Nền kinh tế Ukraine ảm đạm. Đời sống khó khăn và hàng hóa thì thiếu thốn. Đồng rúp lạm phát phi mã,. Ở Ukraine người ta bắt đầu dùng tiền Kupon thay cho rúp. Ngày mai là một ẩn số, nền kinh tế không rõ sẽ đi theo hướng nào. Hàng ngày những  đám biểu tình ngồi tuyệt thực tại quảng trường Độc Lập. Đêm đêm an ninh hết sức bất ổn. Có một khuyến cáo là tránh ra ngoài vào ban đêm. Ở trong trường những sinh viên Ukraine cực đoan thì có thái độ phân biệt người Nga và người Ukraine. Giao thừa của năm 1992 đã đến trong một tình trạng như vậy. Như thông lệ, những người Việt xa nhà vẫn tụ tập quanh bàn ăn và ngồi trước truyền hình. Thời khắc sang năm mới đã điểm. Thay bằng chiếc đồng hồ điện Kremlanh và lá cờ đỏ phần phật thì giờ đây là một lá cờ nửa xanh nửa vàng – lá cờ của quốc gia Ukraine đã tách riêng. Trên màn hình là tân tổng thống độc lập phát biểu năm mới… Rời khỏi phòng, tôi một mình đi lang thang dọc hành lang. Tất cả im lặng và vắng vẻ khác hẳn thời xưa ầm ầm rộn rã. Tôi hiều là đất nước Ukraine đang gặp khó khăn. Bỗng một cô gái tóc vàng tóc vàng xuất hiện, đó là Lena bạn học cùng lớp. Lê na đon đả:

- Việt, cậu vào phòng chúng tớ đón năm mới cho vui.

Tôi đi theo cô vào. Đoán chắc sẽ là sâm panh và bánh gato Kiev vốn nổi tiếng. Nhưng không. Chỉ có mấy chai nước ngọt, ít hoa quả và một rổ khoai tây luộc. Quanh bàn túm tụm 5-6 chàng trai cô gái học cùng lớp. Họ mời tôi ngồi vào bàn và nói: “Năm nay bọn mình ăn tết tiết kiệm, bạn thông cảm ngồi ăn cùng cho vui… Khoai tây này của bạn gái Galia về quê mang ra, ăn thử xem ngon lắm”.

Nhiều năm đã trôi qua từ cái tết 1992 đó, sau này tôi được biết là nền kinh tế Ukraine đã đỡ khó khăn hơn. Nhưng rồi gần đây lại có tiếng súng nổ và đại bác ở Đonhec và nhiều thành phố khác… Tôi vẫn mơ thấy mình quay trở lại ký túc xá xưa, đi bộ dọc hành lang và gõ cửa từng căn phòng quen thuộc. Các bạn và thầy cô ở đâu rồi? Phan tan vẫn tuôn trào trắng của đại lộ Kresatric.                          
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem