Lần hiến kế lớn đầu tiên của Đào Duy Từ

Chủ nhật, ngày 02/03/2014 19:36 PM (GMT+7)
Tháng Ba năm Canh Ngọ (1630), Đào Duy Từ đã lập công lớn bằng cách hiến kế cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Sự kiện này đã được sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 2) chép như sau:
Bình luận 0
"Trước đó, Đào Duy Từ thường khuyên Chúa đừng nạp thuế cho họ Trịnh. Chúa nói:

- Tiên vương (chỉ Nguyễn Hoàng - ND) tài trí hơn người mà cũng còn phải chịu đi lại thông hiếu. Ta nay nhỏ kém không thể sánh với Tiên vương, đất đai và binh sĩ khí giới lại không bằng một phần mười của Đông Đô (đây chỉ chúa Trịnh - ND), nếu không nạp thuế thì lấy gì để giữ đất và nối nghiệp?

Duy Từ thưa rằng:

- Thần nghe, trí tuệ chẳng bằng nắm được thời thế. Tiên vương sẵn uy vũ anh hùng, mưu kế sáng suốt, chẳng phải là không thể riêng giữ đất đai, nhưng thời ấy, thuộc tướng ở Tam ti (tức Thừa ti, Đô ti và Hiến ti) đều do họ Trịnh cắt đặt, ví như thời vua Lê Thế Tông có Mai Cầu làm Tổng binh Thuận Hóa, thời vua Lê Kính Tông có Vũ Chân làm Hiến sát Thuận Hóa...v.v, nhất cử nhất động đều bị họ chú ý kiếm chế, cho nên, Tiên vương mới chịu nhẫn nại như vậy.

Nay, Chúa thượng chuyên chế cả một phương, quan thuộc đều tự quyền cắt đặt, dẫu nói một lời cũng không ai dám trái. Thần xin được hiến kế, theo đó thì không phải nạp thuế mà vẫn giữ được đất đai, lại còn có thể dựng nên nghiệp lớn.
Đường vào đền Đào Duy Từ ở Bình Định
Đường vào đền Đào Duy Từ ở Bình Định (Nguồn ảnh: Internet)
Chúa hỏi: - Đó là kế gì ?

(Đào) Duy Từ thưa:

- Muốn mưu đồ bá vương, cần phải có kế vẹn toàn. Người xưa nói rằng, nếu không có một lần khó nhọc thì không thể ngơi nghỉ lâu dài, nếu không chịu phí tổn nhất thời thì không thể có yên ổn mãi. Thần xin được hiến bản vẽ, đem quân dân hai trấn đến đắp một cái lũy dài, trên nối với núi Trường Dục, dưới kéo đến bãi cát Hạc Hải, nhân theo thế đất mà đặt chỗ hiểm để giữ vững biên cảnh, quân địch dẫu có đến cũng không làm gì được.

Chúa theo kế ấy, huy động quân dân đắp lũy Trường Dục, hơn một tháng thì xong. Chúa lại hỏi (Đào) Duy Từ về cách trả lại tờ sắc phong. Duy Từ thưa:

- Nên đúc một cái mâm đồng hai đáy, giấu sắc phong ở giữa, xong, sắm đầy đủ lễ vật, lấy tướng Thần Lại là Văn Khuông (chưa rõ họ) làm sứ giả đi tạ ơn. Thần xin nghĩ sẵn hơn mười câu hỏi và trả lời để trao cho sứ giả mang đi, đến nơi sẽ tùy cơ ứng biến. Hễ đem xong mâm đồng cho họ Trịnh thì mau tìm cách về. Làm như thế, họ Trịnh sẽ mắc mưu ta. Chúa theo lời, sai Văn Khuông đi Đông Đô. Văn Khuông đến, Trịnh Tráng mời vào yết kiến và hỏi:

- Trước đây đã đòi mà Chúa phương Nam không chịu nạp lễ vật để cống nhà Minh là sao?

Văn Khuông đáp:

- Lệ cống nhà Minh không có voi và thuyền, sợ người truyền lệnh nói không thật nên không dám vâng mệnh.

Hỏi: - Tại sao (Chúa phương Nam) không cho con em đến làm con tin?

Đáp : - Nam Bắc nghĩa như một nhà, một lòng thành tin cậy lẫn nhau thì còn dùng con tin làm gì nữa?

Hỏi: - Hoàng đế sai mời Chúa phương Nam đi đánh Cao Bằng, cớ sao lại không chịu đến?

Đáp : - Giặc ở Cao Bằng là giặc đã sức cùng lực kiệt, sức của quân ở Trung Đô cũng đã thừa sức đánh. Chúa tôi vâng mệnh giữ hai xứ Thuận Quảng, phía Nam thì phải chống Chiêm Thành, phía Bắc lại phải đề phòng nhà Mạc, chỉ vì sợ không thể giữ yên bờ cõi nên mới không dám đi.

Hỏi: - Đắp lũy Trường Dục là có ý muốn chống mệnh Vua hay sao?

Đáp: - Đã chịu mệnh giữ đất thì phải phòng bị bờ cõi cho chắc, sao lại gọi là chống mệnh Vua? Hỏi : - Tướng tá ở phương Nam thế nào?

Đáp: - Tài kiêm văn võ như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật thì không dưới vài chục người.

Hỏi: - Người ta nói Chúa phương Nam là bậc anh hùng hào kiệt, sao không nghĩ đến việc đánh giặc lập công?

Đáp: - Chúa tôi không mê tửu sắc, không thích đàn hát, chỉ muốn đem ân huệ vỗ về dân chúng, lấy uy tín để cảm phục người xa. Ở phương Đông thì Ma Cao và Lạc Già (tức Ma-lác-ca - ND) là thuộc quốc của Tây Dương, ở phương Tây thì Vạn Tượng và Ai Lao... không đâu là không thần phục. Nếu như thực có bọn Vương Mãng, Tào Tháo... tiếm lạm danh nghĩa và giết hại sinh dân thì (Chúa tôi) nhất định vì nghĩa mà xuất chinh, xây nền cơ nghiệp, không có gì sánh bằng.
Đền thờ Đào Duy Từ tại xã Nguyên Bình - huyện Tĩnh Gia - tỉnh Thanh Hóa (Nguồn ảnh: Internet)
Đền thờ Đào Duy Từ tại xã Nguyên Bình - huyện Tĩnh Gia - tỉnh Thanh Hóa (Nguồn ảnh: Internet)
Trịnh Tráng nghe vậy thì lặng yên, lát sau, quay lại bảo triều thần rằng:

- Sứ giả phương Nam ứng đối lưu loát như nước chảy, người phương Bắc ta không thể sánh kịp được. Nói rồi, tiếp đãi (Văn Khuông) rất hậu. Văn Khuông bưng mâm đồng chứa đầy vàng bạc dâng lên. Tráng nhận lấy. Ngay hôm đó, Văn Khuông lẻn ra khỏi cửa đô thành, theo đường biển mà trở về. Người họ Trịnh thấy cái mâm đồng hai đáy thì lấy làm lạ, bèn tách ra xem thì thấy ở trong có tờ sắc phong và một tấm thiếp viết:

Mâu nhi vô dịch,
Mịch phi kiến tích,
Ái lạc tâm trường,
Lực lai tương địch.

Bầy tôi dâng lên, Tráng hỏi nhưng không ai hiểu được. Thiếu úy là Phùng Khắc Khoan nói rằng:

- Đó chẳng qua là ẩn ngữ của mấy chữ Dư bất thụ sắc (nghĩa là ta không nhận sắc - ND). Tráng giận lắm, sai người bắt Văn Khuông nhưng không kịp.

Tráng muốn lập tức đem quân vào đánh phương Nam, nhưng lúc bấy giờ ở Cao Bằng và Hải Dương đều có tin cáo cấp nên thôi. Khi Văn Khuông về, Chúa (Nguyễn Phúc Nguyên) cả mừng, nói:

- Duy Từ quả như Tử Phòng, Khổng Minh ngày nay vậy.

Nói rồi, trọng thưởng (cho Đào Duy Từ) và thăng Văn Khuông lên chức Cai hợp".

Lời bàn:

Đào Duy Từ, người mà chúa Trịnh khinh khi chỉ vì ông là con phường chèo, chẳng dè lại là người mưu sâu kế hiểm, chúa Nguyễn sánh ông với Tử Phòng và Khổng Minh thì có thể là chưa đúng, nhưng chắc chắn là cũng chẳng sai bao nhiêu. Hóa ra, xét người mà không xét ở cái đầu và cái tâm, chỉ lo xét ở những trang gia phả của họ, thì nếu đúng cũng chỉ là sự may trong muôn một mà thôi. Những cuộc gặp gỡ tương đắc bao giờ cũng đem lại những kết quả to lớn không ngờ, đôi khi sức lực và trí tuệ không phải chỉ là cộng lại, mà là nhân lên, mạnh mẽ gấp bội phần.

Nguyễn Phúc Nguyên và Đào Duy Từ, cuộc gặp gỡ của họ cũng có thể nói là rất tương đắc vậy. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên không sinh ra Đào Duy Từ, nhưng người làm cho trí tuệ của Đào Duy Tử sinh sôi nẩy nở đến tột đỉnh lại chính là Nguyễn Phúc Nguyên đó thôi.

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)

Chú thích: - Câu 1 : Mâu nhi vô dịch : chữ mâu mà không có dấu phẩy (ở bên nách) là chữ dư, nghĩa là ta. - Câu 2 : Mịch phi kiến tích : chữ mịch mà không có chữ kiến (ở phía dưới) thì thành ra chữ bất, nghĩa là không.

Câu 3 : Ái lạc tâm trường : chữ ái mà để rơi mất chữ tâm (ở giữa) thì thành ra chữ thụ nghĩa là chịu hay nhận. - Câu 4 : Lực lai tương địch : chữ lực nếu đem ghép với chữ lai thì thành ra chữ sắc nghĩa là sắc phong, tờ sắc ...v.v. Tóm lại, đây là câu chơi chữ, ghép nghĩa của từng câu sau khi đã chú thích, sẽ được câu hoàn toàn mới là ta không nhận sắc.
(Theo Quê hương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem