Những mảnh nương xưa vắng!

Bùi Việt Phương Thứ sáu, ngày 04/09/2015 19:00 PM (GMT+7)
Nếu ở đồng bằng, thửa ruộng ông bà để lại là một phần cơ nghiệp, là nơi hạt lúa nuôi sống bao kiếp người thì ở miền núi, những mảnh nương xưa cũng là một phần ký ức không thể nào quên, gắn với bao vui buồn của mỗi gia đình.
Bình luận 0

img

Mảnh nương sườn đồi (ảnh: BVP)

Những mảnh nương nằm thoai thoải bên sườn đồi, kín đáo trong góc núi đều là nơi bà con một nắng, hai sương cùng với bao mất mát, được thua đến từ sự thất thường của thiên nhiên.

Trước kia, khi còn ở miền núi, nhà tôi cũng từng có một mảnh nương như thế. Chẳng biết ngày trước, khi rừng già bao chùm khắp mặt đất, hùm beo về tận xóm vào chuồng bắt lợn, gà rừng tranh ăn với gà nhà… thế nào nhưng khi chúng tôi lớn lên, nương đồi đã tốt tươi ngô, sắn. Nhìn những mảnh nương xếp đá làm ranh giới, mới thấy dẫu là nơi vắng vẻ mọi người vẫn tự giác phân chia chẳng ai xâm phạm nương nhà ai, mới thấy bà con mình thật đoàn kết, gắn bó dù ở chốn này kiếm được bắp ngô, củ sắn cũng đâu phải dễ.

Sáng ra, khi mặt trời còn đang ngủ sau dãy núi, những chú chim rừng vừa tỉnh giấc trên những tán cây rừng, dân bản đã lặng lẽ mài dao, vác cuốc đi nương. Những bước chân trên con đường mòn đất đỏ, trên những phiến đá nhẵn bóng dấu chân. Trên lưng họ là lưỡi cuốc sắc bén chờ được cắm phập vào đất, bên hông mang theo túi ớp với nắm cơm nếp nương, con cá suối nướng, quả ớt cay, bi đông nước…

Khi đất đã tơi xốp, lưng áo đã ướt đẫm mồ hôi cũng là lúc mặt trời nhô lên cao, bà con cùng nghỉ dưới tán cây rừng hay ngay trong lều nương. Thấm thoát, ngày tháng trôi qua rồi ngô nếp lên xanh, sắn, khoai ăm ắp trả nghĩa những giọt mồ hôi thầm lặng.

Nhưng đâu phải cuộc sống nơi đây chỉ có một giai điệu bình yên như thế. Nghe bà tôi kể, ngày trước, nương rẫy khi đã sắp đến kỳ thu hoạch thường bị thú rừng, chim chóc đến phá. Có khi, cây ngô đã trổ bắp đều tăm tắp thì lại gặp một đàn khỉ rừng từ trong núi kéo ra. Chúng không chỉ bẻ bắp nhai ngấu nghiến mà còn đánh đai bên hông rồi chuồn thẳng vào núi. Hay, gặp cơn giông lốc bẻ gẫy giập những thân ngô, thân sắn đang độ tốt tươi, gặp cơn lũ quét trơ trọi mảnh nương.

Những mùa đông không trồng cấy, mỗi khi có dịp đi kiếm củi khô, qua mảnh nương nhà, nhìn cỏ dại khô héo trong rét mướt, mặt đất vắng dấu chân người lại thấy lòng lâng lâng một giác thật lạ. Những mùa trồng trọt, nương là nơi dân bản cùng nghỉ trưa, kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn, chia nhau hớp nước dưới trời nắng gắt.

Sau này khi về sống dưới đồng bằng, mỗi khi có dịp lên miền núi, nhìn những mảnh nương tôi lại thấy nhớ về một thời lam lũ nhưng đầy ắp kỷ niệm và nghĩa tình với bà con dân bản quê mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem