Sơn nữ Xtiêng “kén chồng, được của”

Thứ hai, ngày 01/07/2013 09:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đồng bào Xtiêng cư trú tại tỉnh Bình Phước với bề dày truyền thống lâu đời. Chính những nét đặc thù trong điều kiện sống là một phần nguyên nhân tạo nên tính cách độc đáo của cộng đồng dân tộc này với những nét bản sắc văn hóa riêng biệt.
Bình luận 0

Sống theo chế độ mẫu hệ từ thuở khai thiên lập địa, người phụ nữ Xtiêng là lao động chủ lực của gia đình, đồng thời có quyền quyết định mọi thứ ngay cả việc “kén rể”. Một sơn nữ Xtiêng đến tuổi trưởng thành (khoảng từ 14 tuổi trở lên) nếu để ý đến chàng trai nào thì có thể chủ động “tấn công” để có được trái tim người ấy.

Theo phong tục xa xưa, lễ cưới của người Xtiêng diễn ra khá phức tạp, tốn kém và phía nhà trai bao giờ cũng phải chuẩn bị rất nhiều sính lễ theo yêu cầu để “trả của” cho bố mẹ cô gái. Trong lễ ăn hỏi, cha cô gái đã chuẩn bị từ trước những que lồ ô và lần lượt đưa cho ông mối đếm để biết được họ thách cưới nhà trai bao nhiêu con trâu, bò, lợn, gà, hũ rượu... Thường thường, số lễ vật mà nhà gái “đòi” nhà trai “trả của” tương đương với giá trị mà ngày trước cha cô gái phải bỏ ra để cưới được mẹ cô gái. Nếu nhà trai không đáp ứng đủ thì chàng rể sau khi cưới sẽ phải sang ở bên nhà vợ lao động đến khi nào trả hết nợ mới được đưa vợ về nhà mình hoặc ra ở riêng.

Vào ngày lành tháng tốt đã định, chọn đúng giờ con rồng, nhà trai khiêng lễ đến nhà gái để tiến hành đám cưới. Sau khi cô dâu - chú rể làm lễ hợp hôn, gia đình nhà gái cử người bắt tay vào thịt trâu, lợn, gà... do nhà trai đem đến để làm cỗ thết đãi hai họ và bà con trong buôn.

Ngày nay, thực hiện theo nếp sống văn hóa mới, đám cưới của đồng bào Xtiêng ở Bình Phước đã phần nào bớt đi được những lễ thức rườm rà, tốn kém nhưng tập tục chàng rể phải “trả của” để lấy vợ thì vẫn còn duy trì. Chỉ khác là các cặp vợ chồng trẻ có thể ra ở riêng ngay sau cưới, còn món nợ đối với cha mẹ vợ thì trả dần.

“Tập tục cưới vợ trả của đã có từ ngàn đời do cha ông người Xtiêng truyền lại để nhắc nhở con cháu biết ơn các đấng sinh thành. Thế hệ hôm nay chỉ nên điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh của mình chứ không nên loại bỏ nó...” - già Điểu Mốt ở sóc 6 (xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem