Tết của người Hà Nội xưa

Thứ năm, ngày 14/02/2013 10:25 AM (GMT+7)
Dân đất Hà thành quan niệm rằng, một năm ăn nên làm ra hay thất bại, vui hay buồn, may mắn hay xúi quẩy phụ thuộc rất nhiều vào ngày Tết Nguyên đán. Bởi vậy, chẳng mấy ai coi nhẹ việc ăn Tết.
Bình luận 0

Các nhà nghiên cứu văn hóa đã chia sẻ với PV về một số nghi thức đón năm mới của người Kẻ Chợ xưa.

Giáo sư Trần Quốc Vượng:

Hà Nội là kinh đô - thủ đô - đô thị, nơi hội tụ - giao lưu - lan tỏa văn hóa mọi miền trong và ngoài nước, trước hết là miền Bắc. Món ăn Hà Nội là tổng hòa của mọi thứ quà quê, đặc sản vùng quê đông nam đoài bắc..., thể hiện tính "kén cá chọn canh", "sành ăn, sành uống, sành mặc, sành chơi" của người Kẻ Chợ. Ngày Tết, người Hà Nội không thể thiếu nồi thịt đông. Thịt chân giò, vài ba cái chân gà, ít mộc nhĩ thái nhỏ, nấu lên để đông, ăn kèm với dưa hành vừa không ngấy, vừa mát bụng. Nay nhiều người cậy có tủ lạnh, mùa hè nấu thịt cho vào tủ lạnh cũng thành thịt đông! Nhưng ăn thịt đông vào mùa hè có thú vị đâu. "Đông" có hai nghĩa đấy.

img

Gói bánh chưng...

Ẩm thực nổi trội của Tết nguyên đán đất Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng là bánh chưng xanh. Đó là sản phẩm của một không gian văn hóa rộng lớn hơn mà ta có thể gọi là không gian văn hóa Bách Việt. Từ thế kỷ XV về trước, bánh chưng Việt được gói hình trụ tròn, y như bà con ta ở miền Nam gói bánh tét (tét là đọc chệch từ chữ Tết mà ra). Nói đâu xa, ở Cổ Loa, cố đô Âu Lạc, cho đến nay bà con vẫn gói bánh chưng hình trụ tròn. Già làng Cổ Loa bảo: "Bảy tám chục năm trước bắt chước Hà Nội, bọn tôi mới làm chơi ít bánh chưng vuông, nhưng vẫn gói bánh chưng trụ tròn nhiều lắm".

img

... và vớt bánh.

Nhà văn Băng Sơn:

Cái gì quý nhất, ngon nhất người ta để dành ăn Tết. Nhà giàu mâm cỗ tám đĩa tám bát, chồng đôi chồng ba đã đành, người nghèo cũng có "mâm cơm cúng cụ" với món này món khác, dẫu cho quanh năm bóp mồm bóp miệng.

Hàng tháng trước Tết, người Hà Nội đã tranh thủ vỗ béo lợn, gà và tích lũy các món khô như măng, nấm hương, miến mọc, tôm he, bóng bì... Còn các làng ngoại thành thì thi nhau tát ao, bắt cá chép, cá trắm to làm nồi cá kho.

Chuyện làm trà, làm mứt không chỉ có tuần cuối năm. Các nguyên liệu làm mứt như múi khế, quả mơ, miếng bí đã được phơi khô trước đó cả tháng để đến Tết nhà nhà đều có đĩa mứt ngon. Trà mạn sen được chuẩn bị từ nhiều năm trước.

Sửa sang, dọn dẹp bàn thờ là việc vô cùng thiêng liêng để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Người Hà Nội trang trí ban thờ cũng rất công phu: từ hoành phi, câu đối, chân chỉ hạt bột, rồi tam sự, ngũ sự bằng đồng, cho đến ngai thờ, tranh chân dung, bình hoa, nhang nến...

Trước Tết nhiều ngày, ai cũng trau chuốt cho bộ quần áo trưng diện mấy ngày xuân. Nhà có ông bà cao tuổi, phải sắm được quần áo đỏ, khăn đỏ; còn trẻ nhỏ không thể thiếu bộ đồ xúng xính, mới tinh, nước hồ còn sột soạt... Thanh nữ cũng lo chuẩn bị xiêm y, giày dép, son phấn, đồ trang sức.

Tết Việt Nam là dịp dành cho sự sum họp gia đình. Mấy ngày đầu năm mới ít ai đi ăn cơm khách, trừ thăm viếng, xông nhà, chúc Tết. Đêm giao thừa người Hà Nội có tục lệ đi chơi xuân hái lộc. Toàn là thú chơi, niềm vui không cần đến bát đĩa.

Xưa tới nay, nhiều người quanh năm không biết cờ bạc là gì, nhưng Tết đến cũng có cỗ bài tam cúc để cả nhà cùng chơi. Đẹt mũi, đẹt tay, đẹt đùi rồi cười vang cả nhà.

Hà Nội trước có lệ bói tuồng đầu năm. Chiều mùng một, các rạp hát mở cửa, không đề tên vở diễn. Khách vào xem mới biết là vở gì, có người còn vào rạp lúc giữa vở, như kiểu bói Kiều, xem mình gặp cảnh gì trên sân khấu. Nhà rạp khôn khéo, bao giờ cũng chỉ diễn những vở tươi vui, đầm ấm, hạnh phúc, đoàn viên để ai cũng hài lòng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Hòa:

Dân Hà Nội chuẩn bị Tết Nguyên đán từ tháng chạp. Người ta trữ sẵn lợn gà, nhất là gà trống thiến, nhiều nhà tự làm lấy trứng vịt muối và lạp xường. Mọi người gói bánh chưng ngày 29 hay 30, gói luôn cả giò mỡ, ép cây giò vào hai nẹp tre buộc chặt, treo lên.

Nhiều nhà chiều 30 làm cỗ bát cúng gia tiên, cúng mồng một, và chuẩn bị những đồ ăn sẵn để mấy ngày Tết dành thời gian đi thăm viếng bà con bạn bè. Cỗ bàn gồm bốn loại: bóng, mực, miến, thịt ninh với măng khô, sang hơn thì thêm bát nấm, bào ngư, vây cá. Ngoài ra còn thịt gà luộc, giò lụa, giò mỡ, lòng xào, lạp xường, trứng muối, cá kho ngọt. Ngày mồng 3 nhiều nhà hay làm thang cuốn. Ăn những thứ này phải có cà cuống pha vào nước mắm ngon và phải trữ ít dấm cái để chưng với mật và lạc rang, nhồi vào một cái cuốn, người ta kiêng ăn thịt vịt trong ngày Tết, sợ vịt chậm chạp.

Trong ba ngày Tết, buổi chiều thường cúng mứt, không cúng cơm. Mứt bí, mứt phật thủ, bánh phồng vẽ, bánh huê cầu. Nhiều nhà sáng mồng một mới đem rán bánh. Bánh nở nhiều thì năm mới làm ăn thịnh vượng.

Văn hóa ẩm thực Tết xưa ở Hà Nội còn phải kể đến trà mạn sen, chè Ô Long, Liên Tâm, Thiết Quan Âm vỏ thiếc; các loại rượu cúc, Mai Quế Lộ hay Sử Quốc Công và rượu nếp cẩm thổ hạ từ tháng tám...

Còn cây cảnh, hoa Tết thì đủ giống đủ loài, quất đỏ, cúc vàng, đào phai, mai trắng, mai vàng, hải đường, mẫu đơn. Ở phố Hàng Ngang còn bán những chậu hoa mẫu đơn cài giấy hồng điều đề chữ: "Hàng Châu mẫu đơn, đệ nhất hạng". 

Chơi hoa Tết, thú chơi xa xỉ là thủy tiên. Người ta phải chọn thủy tiên làm sao cho được củ hoa đơn. Mỗi hoa như cái chén vàng đặt trên đĩa ngọc. Hôm đầu mang thủy tiên về phải ngâm úp vào chậu rồi sau đặt vào bát hay cốc pha lê. Lá mọc lên là phải gọt nhẹ một phía, cho chiếc uốn vào trong, chiếc cong ra ngoài. Giò hoa cũng phải gọt thật nhẹ, không để cao lênh khênh. Cái khéo là làm sao cho hoa nở đều, không đâm dúi vào nhau và nở đúng vào sớm mồng một Tết, mà phải nở hàm tiếu.

Vào dịp Tết, người Hà Nội thường tổ chức thi hoa thủy tiên.Củ hoa giải nhất được đặt lên kiệu long định rước về nhà.

PGS. TS Đỗ Thị Hảo (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội):

Người Hà Nội xưa có lệ đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi. Muối tượng trưng cho tình cảm mặn mà. Vôi để tẩy trừ tà khí. Đầu năm người ta kiêng không cho lửa vì sợ mất điềm may mắn cả năm. Sáng mồng một, dù cả năm hục hặc nhưng người ta cũng tránh cãi cọ, xô xát. Sự mặc, sự chơi, sự ăn ngày Tết ở Hà Nội bây giờ có phần giản tiện hơn xưa. Bây giờ người ta thường đặt bánh chưng, nhoáng nhoàng một cái chứ không mua lá dong, kì cạch rửa rồi ngâm gạo, vo đỗ... như ngày xưa. Nhưng vì thế mà bớt đi phần háo hức.

Trò đánh cờ người, thả diều, đi rước, xem danh lam thắng cảnh và hằng trăm thú chơi khác diễn ra trong mùa xuân là dịp để người Hà Nội thỏa sức thư giãn sau một năm dài làm việc mệt nhọc.

Theo VnExpress
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem