Tục cúng “thần Thổ địa” cầu bình an

Bài, ảnh: Thái Mỹ Thứ ba, ngày 29/03/2016 06:25 AM (GMT+7)
Người Việt xưa nay đều nghe quen câu dân gian “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Có lẽ bởi thế mà bao đời nay từ khắp làng quê tới chốn phố xá, người dân có tục lệ cúng “Thổ địa” – cúng đất nơi cư ngụ.
Bình luận 0

Có thể nói, cúng đất là hoạt động thuần tuý mang tính tín ngưỡng tâm linh “ăn sâu” trong đời sống của người Việt. Tuỳ theo phong tục, tập quán vùng miền mà thể thức, lễ vật và nội dung cúng đất có khác nhau, nhưng đều đong đầy khát vọng vươn tới cái đẹp, cửa nhà yên ấm bình an.

Nét văn hoá truyền thống của cộng đồng Việt vốn có từ ngàn đời, đó là “uống nước nhớ nguồn”, luôn hướng về tổ tiên, biết ơn các bậc tiền nhân, nguồn cội. Do đó cùng với việc thờ phụng ông bà, người thân đã khuất bóng, trên ban thờ nhiều gia đình người Việt còn thờ cúng “vị thần cai quản” ngôi nhà của họ.

img

Mâm cỗ chuẩn bị đặt lên bàn cúng đất.

Theo quan niệm dân gian, “Thổ địa” là “vị “thần cai quản” đất đai… do người dân tự nghĩ ra từ thuở khai hoang lập cõi để nương tựa tinh thần. “Vị thần đất” là người vô hình, nhưng có sức mạnh phi phàm, trông coi cả một vùng đất, một khu vực, lãnh thổ nào đó và chở che cho con người tránh được thiên tai, rủi ro trong cuộc sống, đón may mắn về trong ngôi nhà của mình.

Nhiều người còn cho rằng, tuy ở trong nhà có ban thờ tổ tiên, người thân quá cố, nhưng để mời được những “người khuất mặt dương gian” về dự và để được vào nhà thì phải cúng “vị thần Thổ địa” để báo cáo, xin phép. Bởi “vị thần” này có chức năng kiểm soát toàn bộ khu vực ngôi nhà, sẽ không cho bất cứ “người khuất mặt dương gian” nào từ bên ngoài xâm nhập vào nhà nếu chưa được phép của gia chủ đang sống.

Có lẽ với nghĩa như trên mà ở xứ Quảng quê tôi, mỗi khi có giỗ, kỵ, chủ nhà thường sắm một mâm lễ đầy đủ các lễ vật như mâm cúng người quá cố rồi đặt chính giữa trước cửa nhà để cúng bái, vái lạy “Thổ địa”, cầu mong thần phù hộ, độ trì, phúc đến, hoạ đi và xin thần cho người quá cố được vào nhà dự cỗ giỗ. Sau khi cúng lạy “thần Thổ địa” xong thì mới được vào bên trong cúng, mời ông bà, người thân… đang “định cư” ở thế giới…âm phủ.

Phong tục cúng thổ địa kết hợp với giỗ, kỵ có từ lâu đời và được coi đây là nghi lễ bắt buộc mỗi khi gia đình có giỗ chạp.

Bên cạnh việc cúng thổ địa khi giỗ chạp, hằng năm có khá nhiều gia đình cũng cúng thổ địa, còn gọi cúng đất riêng. Ở Đà Nẵng, Quảng Nam việc cúng đất chỉ diễn ra trong tháng Hai âm lịch, chủ yếu được tổ chức từ mồng 10 đến cuối tháng. Việc sắm sửa lễ vật để cúng đất theo nghi thức này khác so với việc cúng theo đám giỗ.

img

Mâm cỗ cúng đất tháng Hai âm lịch.

Mâm cỗ cúng đất tháng Hai ngoài các món thịt, cá thông thường phải có các đĩa tôm, cua luộc nguyên con; khoai, đậu phụng, bắp tươi nấu; rau xanh, trứng luộc; cá trích nướng; thịt heo nguyên cục; cà chiên; mía cây róc vỏ cắt từng đốt… Nói chung các món sắm cúng đất rất dân dã và gần gũi với đời sống của bà con làng quê.

Đến nay vẫn chưa có sách vở, tài liệu nào cho biết vì sao mâm cỗ cúng đất tháng Hai khác với mâm cúng đất kết hợp với giỗ, kỵ. Chỉ biết rằng ý tưởng của người cúng luôn cầu mong “Thổ địa” chở che cho ngôi nhà của mình vạn sự được bình an!.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem