Vẻ đẹp làng Chăm bên hồ Búng Bình Thiên

Chí Nam Thứ sáu, ngày 16/10/2015 16:29 PM (GMT+7)
Đến thăm hồ Búng Bình Thiên mùa nước nổi về, du khách sẽ được tìm hiểu văn hóa người Chăm bản địa, trải nghiệm nhịp sống miền Tây và thưởng thức những món ăn đặc trưng miệt sông nước.
Bình luận 0

Cùng với người anh em Ninh Thuận, An Giang là một trong những địa phương có số lượng đồng bào Chăm sinh sống đông nhất so với các vùng miền khác ở nước ta, tập trung nhiều ở huyện An Phú nơi có hồ nước ngọt lớn bậc nhất miền Tây Nam Bộ: Hồ Búng Bình Thiên.

Tọa lạc ở vị trí thông với con sông Bình Di - một nhánh dòng sông Hậu nổi tiếng miền Tây Nam Nam bộ và sát biên giới nước bạn Campuchia, hồ Búng Bình Thiên là hồ nước ngọt thuộc ba xã: Quốc Thái, Khánh Bình và Nhơn Hội.

img

"Búng" trong tiếng địa phương có nghĩa là hồ hay đầm phá, "Bình" là yên bình, còn "Thiên" có nghĩa chỉ trời. Và ý nghĩa tên hồ này theo người dân nơi đây cho biết, cũng là sự tích dân gian về nguồn gốc hồ, là "hồ nước bình yên do trời ban".

Hồ Búng Bình Thiên còn được gọi tên là "Hồ gương trời" do đặc thù nước trong hồ luôn luôn xanh trong, phẳng lặng như gương mặc cho dòng sông Hậu có đỏ ngầu phù sa đi nữa. Đây là nguồn cung cấp nước khổng lồ cho toàn khu vực và đặc biệt không bao giờ cạn kể cả đang mùa hạn hán khắp nơi khô cằn. Đồng thời, Búng cũng là nơi quy tụ rất nhiều loại cá tôm sinh sống, nhiều loại thực vật thủy sinh như sen, súng, tảo...

img

img

img

Hàng trăm năm trước, khi vùng đất Nam Bộ khắp nơi còn chằng chịt kênh rạch, thì những người Chăm đầu tiên đã di cư về đất này lập nghiệp, kiến tạo lên những ngôi làng Chăm trù phú bao quanh hồ Búng Bình Thiên ngày nay.

img

Nhà người Chăm được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn, trước nhà là cầu thang gỗ, cao hơn mặt đất đến 2-3m để tránh lũ và tạo không khí mát mẻ. Bên trong nhà hầu như không có bàn ghế, khi tiếp khách thì sẽ trải chiếu hoặc thảm và ngồi xếp bằng lên trên.

img

Người Chăm ở An Giang nói chung và Búng Bình Thiên nói riêng phần lớn theo đạo Hồi, còn gọi là Chăm Islam. Dù trải qua bao thăng trầm của thời gian, cùng với các dân tộc anh em khác, người Chăm vẫn luôn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của mình, từ kiến trúc, họa tiết điêu khắc của ngôi nhà, đến trang phục sinh hoạt trong đời sống hàng ngày.

Đến thăm làng người Chăm ở Búng Bình Thiên, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu tập quán và thăm quan thánh đường Mas Jid Khay Ri Yah rộng lớn, nơi sinh hoạt tín ngưỡng, đời sống tâm linh cộng đồng Chăm nơi đây. Hằng ngày cứ trước giờ lễ, tất cả đàn ông ra trước bến nước thiêng rửa mặt, rửa tay, chỉnh lại trang phục rồi mới được bước vào thánh đường.

img

Từ khi còn bé, những người phụ nữ Chăm đã được học cách quấn khăn chùm đầu, việc có ý nghĩa quan trọng cho sự kín đáo thanh cao của người Chăm Islam.

img

Một phụ nữ Chăm trong trang phục truyền thống, vận xà-rông quấn quanh mình dài đến gót chân, được cách điệu thành bộ váy cùng tông màu áo rất đẹp.

img

Đối với người đàn ông Chăm, trang phục thường là xà-rông kẻ sọc đi kèm với áo sơ mi, đầu đội mũ trắng nếu đã lớn tuổi, còn với lũ trẻ nhỏ thì đội mũ màu đen để phân biệt.

img

Một lớp học cho trẻ em người Chăm giữa trung tâm khu đất này và sát bên hồ nước Búng.

img

Đến thăm Búng Bình Thiên mùa nước nổi, còn gì tuyệt vời hơn khi được tìm hiểu văn hóa người Chăm và được người dân nơi đây thết đãi những đặc sản miền Tây sông nước với nguồn hải sản chính tại hồ nước xinh đẹp này.

img

Cũng như các cộng đồng dân cư khác ở miền Tây Nam Bộ, đồng bào Chăm sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Đặc sản ở đây nức tiếng có cá linh, lươn, rùa, rắn, ếch... và đặc biệt bông điên điển và bông súng là hai món rau độc đáo nhưng rất phổ biến của ẩm thực Đồng bằng sông Cửu Long.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem