Quỹ bình ổn còn 800 tỷ nhưng 10 doanh nghiệp xăng dầu “âm” quỹ

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 26/02/2022 16:12 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tình trạng quỹ bình ổn giá xăng dầu giảm sẽ khiến việc điều hành “bị hạn chế” thời gian tới.
Bình luận 0

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, từ kỳ điều hành ngày 11/1/2022 đến nay, giá xăng dầu các loại hiện tăng từ 1.570 – 2.562 đồng/lít/kg (tùy loại), tương đương tăng từ 9,59% - 14,04%.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cũng nhận định, trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, thị trường xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục phức tạp. Trong khi đó, dự trữ xăng dầu của nhiều nước giảm và nhu cầu tăng khi triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, hiện tại, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện còn hơn 800 tỷ đồng nhưng có hơn 10 doanh nghiệp âm quỹ. Thậm chí, trong đó, một số doanh nghiệp âm quỹ lớn.

Quỹ bình ổn còn 800 tỷ nhưng 10 doanh nghiệp xăng dầu “âm” quỹ - Ảnh 1.

Việc điều hành giá xăng dầu bằng Quỹ bình ổn có thể "bị hạn chế" thời gian tới. (Ảnh: Thanh Phong)

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, với việc giá xăng ngày càng tăng cao, quỹ lại giảm, thậm chí âm việc điều hành giá xăng dầu sẽ "bị hạn chế".

"Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thích hợp, bám sát giá thế giới. Thời gian qua, chúng ta đã vận dụng linh hoạt và đạt được mục tiêu giảm biến động của giá thế giới đến giá thành trong nước", ông Đỗ Thắng Hải nói.

Nguồn cung xăng dầu trong nước có thời điểm cung cấp khoảng 70-75%, có thời điểm lên đến 80% tổng lượng nhu cầu. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính, nên Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã cắt giảm công suất, việc giao hàng bị ảnh hưởng.

Còn Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn, mức tăng 5% (tương đương 28 nghìn m3 xăng dầu) cũng chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất.

Trước tình hình này, theo ông Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động nhập khẩu nguồn hàng, bù đắp nguồn thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối cũng đã đẩy mạnh nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước. Trong đó: Tổng công ty Dầu Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng cuối tháng 2/2022 là 26.000m3 xăng và 40.000m3 dầu. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thực hiện kế hoạch nhập khẩu trong tháng 2 khoảng 100.000m3 xăng và 200.000m3 dầu. Công ty Hải Hà nhập khẩu trong tháng 2 khoảng 90.000m3 dầu…

Cũng theo thông tin từ Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mới đây nhất, ngày 24/2, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định giao bổ sung hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước. Đồng thời, Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa đối với mặt hàng nhạy cảm là đầu vào của nền kinh tế này, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ tăng cường triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm.

Ngoài ra, đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm, cơ quan này đã có văn bản trao đổi với Bộ Công Thương đề nghị tăng cường công cụ Quỹ tại các kỳ điều hành tới khi giá thế giới tiếp tục tăng và ở mức cao.

Qua đó, góp phần kìm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước, phục vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Đồng thời thực hiện công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xây dựng các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem