Gặp NSƯT Đàm Hàn Giang – chàng "hoàng tử" của nền ballet Việt Nam

Đông Vũ - Mai Yên Thứ ba, ngày 09/08/2016 18:50 PM (GMT+7)
Ít người đàn ông đam mê múa như Đàm Hàn Giang, đặc biệt lại là múa ballet. Ở tuổi đời 30, anh đã có tới 20 năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật đặc biệt này. Sự gắn bó của Đàm Hàn Giang không phải kiểu yêu thích sơ sơ hời hợt, lại càng không phải làm nghề cho có. Với anh, múa từ lâu đã là đam mê, là máu thịt, là hơi thở mà không ngày nào anh rời bỏ được.
Bình luận 0

Gặp Đàm Hàn Giang khi anh vừa rời phòng tập ballet trong một buổi chiều nắng gắt. Ấn tượng đầu tiên về nam nghệ sĩ ưu tú trẻ nhất Việt Nam là sự điển trai, hiền lành và kiệm lời. Thế nhưng, ngay khi nhắc tới ballet, Đàm Hàn Giang bỗng nhiên thay đổi. Đôi mắt anh rạo rực đam mê và tình yêu…

Một anh chàng điển trai và nam tính như anh, tại sao lại tìm tới môn nghệ thuật mà nhiều người vẫn mặc định chỉ dành cho phụ nữ?

- Cha tôi yêu nghệ thuật nên tôi đến với múa từ rất sớm. Năm tôi lên 6 tuổi, cha tôi ( NS. Đàm Văn Đài, Trưởng đoàn nghệ thuật Quân khu I) đã đưa tôi đi học múa. Ban đầu, tôi chưa yêu bộ môn nghệ thuật này nhiều, có hôm ham chơi, trốn học theo lũ bạn còn bị cha mắng. Thế nhưng, chỉ sau một năm, tôi đã đam mê múa hơn cả cha tôi tưởng tượng. Ngày nào, tôi cũng phải đứng trước gương, mải mê tập đi tập lại từng động tác. Múa đã giải phóng năng lượng của tôi. Múa giúp tôi thấy tự do và thăng hoa cao độ.

img

Nghệ sĩ ưu tú Đàm Hàn Giang 

Bạn đừng nghĩ múa là môn nghệ thuật dành cho phụ nữ. Trên thế giới, nam nghệ sĩ nổi tiếng với nghệ thuật múa rất nhiều. Múa đơn giản là môn nghệ thuật mà ở đó người ta dùng ngôn ngữ cơ thể để vẽ lên những câu chuyện của cuộc đời.

Chọn theo ngành múa đã khó, anh lại còn chọn cho mình chuyên ngành múa ballet, một lĩnh vực còn khó hơn rất nhiều?

- Tôi chọn ballet cũng là để thử thách và kích thích chính mình. Bởi múa ballet chính là đỉnh cao nghệ thuật trong ngành múa. Ballet giúp con người có tâm hồn đẹp và kiêu hãnh hơn. Có những động tác của múa ballet phải tập luyện tới 7 năm, thậm chí có người 7 năm vẫn không làm được. Trở thành nghệ sĩ ballet là một hành trình rất gian khổ và phải trải qua nhiều đau đớn, chỉ những người yêu nghề mãnh liệt mới theo đuổi được.

img

19 tuổi anh đã đi học ballet tại Hồng Kông và được Nhà hát Ballet Hồng Kông giữ lại làm diễn viên sau hai năm tập luyện. Tại sao anh vẫn chọn quay về Việt Nam khi mà nền ballet Việt Nam chưa mấy phát triển?

- Đó từng là một vinh dự lớn với tôi, nhưng hơn tất cả, tôi vẫn muốn được quay về và biểu diễn trên mảnh đất quê hương mình, biểu diễn cho cha tôi xem. Năm 21 tuổi, khi mới quay lại Việt Nam, đúng là có lúc tôi đã hơi bị ...hẫng. Ở Hồng Kông, ballet được khán giả vô cùng tôn vinh và trân trọng. Với họ, đây là môn nghệ thuật đẹp và đầy tính thẩm mỹ. Trong khi đó, tại Việt Nam, không nhiều người quan tâm tới loại hình này.

May mắn tôi là người dễ thích nghi. Vả lại, ngành múa ballet tại Việt Nam cũng đang phát triển hơn từng ngày từng giờ.

Tôi vẫn nhớ như in rằng có một vở múa ballet, sau khi anh diễn, cả Phó Giám đốc đoàn và người dàn dựng đã đều bật khóc. Có lẽ bên cạnh sự đồng cảm với vở diễn, họ còn cảm nhận được sự vất vả của những diễn viên trong đoàn?

- Đúng vậy. Để duy trì một vở diễn kéo dài hai tiếng, sức lực của nghệ sĩ bỏ ra là vô cùng lớn, đặc biệt là những nghệ sĩ soloist. Có lúc, khi còn 30’ nữa là kết thúc vở, cơ thể tôi đã đầm đìa mồ hôi, toàn thân muốn gục xuống. Chỉ có lòng yêu nghề và sự nỗ lực mới nâng mình lên được. Thế nhưng, có một điều kì lạ là, đến cuối chương trình, chỉ cần một khán giả lên ôm mình và nói: “Tuyệt vời quá”, “Cảm động quá”, mình lại khoan khoái, lại sung sướng như chưa từng mệt mỏi.

Điều gì là khó khăn nhất đối với một nghệ sĩ nam biểu diễn ballet?

- Như tôi đã nói ở trên, ballet đòi hỏi sự chuẩn mực và tính thẩm mỹ cao độ. Cũng bởi vậy, không như các ngành nghệ thuật khác, nghệ sĩ ballet phải tập luyện hàng ngày, chỉ cần bỏ tập một ngày thôi cơ thể đã trở nên cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Nếu như vận động viên thể thao có thể ăn uống đủ chất để bù vào lượng calo đã tiêu tốn, tôi lại không dám ăn thoải mái, không dám ăn món mình thèm. Cơ thể tôi rất dễ tăng cân nên tôi luôn phải cân nhắc trước khi ăn uống để giữ thân hình cho múa.

img

Tôi được biết, anh vẫn duy trì đều đặn một lớp học múa ballet cho các bé trên 6 tuổi. Dường như đó là cách anh thổi đam mê vào thế hệ kế cận?

- Tôi mở lớp vì tôi yêu ballet và yêu con trẻ. Không chỉ là truyền đam mê cho các con, tôi còn mong ballet trở nên phổ cập hơn trong xã hội. Nếu như múa ballet ở phương Tây rất quen thuộc, người người cho con đi học ballet để rèn luyện cho con sự kiên trì, quyết tâm, nuôi dưỡng cho con tâm hồn, vóc dáng đẹp thì tại Việt Nam, dường như ballet vẫn còn hơi xa lạ.

Mỗi ngày đến lớp, tôi đều thấy hạnh phúc vì được chia sẻ tình yêu của mình cho các con.. Có bé gọi tôi là cha nuôi, có bé ngày nào cũng mong được mẹ dẫn đến lớp của thầy. Chính các con đã truyền động lực ngược lại cho tôi, giúp tôi yêu và gắn bó hơn với môn nghệ thuật đặc biệt này.

Cảm ơn anh vì cuộc chia sẻ này!

Nghệ sĩ ưu tú Đàm Hàn Giang sinh năm 1986, hiện là solist của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam. Trong đợt phong tặng danh hiệu mới đây, anh là nghệ sĩ trẻ nhất được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.

Anh từng đạt Huy chương Vàng và Giải thưởng Diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan múa chuyên nghiệp toàn quốc.

NSƯT Đàm Hàn Giang từng đảm nhận vai chính trong nhiều vở ballet nổi tiếng như “Giselle”, “Chipiniana”, La sylphide”…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem