Sát Tết mà nông dân Hà Tĩnh đủng đỉnh chẳng vội bán loại trái đặc sản, vỏ thơm đến nỗi kiến, gián còn sợ

Tập Thỏa Thứ bảy, ngày 08/01/2022 13:21 PM (GMT+7)
Cam bù Hương Sơn quả to bự, mọng nước, chín vàng cả đồi nhưng nông dân trồng cam tại huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) vẫn chưa cắt bán, chờ gần Tết Nguyên đán để bán với giá cao hơn.
Bình luận 0

Clip: Cam bù Hương Sơn vào mùa thu hoạch, vàng óng, quả lớn, ít hạt, vị ngọt đặc trưng mà nơi khác không có được. 

"Đệ  nhất" cam bù Hà Tĩnh

Huyện Hương Sơn có diện tích trồng cam hơn 2.200 ha (gồm cam chanh và cam bù), trong đó cam bù chiếm hơn 1.000 ha. Cam bù là loại cây đặc sản, được xem là loại cây phát triển chủ lực của huyện Hương Sơn, trong đó các địa phương trồng nhiều thuộc xã: Sơn Trường, Sơn Mai….

Cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh) quả to bự, chín vàng cả đồi nhưng vì sao nông dân vẫn chưa chịu cắt bán  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Đạt, 60 tuổi trú tại thôn 9, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bên vườn cam bù chín vàng, trĩu quả. Ảnh: PV

Nếu so với cam chanh, cam bù là loại cây có giá cả ổn định, được nhiều người ưa chuộng hơn. Vào dịp cận Tết Nguyên đán, khi các loại cam khác đã thu hoạch xong thì cam chanh mới vào vụ chín nên được giá "đắt như tôm tươi".

Theo các cụ cao niên ở huyện Hương Sơn, cam bù là sản phẩm truyền thống của địa phương, có cách đây hàng trăm năm trước. Cam bù khi được trồng trên đất Hương Sơn sẽ có màu vàng óng, quả lớn, ít hạt, vị ngọt đặc trưng mà không nơi nào có được.

Cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh) quả to bự, chín vàng cả đồi nhưng vì sao nông dân vẫn chưa chịu cắt bán  - Ảnh 3.

Đến với Hương Sơn (Hà Tĩnh) là đến với những vườn cam bù trĩu quả, chín vàng. Ảnh: PV

Cam bù khi chín vỏ sẽ xốp, tự tách múi phía trong nên rất dễ bóc, không cần phải dùng dao. Múi cam nhiều xơ nhưng vẫn có thể tách dễ dàng. Vỏ cam bù sau khi ăn có thể phơi khô, để trong tủ quần áo, góc nhà nhằm xua đuổi kiến gián và tạo mùi thơm rất dễ chịu.

Ngoài ra, nhiều người còn xem cam bù như một vị thuốc tự nhiên khi kết hợp với ruốc sẽ có thể trị bệnh cảm cúm, rát họng và ho.

Cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh) quả to bự, chín vàng cả đồi nhưng vì sao nông dân vẫn chưa chịu cắt bán  - Ảnh 4.

Cam bù Hương Sơn nức tiếng Hà Tĩnh. Ảnh: PV

Xã Sơn Trường, thủ phủ cam bù của huyện Hương Sơn, hiện có 760 hộ dân trồng cam, trên diện tích 430 ha, năng suất mỗi năm đạt khoảng 5.000-6.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Đạt, trú tại thôn 9, xã Sơn Trường, cho biết: "Giống cam bù hiện được người dân tách, chiết từ những gốc cây của những thế hệ trước. Cây cam bù có thu nhập cao từ năm thứ 4 trở đi, khi đó cây sẽ mang lại trái ngọt cho người nông dân sau bao ngày chăm sóc.

Cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh) quả to bự, chín vàng cả đồi nhưng vì sao nông dân vẫn chưa chịu cắt bán  - Ảnh 5.

Những vườn cam bù Hương Sơn chín vàng, ăn từng múi cam sẽ cảm nhận trọn vẹn hương vị của giống cam núi rừng. Ảnh: PV

Cây trưởng thành cho năng suất từ 150-250kg/gốc cam bù. Những gốc cam cho nhiều quả, bà con phải dựng hệ thống bằng tre bên cạnh để làm giảm áp lực lên cây cam, tránh việc gãy cành".

"Đon" cam bù dịp Tết để bán giá cao

Dù cam bù đã chín, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá cam xuống thấp, người dân trồng cam đành để đó chờ Tết để bán được giá cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Đạt, trú tại thôn 9, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, cho biết: "Trước đây, ông cha chúng tôi đã có truyền thống trồng cam bù. Hiện nay, gia đình tôi có hơn 300 gốc cam, trồng trên diện tích gần 2 ha, bình quân tôi bỏ túi hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh) quả to bự, chín vàng cả đồi nhưng vì sao nông dân vẫn chưa chịu cắt bán  - Ảnh 6.

Theo ông Nguyễn Văn Đạt (chủ vườn cam bù lớn ở huyện Hương Sơn), hiện cam đã chín chiến khoảng 80%, đang chờ dịp Tết Nguyên đán để cát bán. Ảnh: PV

Cây cam bù đã giúp người dân chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định, có thêm chi phí để cho con em ăn học thành tài".

Năm nay, do dịch bệnh, giá cam chỉ dao động từ 15.000-20.000đồng/kg, trong khi năm trước giá lên đến 35.000-40.000đồng/kg. Hiện nay dù cam đã chín nhưng gia đình chưa bán, để gần Tết bán giá cao hơn".

Cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh) quả to bự, chín vàng cả đồi nhưng vì sao nông dân vẫn chưa chịu cắt bán  - Ảnh 7.

Hiện nay, giá cam bù Hương Sơn chỉ khoảng 15.000-20.000đồng/kg, trong khi năm trước giá lên đến 35.000-40.000 đồng/kg. Ảnh: PV

Đang đi thăm vườn, anh Nguyễn Văn Quyền, thôn Kim Lộc, xã Kim Hoa, nói: "Gia đình tôi có 170 gốc cam bù đã chín, năng suất đạt khoảng hơn 10 tấn/năm. Hiện nay, gia đình tôi đã thu hoạch những quả cam nhỏ, ngoại hình không đẹp để bán trước. Những quả to, đẹp, chất lượng hơn tôi dành bán trong dịp Tết Nguyên đán để giá được cao hơn".

Ông Trần Văn Niềm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Trường cho hay: "Cam bù đã giúp bà con trong xã có nguồn thu nhập ổn định, có khoảng hơn 200 hộ trồng cam cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, có những hộ gia đình năng suất cam đạt 20-25 tấn/năm, thu về hơn 700 triệu đồng/năm.

Cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh) quả to bự, chín vàng cả đồi nhưng vì sao nông dân vẫn chưa chịu cắt bán  - Ảnh 8.

Ông Trần Văn Niềm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Trường (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) thăm vườn cam bù của người dân. Ảnh" PV

Xác định cam bù là cây chủ lực phát triển kinh tế địa phương, chính quyền đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã vận động bà con sản xuất theo quy trình VietGAP, hiện nay đã có 15 tổ đủ điều kiện chứng nhận VietGAP. Định hướng đến cuối năm nay, bà con cùng chính quyền xã quyết tâm đưa cam bù Sơn Trường lên sàn giao dịch điện tử, để đầu ra của bà con được ổn định hơn".

Cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh) quả to bự, chín vàng cả đồi nhưng vì sao nông dân vẫn chưa chịu cắt bán  - Ảnh 9.

Cam bù Hương Sơn có vị ngọt thanh, ít hạt, tốt cho sức khỏe, giàu vitamin và khoáng chất, giúp thải độc tố,đẹp da, sáng mắt. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Văn Khanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn, cho biết: "Cam bù là loại cây đặc sản, mang lại nguồn thu nhập tốt cho bà con vì loại cây này chỉ phát triển tốt, cho chất lượng cao trên đất Hương Sơn, các vùng đất khác không có được. Không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo, cam bù còn giúp nông dân làm giàu. Những nơi trồng được cam bù, bà con đều có thu nhập tốt hơn những vùng khác. 

"Cam bù là loại cây truyền thống lâu đời, nên vào dịp Tết người dân Hương Sơn khi thắp hương gia tiên không thể thiếu cam bù. Nó tượng trưng cho lòng biết ơn cội nguồn của bà con huyện Hương Sơn. Ngoài ra, cam bù được xem như bài thuốc dân gian hiệu quả khi cam bù chấm ruốc có thể chữa được bệnh ho, cảm cúm"" - ông Phan Văn Khanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem