Sau bài chủ máy gặt phải nộp 2,5 triệu đồng cho hợp tác xã: Chỉ thu 1 triệu đồng tiền đặt cọc

Ngô Hùng - Việt Hoàng Thứ tư, ngày 20/05/2020 16:30 PM (GMT+7)
Sau khi Dân Việt có buổi làm việc với UBND xã Đỗ Sơn về việc thu 2,5 triệu đồng/máy gặt/vụ, ngay trong ngày 18/5, Ban điều hành sản xuất đã có biên bản về việc thống nhất tiền đặt cọc các máy gặt vụ chiêm xuân 2019 – 2020.
Bình luận 0

Theo biên bản này, chủ máy gặt phải gặt theo sự đồng ý của Ban điều hành sản xuất đã khoanh vùng với cây lúa đứng là 150.000 đồng, cây lúa đổ nghiêng không quá 170.000 đồng. Chủ máy gặt phải gặt hết diện tích đã khoanh vùng.

Vụ thu 2,5 triệu đồng/máy gặt: Áp dụng ký đặt cọc 1 triệu đồng rồi trả lại chủ máy - Ảnh 1.

Biên bản đặt cọc với các chủ máy, nếu không gây hỏng hóc đường sá, ống cống, kênh mương thì sẽ được trả lại tiền.

Trong khi gặt, chủ máy gặt làm thiệt hại tới tài sản thì chủ máy phải đền như cũ. Số tiền đặt cọc là 1 triệu đồng/máy. Sau khi vụ gặt kết thúc, nếu không làm hỏng tài sản thì số tiền này sẽ được trả lại cho chủ máy gặt.

Trước đó, Dân Việt có bài "Phú Thọ: Chủ máy bất bình vì muốn gặt lúa phải nộp 2,5 triệu đồng/máy cho hợp tác xã". Theo đó, những chủ máy gặt muốn hoạt động tại xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đều phải nộp số tiền 2,5 triệu đồng/máy. Điều này đã gây ra một cuộc tranh luận lớn về việc thu tiền này.

Ngày 18/5, trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Công Định, Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Sơn cho biết: "Năm 2019, tại Đại hội xã viên, lãnh đạo xã đã đề nghị đưa vào quản lý máy cày, máy gặt trên địa bàn, tránh tình trạng tranh giành máy, gây mất an ninh trật tự, bảo đảm đồng ruộng cho vụ mùa sau.

Việc quản lý của Ban điều hành sản xuất cũng để khống chế giá máy gặt ở mức 150.000 đồng/sào cho ruộng dễ gặt và tối đa không quá 170.000 đồng/sào cho ruộng đổ (khó gặt). Ở các vụ mùa trước, do không có giá sàn chung nên các chủ đầu máy mặc nhiên ép giá người dân với giá dao động từ 170.000 đồng - 190.000 đồng/sào. Cá biệt có chủ hộ phải chịu mức giá là 210.000 đồng/sào".

Cũng theo ông Định, những năm trước, các chủ máy hoạt động rất lộn xộn, gây mất an ninh trật tự và thường xuyên xảy ra chuyện gặt nhầm ruộng hộ khác hoặc phá hỏng hệ thống kênh, mương dẫn nước. Việc này khiến hoạt động sản xuất của bà con ở vụ mùa kế tiếp bị đình trệ do phải sửa chữa kênh, mương.

Vụ thu 2,5 triệu đồng/máy gặt: Áp dụng ký đặt cọc 1 triệu đồng rồi trả lại chủ máy - Ảnh 2.

Đầu tiên, mỗi chủ máy phải đóng 2,5 triệu đồng/máy/vụ

Do đó, Ban điều hành đã vận động các chủ đầu máy đóng góp một khoản kinh phí nhất định là 2,5 triệu đồng/máy/vụ dành cho việc tu sửa đường sá, kênh mương cho người dân và cho lực lượng bảo vệ túc trực ngoài ruộng lúa. Việc đóng góp này do Ban điều hành sản xuất trực tiếp thu và có biên nhận, thỏa thuận rõ ràng với từng chủ máy. Hằng năm sẽ có báo cáo thu chi của khoản đóng góp trên và được thông báo với người dân tại Đại hội xã viên.

Vậy nên không có chuyện chính quyền xã và Ban điều hành sản xuất ngăn cấm chủ đầu máy cho máy xuống ruộng mà vẫn tiếp tục cho máy làm nốt phần ruộng đã thỏa thuận. Nhưng chủ đầu máy phải có trách nhiệm giữ gìn hệ thống kênh, mương và sẽ có lực lượng bảo vệ giám sát, nếu làm sai sẽ phải đền bù.

Khi PV Dân Việt đặt câu hỏi về việc thu tiền này có đúng hay không, ông Định cho biết: "Không có quy định nào về việc thu tiền này cả".

Tuy nhiên, khi được yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến việc thu chi này, Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Sơn cho biết, cán bộ quản lý đang đi vắng và sẽ chuyển cho PV Dân Việt sau.

Theo phản ánh của người dân, việc Ban điều hành sản xuất vận động các chủ đầu mấy đóng góp kinh phí là có thật và nhận được sự ủng hộ cao của người dân cũng như các chủ đầu máy. Tuy nhiên khoản đóng góp chính xác là bao nhiêu thì chưa có sự rõ ràng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem