Sâu lắng “bữa tiệc” giao thoa giữa nhạc cổ và thơ Nguyễn Duy

Mỵ Lương Chủ nhật, ngày 25/10/2015 13:17 PM (GMT+7)
“Việc đưa thơ đương đại đến với khán giả bằng con đường âm nhạc truyền thống cũng là một cách hiệu quả để gìn giữ giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc”, nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ sau đêm diễn “Xẩm ngọng – Lời ru – Tre xanh”.
Bình luận 0

Tối 24.10 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) diễn ra “bữa tiệc” âm thanh có sự kết hợp hòa quyện giữa cổ nhạc Việt Nam với thơ đương đại của nhà thơ Nguyễn Duy, mang tên “Xẩm ngọng – Lời ru – Tre xanh”.

Chương trình được lên kế hoạch thực hiện như một liên khúc xâu chuỗi các tác phẩm như: Khúc dân ca, Tre Việt Nam, Ru con Bắc Bộ, Đò lèn… Theo nhà thơ Nguyễn Duy, đêm trình diễn “Xẩm Ngọng – Lời ru – Tre xanh” là một sự ngẫu nhiên, hay có thể nói là một cuộc chơi tự phát tập hợp những tác phẩm được thể hiện bởi các nghệ sĩ hàng đầu của dân ca, cổ nhạc Việt Nam.

img

Tác phẩm “Lời ru con cò biển” (Cò lả) được NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Bình và tập thể các nghệ sĩ thể hiện

Mỗi nghệ sĩ thuộc các loại hình cổ nhạc như: chèo, chầu văn, ca trù,…đã lựa chọn riêng cho mình một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Du, phù hợp tâm tình để thể hiện.

NSND Mạnh Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSƯT Thanh Bình khéo léo bẻ làn, nắn điệu nhiều loại cổ nhạc truyền thống (hát ví, ru, cò lả, hát xẩm, hát văn, hát chèo, ca trù) khớp với những vần thơ lục bát đương đại, đầy ắp tình nhà, tình dân, tình nước của nhà thơ Nguyễn Duy để tạo nên những tác phẩm giao thoa, mới mẻ nhưng cũng đầy sâu lắng.

img

NSƯT Thanh Bình thể hiện điệu “Ru con Bắc Bộ” ngọt ngào sâu lắng

Có được sự thành công trong đêm diễn “Xẩm ngọng – Lời ru – Tre xanh”, các nghệ sĩ đã trải qua hành trình không kém phần gian nan. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện, NSƯT Thanh Bình tâm sự: “Từ những lời cổ thể hiện theo đúng âm bằng, âm trắc, khi chuyển sang nhạc, người nghệ sĩ phải khéo léo biết cách “bẻ” những âm đó cho hợp với giai điệu và âm thanh của nhạc cổ nhưng giá trị vẫn phải giữ nguyên. Riêng đối với ca trù khó khăn sẽ nhân lên gấp bội bởi đây là lần đầu tiên, thơ được lồng vào ca trù – loại hình vốn dĩ rất kén thơ”.

Song bà vui mừng: “Trong đêm trình diễn kết hợp nhạc cổ với thơ ca, chúng tôi đã cố gắng hết sức để tạo nên sự hòa quyện giữa loại hình nhạc mà mình nắm giữ với tứ thơ của nhà thơ Nguyễn Duy nhằm mang đến cho khán giả sự đồng điệu hoàn toàn ăn ý giữa nhạc và thơ. Niềm mong muốn đối với người nghệ sĩ là lan tỏa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán thính giả đến nay đã được thể hiện đầy đủ, hoàn chỉnh và trọn vẹn nhất”.

Đêm diễn thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Khán phòng của Trung tâm Văn hóa Pháp hầu như kín ghế ngồi. Thậm chí, khi điệu “Lời ru con cò biển” (Cò lả) do NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Bình và tập thể các nghệ sĩ biểu diễn khép lại chương trình, nhiều khán giả còn hô vang: “Tiếp tục đi! Diễn nữa đi!” đầy luyến lưu.

Theo dõi đêm diễn đến những giây phút cuối, TS.Chu Văn Sơn bày tỏ: “Đây là một ý tưởng sáng tạo sẽ làm sống dậy hình thức sinh hoạt văn hóa cổ truyền bằng cách dùng tất cả làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống để trình diễn lời thơ hiện đại mà trong một thời gian dài chúng ta xem nhẹ ”.

img

Khán giả chăm chú theo dõi và trao tặng những tràng pháo tay không ngớt cho các nghệ sĩ biểu diễn

Một khán giả nữ đến từ Hà Nội cho hay, đây là lần đầu tiên, bà được thưởng thức một đêm diễn thú vị, có sự kết hợp gần như đầy đủ các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như: Chèo, ca trù, chầu văn, hát xẩm và nhiều loại hình khác mà không có cảm giác tẻ nhạt, nhàm chán.

“Xẩm Ngọng – Lời ru – Tre xanh” kết thúc để lại nhiều ấn tượng. Tuy nhiên, nhà thơ Nguyễn Duy vẫn trăn trở và bày tỏ lo lắng: “Sự kết hợp giữa cổ nhạc Việt Nam và thơ đương đại là một việc làm đáng khích lệ.

Có điều, hiện tại nhiều bậc ca sư, nhạc sư nắm giữ và biểu diễn thành công giá trị của bộ môn nghệ thuật truyền thống tuổi đều đã cao, trong đó có người tuổi trẻ nhất cũng gần 60 tuổi nên không cón cách nào khác phải nhanh chóng truyền dạy, lan tỏa được vốn quý di sản và đồng thời khuyến khích sáng tạo từ thế hệ trẻ. Có như vậy mới gìn giữ và phát huy bền vững giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem