Sau vụ ông Lê Thanh Thản bị truy tố, khách hàng đòi quyền lợi thế nào?

Q.Trung Thứ ba, ngày 25/04/2023 15:01 PM (GMT+7)
Sau khi ông Lê Thanh Thản (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) bị truy tố về tội "Lừa dối khách hàng", nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, quyền lợi của khách hàng được giải quyết thế nào?
Bình luận 0

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ việc này, khi mua bán căn hộ tại tòa nhà CT6 Kiến Hưng, Hà Đông (Hà Nội), khách hàng đã nộp tiền cho chủ đầu tư và vẫn nhận được nhà, vẫn được sử dụng để ở, chỉ là không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở do xây dựng sai giấy phép, không đúng với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sau vụ ông Lê Thanh Thản bị truy tố, khách hàng đòi quyền lợi thế nào? - Ảnh 1.

Tòa nhà CT6 Kiến Hưng, Hà Đông (Hà Nội), nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Tuyến Phan

Chính vì vậy, cơ quan tố tụng đang xác định đây là hành vi lừa dối khách hành chứ không phải là hành vi lừa đảo. Hành vi lừa dối khách hàng là đưa ra thông tin không đúng sự thật về pháp lý của căn hộ, khiến cho khách hàng hiểu lầm, bị lừa dối, do nhầm lẫn mà giao kết hợp đồng.

Hành vi này gây thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng chứ không phải là hành vi chiếm đoạt tài sản nên người thực hiện hành vi không bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ bị xử lý về tội lừa dối khách hàng.

Về quyền lợi của người nhà khi chủ đầu tư bị khởi tố tội lừa dối khách hàng, theo ông Cường, việc chứng minh tội phạm sẽ do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy trình của tố tụng hình sự. Còn đối với vấn đề dân sự, pháp luật khuyến khích các bên tự hòa giải, thỏa thuận với nhau.

Vì vậy, trong trường hợp các bên thỏa thuận thanh lý hợp đồng hoặc thỏa thuận sang dự án khác để thiết lập hợp đồng mới, đều có thể được pháp luật thừa nhận.

Còn đối với việc xử phạt rồi hợp thức hóa để cho tồn tại, đề nghị xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đây cũng là một giải pháp.

Tuy nhiên giải pháp này có được thực hiện hay không, phải trên cơ sở các quy định của pháp luật và việc xem xét của nhiều cơ quan chức năng, trong đó xem xét đến quy hoạch tổng thể, đến các điều kiện đảm bảo về tiêu chuẩn kĩ thuật của căn hộ và tòa nhà này.

Trong trường hợp không đạt được sự thỏa thuận về phần dân sự trong vụ án hình sự, các khách hàng mua nhà trong dự án này cần phải có yêu cầu để tòa án xem xét giải quyết, có thể là yêu cầu thanh lý hợp đồng để đòi lại tiền, yêu cầu bồi thường thiệt hại do giá cả căn hộ đã biến động tăng lên.

Nếu các khách hàng không đưa ra yêu cầu, tòa án sẽ không giải quyết phần dân sự, sẽ dành quyền khởi kiện trong vụ án khác khi đương sự có yêu cầu.

"Trường hợp cơ quan tố tụng xác định diện tích căn hộ đó xây dựng không đúng quy hoạch, không có giấy phép, không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy…thì có thể sẽ buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ.

Khi đó vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ phải được giải quyết trên cơ sở thương lượng thỏa thuận hoặc do phán quyết của tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự" – vị chuyên gia thông tin. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem