Gameshow âm nhạc tràn ngập, tài năng âm nhạc... hiếm hoi

Thứ năm, ngày 09/01/2014 06:33 AM (GMT+7)
Khán giả truyền hình có thể mở bất cứ kênh nào, giờ nào trên ti vi cũng bắt gặp các gameshow tìm kiếm tài năng âm nhạc. Tính sơ sơ, có hàng chục chương trình nhưng tài năng thì rất hiếm.
Bình luận 0
Bội thực

Hai năm trở lại đây, các chương trình gameshow truyền hình mọc lên như nấm sau mưa trên các kênh sóng của VTV, đặc biệt là gameshow tìm kiếm tài năng âm nhạc như Giọng hát Việt; Vietnam Idol; Tôi là người chiến thắng- The Winner Is; Chinh phục đỉnh cao- Popstar to Operastar; X-Factor; Ngôi sao trẻ; Giọng hát Việt nhí; Đồ rê mí…

Đấy là chưa kể đến 2 chương trình tìm kiếm giọng ca tài năng thực sự và chính thống của VTV là Sao Mai và Sao Mai điểm hẹn, khiến khán giả hoa mắt, các thí sinh cũng “đau đầu” không biết chọn chương trình nào để tham gia dự thi.

img

Tôi là người chiến thắng - The Winner Is là phiên bản cuộc thi ca hát mới được du nhập tại Việt Nam, và được kỳ vọng rất nhiều so với các cuộc thi ca hát hiện nay: Vietnam Idol, The Voice… bởi chương trình có đến... 101 giám khảo, có thể đảm bảo sự công bằng và minh bạch. Thế nhưng đã qua 4 tập phát sóng “Tôi là người chiến thắng” vẫn không làm khán giả cảm nhận được sức nóng của chương trình. Điểm yếu của các ca sĩ chính là cách chọn bài quá an toàn khiến họ chưa phô diễn được toàn bộ giọng hát của mình.

Hay như Chương trình Chinh phục đỉnh cao- Pop Star to Opera star vừa phát sóng tập đầu tiên ngày 29.12 trên VTV3. Đây là một chương trình được mua định dạng của nước ngoài, là cuộc thi hát opera dành cho những ngôi sao.

Chương trình có sự tham gia của 8 ca sĩ là Khánh Linh, Ngọc Khuê, Ngọc Anh, Võ Hạ Trâm, Hồ Trung Dũng, Kasim Hoàng Vũ, Nathan Lee, Bùi Anh Tuấn. Trong tập đầu tiên phát sóng, đã rất nhiều ý kiến của khán giả cũng như của chính những nhà chuyên môn về opera cho rằng, các tiết mục được chọn khi biểu diễn lại có phần đệm của yếu tố nhạc nhẹ.

Khán giả có thể cảm nhận được các bản “Empty Chairs’ at empty tables”; “Ladonna è mobile”; “Memory”… mang phong cách semi classic (bán cổ điển) hơn là cuộc thi hát thính phòng – nhạc kịch đúng nghĩa. Và với năng lực hát opera của các thí sinh như đã diễn ra, khó có ai đó sẽ trở thành “operastar”, có chăng chỉ là những ngôi sao nhạc nhẹ cùng nhau thi thố hát opera theo kiểu… nhạc nhẹ.













Tài năng không kịp “nở”


Chia sẻ về Cuộc thi “Chinh phục đỉnh cao”, NSND Trung Kiên tâm sự: “Tôi xin được nói một câu vừa vui, vừa buồn rằng: Tôi van xin các anh, các chị hãy buông tha cho lĩnh vực opera, đừng có đưa lĩnh vực này vào sân chơi và cũng đừng có bôi xấu nghệ thuật chân chính này nữa”.

"Tôi rất lấy làm buồn mà nói rằng, nhà sản xuất chương trình… đang bóp méo nghệ thuật opera”.
NSND Trung Kiên

Với tư cách là một ca sĩ và là một diễn viên opera lâu năm, NSND Trung Kiên cho rằng, ở Việt Nam, có những người không hiểu biết gì về opera nhưng lại đứng ra làm nghệ thuật opera như hiểu biết chuyên nghiệp vậy.

Ví dụ như trong Chương trình “Chinh phục đỉnh cao”, các ca sĩ trẻ dòng nhạc nhẹ diễn xuất chưa xứng đáng để diễn trong lĩnh vực opera, những bản nhạc kinh điển trở nên lủng củng, méo mó theo cách phối như hiện nay. Và điều đó dẫn đến khán giả hiểu sai, lệch lạc về môn nghệ thuật chân chính này. “Tôi rất lấy làm buồn mà nói rằng, nhà sản xuất chương trình… đang bóp méo nghệ thuật opera”- NSND Trung Kiên kết luận.

Nhạc sĩ Bảo Chấn thì chia sẻ, các gameshow truyền hình thực tế bây giờ đều là sân chơi cần thiết và từ đó chúng ta vẫn có cơ hội nhặt nhạnh trong đó nhiều nhân tố vượt trội. Tuy nhiên đã là gameshow thì sẽ có những chuyện thế này, thế kia, có định dạng riêng và rất nhiều tiêu chí mà không phải ai cũng hài lòng. Điều đáng lo nhất là hiện nay, các tài năng âm nhạc hầu như không đủ để đáp ứng cho tất cả các sân chơi đó.


Thanh Hà (Thanh Hà)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem