Miếng cơm cháy của NSND Trọng Khôi

Chủ nhật, ngày 18/07/2010 02:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - NSND Nguyễn Trọng Khôi sống hiền từ, đôn hậu nhuộm chút hoài cổ và tâm linh... Nhưng ít ai biết, đằng sau cuộc đời của anh có những khúc trầm, những lận đận có lúc tưởng không lý giải nổi.
Bình luận 0

Cùng với những bức tranh chân dung tôi vẽ tặng anh là những kỷ niệm thân thiết của tình bạn giữa chúng tôi từ thuở cấp ba cùng là học trò thầy Nguyễn Vinh Phúc - nhà Hà Nội học uyên thâm.

Từ thủa thiếu thời...

Thời Pháp thuộc, họ Nguyễn của Trọng Khôi ở Kim Đồng nhiều gia đình rất giàu sang. Có người bỏ cả một bao tải tiền để xây Sân vận động Hàng Đẫy tại Hà Nội. Trong khi đó, ông nội của Trọng Khôi tuy là trưởng họ, nhưng gia cảnh lại bần hàn, cha Trọng Khôi chỉ là một công chức nhỏ. Nhà đông miệng ăn, nên mới 15 tuổi Khôi đã phải làm những công việc nặng nhọc để kiếm sống và phụ giúp gia đình.

Nghệ sĩ Nguyễn Trọng Khôi sinh năm 1943, quê xã Kim Đồng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Ông được phong danh hiệu NSND năm 1993 với những vai diễn để đời: Việt trong vở "Đôi mắt", Đialốp trong "Khúc thứ ba bi tráng", Êrôstrat trong "Vụ án người đốt đền" và đặc biệt là vai anh hàng thịt trong vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" do Nguyễn Đình Nghi đạo diễn...

Con đường đưa Trọng Khôi trở thành nghệ sĩ kịch bắt đầu từ thời anh học tiểu học. Ông giáo dạy Khôi rất thích dàn dựng những vở diễn để minh họa cho bài giảng, nên mới 7 tuổi Khôi đã được thầy chọn đóng nhiều vai.

Lớn lên, như có duyên với sân khấu, anh tham gia vào các đội kịch của trường, của khu phố... Rồi như một lẽ tự nhiên, học hết cấp 3 anh thi vào Trường Sân khấu, sau đó được cử đi học ở Liên Xô. Nhưng chuyến du học bị hoãn, Trọng Khôi trở lại tiếp tục học trong nước.

Điều không may lại là một cơ hội hiếm có và cũng là vinh dự và hạnh phúc đối với Nguyễn Trọng Khôi.

Ở trong nước, anh được học nghề sân khấu bởi những người thày nổi tiếng trong ngành như: Đình Quang, Dương Ngọc Đức… mà đặc biệt là sự truyền dạy "đúp" của hai cha con đạo diễn "khổng lồ" Thế Lữ và Nguyễn Đình Nghi.

Yêu đương bất chính?

Tốt nghiệp Trường Sân khấu, Trọng Khôi được về Nhà hát Kịch T.Ư. Anh như cá trong sông lạch được về đại dương, mặc sức tung hoành với những vai diễn đầy ấn tượng.

img
NSND Trọng Khôi trong vở “Nghị Hách”.

Nhưng, tuổi trẻ của Trọng Khôi đang tắm mình trên sàn diễn bỗng vụt tắt. Một tin như sét đánh: Diễn viên Trọng Khôi bị kỷ luật vì "yêu đương bất chính"? - Ngày ấy, cho dù anh là nghệ sĩ, hay diễn viên đi nữa, chỉ cần bốn mắt đắm đuối nhìn nhau, hay "cầm tay thân ái" một phụ nữ trong cơ quan mà chuyện thêu dệt đến tai tổ chức sẽ thành tội "hủ hóa" không chừng... Chẳng biết vụ việc mô tê ất giáp thế nào? Anh em trong đoàn chỉ được nghe phổ biến Trọng Khôi bị kỷ luật không cho biểu diễn nữa - phải xuống bếp tập thể nắm than, bổ củi, nhóm lò… Trai tân vấp vào vợ sếp thật oan nghiệt.

...Chiều thứ Bảy, khu tập thể Nhà hát Lớn vắng teo. Trọng Khôi vừa nhào than vừa ủ lò cho qua ngày Chủ nhật. Trưa nay, anh vô ý để quá lửa nên chảo cơm bị cháy xém, cạo rửa chảo phồng cả tay mới sạch. Mệt mỏi, chán chường, toàn thân ê ẩm. Khôi ngồi phệt xuống bậc thềm sau nhà hát, lưng tựa vào tường.

Bỗng một bóng người đang vật vờ, xộc xệch tiến về phía anh. Khôi nhận ra Trần Bình. Anh buồn bã hỏi: "Thứ Bảy không về nhà mà còn vật vờ như ma đói thế thằng em dại?". Trần Bình nói như nghẹn trong cổ họng: "Nhà đâu mà về đại ca ơi? Người đói chứ đâu phải ma!".

Trần Bình như tấm màn cánh gà nhầu nhĩ rớt xuống cạnh Trọng Khôi. Nghe Bình tâm sự, Khôi bàng hoàng xót thương người bạn trẻ. 14 tuổi, Bình mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhảy tàu ra Hà Nội, anh bắt đầu cuộc sống tự lập.

Tự bươn chải, vừa làm vừa học, Trần Bình tốt nghiệp khoa Múa rồi may mắn được điều về Đoàn Ca múa T.Ư. Ở đây, anh sợ nhất hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Ngày nghỉ ai về nhà nấy. Bếp nghỉ thì cái dạ dày của Trần Bình cũng nghỉ theo. Đã nhiều lần anh bị đói lả, ngã gục xuống sàn tập mà không ai hay...

Trọng Khôi bật dậy, chạy thốc xuống bếp. Lát sau, anh đem cho Bình một miếng cơm cháy nửa đen, nửa vàng to ngang cái quạt nan. Bình mừng như bắt được vàng. Ăn hết miếng cháy và tu thêm một thôi nước máy nữa - Trần Bình được một đêm no nê, yên giấc. Sau này, khi đã thành danh, Trần Bình dự nhiều bữa tiệc Âu. Á sang trọng với hàng trăm món ăn cao cấp, nhưng có lẽ chưa khi nào anh có lại được cái cảm giác ngon miệng đến như thế.

Dũng sĩ săn chuột

Dạo ấy, thú vị nhất là mỗi khi Trọng Khôi mượn được khẩu súng hơi của một người bạn đi Liên Xô về, anh lại rủ Trần Bình đi săn chuột. Tầng hầm của Nhà hát Lớn ngày ấy là nơi cư ngụ của các loài chuột. Có con to gần bằng con thỏ.

img
NSND.Nguyễn Trọng Khôi  (Tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh).

Khi thu được "chiến lợi phẩm", Khôi và Bình lại hì hụi làm lông, mổ thịt, ướp muối, ướp hành. Thịt chuột nướng thơm lừng. Khôi nhâm nhi với ly rượu quốc lủi, miệng phì phèo điếu thuốc lá cuốn. Còn Trần Bình thì khéo léo kẹp miếng thịt chuột nướng với cơm cháy rồi thưởng thức như thể ăn nem rán, chả giò vậy.

Hết án kỷ luật Trọng Khôi được trở về Đoàn, lại được đằm mình với những vai diễn mới. Thời gian trôi nhanh, làm ta có cảm giác lãng quên những kỷ niệm buồn. Duy câu chuyện oan tình năm ấy, Trọng Khôi như "chim dính ná", nên số anh chỉ có "một sào - một mủng" suốt đời.

Với NSND Trọng Khôi, anh vẫn có một ước mong chưa thực hiện được là dự án biểu diễn xuyên Việt gồm các trích đoạn, những vai diễn xuất sắc của Trọng Khôi, đề cương và kịch bản do nhà thơ Phạm Tiến Duật (em rể ông) viết và trực tiếp dẫn chương trình.

Công việc đang trong giai đoạn chuẩn bị thì nhà thơ Phạm Tiến Duật lâm trọng bệnh và qua đời. Sau đó, sức khỏe của Trọng Khôi cũng không cho phép anh thực hiện một chương trình biểu diễn lớn, trên suốt chiều dài đất nước hơn 2.000 cây số.

Có câu: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", cũng chẳng thể cho rằng miếng cơm cháy năm xưa mà Trọng Khôi bù trì cho Trần Bình sẽ là tất cả. Nhưng nếu không có những vỉ cơm cháy năm ấy chắc gì đã có những bước nhảy kỳ diệu của Trần Bình - cựu solist múa số một của nước nhà. Và câu chuyện tình của Trần Bình với người đẹp Ái Vân - Một mỹ nhân đẹp nhất thời ấy đã ngả vào lòng anh rồi nên vợ nên chồng… Không thể đem ra cân đong, đo đếm được. Câu chuyện miếng cơm cháy của Trọng Khôi vì vậy đã như một giai thoại.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem