Sở Y tế TP.HCM đề xuất mở ngành đào tạo cấp cứu ngoại viện

Bạch Dương Thứ tư, ngày 26/07/2023 16:11 PM (GMT+7)
Định hướng triển khai chương trình đào tạo các loại hình nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp vừa được Sở Y tế trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Bình luận 0
Sở Y tế TP.HCM đề xuất mở ngành đào tạo cấp cứu ngoại viện - Ảnh 1.

Một ca cấp cứu ngoại viện của Trung tâm cấp cứu 115. Ảnh: 115 TP.HCM

Theo Sở Y tế TP.HCM, Luật Khám chữa bệnh đã quy định chức danh chuyên môn cấp cứu viên ngoại viện cần phải có giấy phép hành nghề. Tuy vậy, đến thời điểm hiện nay loại hình nghề nghiệp này chưa được đào tạo chính quy (chưa có mã đào tạo), chưa được quy định về trách nhiệm, phạm vi chuyên môn cũng như mô tả công việc cụ thể cho lực lượng cấp cứu ngoài bệnh viện (ngoại viện).

Điều này đang gây khó khăn rất lớn cho các trung tâm cấp cứu các tỉnh, thành trên cả nước khi phát triển nguồn nhân lực, bởi hầu hết các bác sĩ, điều dưỡng đều muốn được công tác tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Trong khi chờ Luật Khám chữa bệnh được cụ thể hóa, Sở Y tế TP.HCM khẳng định rất cần một lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phù hợp. Qua đó, đề xuất cần có một chương trình đào tạo nhân viên cấp cứu ngoại viện hệ chính quy, bằng việc nhanh chóng mở mã đào tạo ngành cấp cứu ngoại viện theo mô hình Paramedic với 3 cấp độ khác nhau:

Cấp cứu ngoại viện trình độ cao đẳng (đào tạo 3 năm): Sau khi kết thúc chương trình, học viên có thể thực hiện thành thạo các thao tác cấp cứu ngoại viện cơ bản như hồi sinh tim phổi cơ bản, băng bó vết thương, vận chuyển người bệnh và có thể tư vấn sử dụng một số thuốc thiết yếu.

Cấp cứu ngoại viện trình độ đại học (đào tạo 4 năm): Sau khi kết thúc chương trình, học viên có thể thực hiện thành thạo các thao tác cấp cứu từ cơ bản đến nâng cao trên người bệnh như hồi sinh tim phổi nâng cao, băng bó vết thương, đặt nội khí quản và có thể kê toa một số thuốc thiết yếu.

Cấp cứu ngoại viện trình độ sau đại học (chuyên khoa, chuyên khoa sâu): Sau khi kết thúc chương trình học, học viên thực hiện thành thạo các kỹ thuật cấp cứu chuyên sâu trên người bệnh, sử dụng thành thạo các phương tiện hồi sức cấp cứu tại ngay hiện trường.

Theo lộ trình Sở Y tế TP.HCM đề ra chia làm 3 giai đoạn. Từ năm 2023 - 2024 sẽ thực hiện thủ tục cấp mã đào tạo và mã nghề nghiệp. Từ năm 2025 - 2030 sẽ triển khai đào tạo cấp cứu ngoại viện trình độ cao đẳng, đại học. Từ năm 2030 về sau việc đào tạo các trình độ còn lại theo lộ trình.

Đầu tư tàu cứu thương đường thuỷ cho Cần Giờ

Dự kiến giai đoạn từ năm 2023 - 2025, TP.HCM sẽ đầu tư một tàu cứu thương được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế chuyên dụng cấp cứu cho người dân ở huyện Cần Giờ và các vùng lân cận. Đây là một trong những nội dung của đề án phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp tại TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2030 vừa được Sở Y tế trình UBND TP.HCM phê duyệt.

Theo đó, giai đoạn từ năm 2023 - 2025, TP.HCM dự kiến sẽ triển khai hoạt động cấp cứu đường thủy tại huyện Cần Giờ với vị trí bến đỗ là cảng đóng quân của Bộ đội biên phòng Cần Giờ. TP sẽ đầu tư một tàu cứu thương với trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế chuyên dụng, tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực cấp cứu đường thủy đảm bảo các điều kiện sức khỏe và năng lực chuyên nhận cấp cứu phù hợp.

Song song đó sẽ xây dựng và ban hành quy chế phối hợp cấp cứu bằng đường thủy, trong đó Trung tâm cấp cứu 115 đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn y tế, còn Bộ đội biên phòng Cần Giờ đảm nhận nhiệm vụ vận hành, bảo trì, sửa chữa phương tiện cấp cứu.

Từ sau năm 2025, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1, ngành y tế TP.HCM sẽ đề xuất mở rộng mô hình cấp cứu đường thủy tại khu vực trung tâm TP với bến đỗ tại bến Bạch Đằng (quận 1).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem