Sóng gió ở Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Thêm một thành viên HĐQT "phe đối lập" của ông Lê Viết Hải từ chức

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 10/03/2023 12:25 PM (GMT+7)
Theo Nghị quyết mới công bố, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đã thông qua đơn từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 của ông Albert Atonie kể từ ngày 1/3/2023.
Bình luận 0

Thêm một thành viên "phía đối lập" ông Lê Viết Hải từ chức 

HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) vừa công bố nghị quyết thông qua đơn từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027 của ông Albert Atoine kể từ ngày 1/3.

HĐQT cũng chấp thuận việc ông Albert Antoine uỷ quyền cho Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải tham dự, thảo luận, biểu quyết tại tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản, hoặc hình thức khác của HĐQT Xây dựng Hòa Bình.

Đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Albert Antoine sẽ được xem xét thông qua tại ĐHCĐ thường niên năm 2023, dự kiến diễn ra ngày 26/4 tới.

Thêm một thành viên HĐQT "phe đối lập" của ông Lê Viết Hải tại HBC từ chức - Ảnh 1.

Cuộc chiến thượng tầng tại HBC kết thúc với sự rút lui của ông Nguyễn Công Phú (bên phải). Ảnh: HBC

Ông Albert Antoine sinh năm 1959, quốc tịch Pháp. Ông hiện đang là Giám đốc điều hành của Avaiga - đơn vị đồng hành về Chuyển đổi kỹ thuật số (DX) và AI cho nhiều công ty lớn trên thế giới.

Trước đó, trong "cuộc chiến vương quyền" diễn ra tại Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình hồi cuối năm 2022 - đầu năm 2023, ông Albert Antoine và các ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng là những người đã ủng hộ ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn này, đồng thời cũng phản đối các Nghị quyết của HĐQT HBC do ông Lê Viết Hải ban hành với tư cách Chủ tịch HĐQT.

Tuy nhiên, đến ngày 19/1/2023, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhận được quyết định thi hành án chủ động của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP.HCM, với nội dung "Buộc công ty tạm dừng thi hành Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022, Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022, Nghị quyết số 53/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 31/12/2022 của HĐQT cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài".

Theo đó, ông Lê Viết Hải, người sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của tập đoàn xây dựng này.

Sau đó, đến ngày 13/2/2023, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã công bố nghị quyết thông qua việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Công Phú từ ngày 13/2/2023.

Đại hội đồng cổ đông thường niên của HBC dự kiến được tổ chức ngày 26/4/2023 tới, ngày đăng ký cuối cùng là 24/3, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 23/03...

HĐQT Xây dựng Hòa Bình cũng chấp thuận việc ông Nguyễn Công Phú ủy quyền cho ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT tham dự, thảo luận, biểu quyết tại tất cả các cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản hoặc hình thức khác của HBC.

Đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Công Phú sẽ được xem xét thông qua tại đại hội đồng cổ đông năm 2023 của HBC.

Như vậy, cuối cùng "nội chiến" giành ghế Chủ tịch HĐQT ở Xây dựng Hòa Bình cũng đi đến hồi kết sau nhiều sóng gió. Hiện 2 trong 4 thành viên "phía đối lập" của HBC đã có đơn xin rút khỏi bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp này.

Ngoài việc công bố nghị quyết thông qua đơn từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027 của ông Albert Atoine, HBC cũng thông qua sơ đồ tổ chức mới của công ty.

Thêm một thành viên HĐQT "phe đối lập" của ông Lê Viết Hải tại HBC từ chức - Ảnh 3.

Sơ đồ tổ chức mới của Hòa Bình. Ảnh: HBC

Một năm "lao đao" của HBC, kỳ vọng gì trong năm 2023?

Ngoài cuộc chiến quyền lực gây xôn xao dư luận, năm 2022 cũng là một năm ảm đạm của HBC, khi kết quả kinh doanh lao dốc mạnh.

Cụ thể, trong quý 4/2022, doanh thu thuần của HBC chỉ đạt 3.218 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại tăng 2,5%, lên 3.644 tỷ đồng dẫn đến, công ty lỗ gộp 426 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của HBC âm 112,7 tỷ đồng, ngược lại các loại chi phí tăng mạnh, đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới gần 500 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ; chi phí tài chính, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay cũng tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Kết quả, HBC lần đầu báo lỗ lịch sử với hơn 1.200 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, Hoà Bình lỗ 1.141 tỷ đồng, kết quả này khiến Hoà Bình phải ghi nhận khoản lỗ lũy kế 688 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2022, nợ vay của HBC ở mức gần 14.283 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 12.735 tỷ đồng. Phần lớn các khoản vay của HBC được thế chấp bằng các khoản phải thu của khách hàng, với lãi suất áp dụng theo từng lần giải ngân.

Tính tới cuối năm 2022, tổng phải thu của doanh nghiệp chiếm tới 72% tổng tài sản. Điều này khiến dòng tiền của bị thu hẹp, làm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng gặp khó khăn.

Sau khi kết thúc cuộc chiến vương quyền, HBC đặt ra kế hoạch khá khả quan cho năm nay.

Cụ thể, về kế hoạch kinh doanh năm 2023, HBC đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 12.500 tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ở mức 125 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh này vượt xa khoản lợi nhuận âm 1.140 tỷ đồng của năm 2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem