“Sóng gió” sẽ lại nổi lên tại Đại hội cổ đông Eximbank?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 11/04/2017 13:00 PM (GMT+7)
Câu chuyện quan trọng nhất với Eximbank bây giờ không phải là đặt kết quả kinh doanh, tăng trưởng ấn tượng hay xa vời hơn là Basel 2, hay thậm chí là câu chuyện giải quyết nợ xấu còn tồn đọng. Cái cần nhất với Eximbank là một bộ máy quản trị đoàn kết và thống nhất để điều hành nhà băng thay đổi tình trạng “chia năm, xẻ bảy” như hiện tại...
Bình luận 0

img

Náo loạn tại Đại hội Cổ đông Eximbank 2016. 

Ngày 21.4 tới đây, Đại hội Cổ đông thường niên 2017 của Eximbank (mã EIB) dự kiến sẽ diễn ra. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn chờ quyết định của Ngân hàng Nhà nước khi có “xét duyệt” 3 ứng cử viên mà ngân hàng này đề cử vào HĐQT hay không.

“Nóng” câu chuyện tranh giành ghế vào HĐQT

Trước hết, cần phải hiểu rõ về cơ cấu HĐQT hiện tại của Eximbank. Trong 9 thành viên HĐQT hiện tại gồm có: ông Cao Xuân Ninh (đại diện nhóm cổ đông nắm 11,287% cổ phần) đến từ NHNN chi nhánh TP.HCM; ông Lê Văn Quyết (không có cổ phần sở hữu cá nhân, tổ chức nào) và từng là Giám đốc Vietcombank Biên Hoà. Kế đến, ba thành viên khác được HĐQT cũ giới thiệu (không sở hữu cổ phiếu EIB nào) là ông Đặng Anh Mai, thành viên HĐQT cũ, ông Nguyễn Quang Thông, Phó Chủ tịch HĐQT và thành viên Ban kiểm soát, ông Hoàng Tuấn Khải. Hai nhóm cổ đông nước ngoài gồm ông Naoki Nishizawa đại diện 10,05% vốn tại Eximbank, ông Yasuhiro Saitoh do 3 cổ đông tổ chức đề cử với tỷ lệ cổ phần 10,05%. 2 thành viên cuối cùng là ông Lê Minh Quốc được đề cử làm thành viên HĐQT độc lập và ông Ngô Thanh Tùng được đề cử bởi 5 cổ đông tổ chức (nắm 9,127%) và hai cổ đông cá nhân (nắm 1,067%).

Tuy nhiên, bất ngờ là sau khi HĐQT mới được bầu ra thì không lâu sau đó, ông Cao Xuân Ninh lại bất ngờ có đơn từ nhiệm khiến HĐQT lại dư ra một ghế trống. Đây có thể là nguyên nhân khiến 2 lần đại hội trong năm 2016 của Eximbank xảy ra “khẩu chiến” giữa các nhóm cổ đông để bầu ra thành viên “lấp” vào ghế trống đó khiến đại hội bất thành và đến lần thứ 3 vào tháng 8.2016 khi Eximbank chuẩn bị tổ chức đại hội cổ đông bất thường thì Ngân hàng Nhà nước buộc phải can thiệp dừng lại.

Như vậy, theo dự kiến, nhân sự HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 tại Eximbank sẽ là 9 người hoặc 11 người, như vậy, tại ĐHCĐ sắp tới sẽ cần bầu thêm 1-3 thành viên. Trong đó, nếu ĐHCĐ chỉ thông qua số lượng 9 thành viên HĐQT thì chỉ còn lại 1 ghế hiếm hoi cho người có tỷ lệ phiếu bầu cao nhất, khi đó câu chuyện tranh giành chắc chắn sẽ rất quyết liệt. Ngược lại, nếu thông qua cả 3 thành viên tham gia ứng cử thì HĐQT mới sẽ có đủ 11 người.

Song có lẽ đây cũng chỉ là những giả thiết “ôn hòa” nhất, bởi trước đó trong lần ĐHCĐ gần nhất vào năm 2016, thậm chí nhiều cổ đông và đại diện của HĐQT cũ của Eximbank còn đề xuất miễn nhiệm toàn bộ HĐQT mới đã được bầu ra từ cuối năm 2015 để tiến hành... bầu lại.

“Sóng gió” sẽ lại nổi lên?

Đánh giá về chuyện ứng cử “ghế” vào HĐQT mới tại Eximbank, Phó Giám đốc một ngân hàng thương mại tại TP.HCM cho rằng, Eximbank hiện có số lượng cổ đông lớn, độ phân tán rộng nên cũng khó cho các ứng viên đạt được tỷ lệ nhất trí tối đa. Hơn nữa, các nhóm cổ đông lớn đều đại diện, hoặc sở hữu tỷ lệ cổ phần ngang cơ thì phần thắng sẽ nghiêng về phe có ảnh hưởng lớn hơn. Trong trường hợp nếu không đạt được tỷ lệ áp đảo tuyệt đối thì chuyện dừng lại đại hội như những lần trước không phải là không thể xảy ra...

Theo thông tin từ phía Eximbank, trong đợt “giành ghế” lần này sẽ có 3 ứng viên tự ứng cử và danh sách này đã được gửi cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, tuy nhiên danh sách các ứng viên này đến thời điểm hiện tại vẫn là một dấu chấm hỏi. Dẫu vậy, lần ứng cử này lại khá ít so với lần dự kiến đại hội cổ đông bất thường trước đó (vào tháng 8.2016, có 8 ứng viên) và trước đó nữa là 6 ứng viên. Thế nên, việc tranh giành chắc chắn sẽ căng thẳng hơn...

Tuy nhiên, biến số hoàn toàn có thể xảy ra bởi độ phân tán cổ đông Eximbank là rất rộng và một vài cái tên khác có thể sẽ là đại diện cho lần tranh giành này. Chẳng hạn, ông Đặng Phước Dừa, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank cũ và là cổ đông lớn đại diện cho nhóm cổ đông năm 10,3% cổ phần. Hoặc bà Ngô Thu Thúy (ứng cử viên lần đại hội trước) cũng là một nhân tố bí ẩn khi có thông tin bà này hiện đang là Chủ tịch HĐQT của Công ty Âu Lạc.

Ngoài ra, chưa kể đến việc để “can thiệp sâu” hơn vào Eximbank, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cử đại diện tham gia vào HĐQT của Eximbank trong nhiệm kỳ này.

Mọi kết quả sẽ phải chờ trong đại hội tới (diễn ra tròn 1 ngày). Tuy nhiên, sóng gió sẽ tiếp tục nổi lên là điều khó tránh khỏi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem