Cảnh báo ngộ độc do ăn nấm rừng

P.V Thứ ba, ngày 30/10/2018 21:46 PM (GMT+7)
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cho biết, 5 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm rừng được đưa vào bệnh viện cấp cứu ngày 28.10, đã ổn định sức khỏe, đang dần dần phục hồi.
Bình luận 0

Gia đình này sinh sống tại thôn Cốc Nghè, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên. Theo thông tin ban đầu, con rể ông Bồn Văn Cảnh là Bồn Văn Thắng và con gái Bồn Thị Tỉnh lên rừng lấy măng thấy nhiều cây nấm lạ, màu trắng liền hái về nấu ăn bữa tối cùng gia đình.  Sau ăn khoảng 2 giờ đồng hồ, 5 người trong gia đình đều có biểu hiện ngộ độc, với các triệu chứng: Đau đầu, nôn, đau bụng, tê tay chân, khó thở...  đến 23h cùng ngày, các bệnh nhân được đưa xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị. Tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đã tiến hành xông rửa dạ dày, truyền giải độc, truyền dịch.

img

Bệnh nhân ngộ độc nấm đang được điều trị tại Bệnh viện Hà Giang. Ảnh SKĐS

Theo thông tin mới nhất, các bệnh nhân đã cơ bản hồi phục và được các bác sĩ tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), dù đã được tuyên truyền, tuy nhiên, hàng năm vẫn có các ca ngộ độc "chùm" với nhiều thành viên trong gia đình ngộ độc sau khi ăn nấm. So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao.

Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, trên thế giới hiện nay có trên 10.000 loài nấm đã được xác định danh tính, trong đó có hàng trăm loại nấm độc. Những loại nấm có đủ mũ, phiến, cuống, vòng và bao gốc hầu hết là nấm độc.

Trước đó, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, Trung tâm thường tiếp nhận các ca ngộ độc nấm. Nhiều ca cả nhà cùng ngộ độc, người dân cũng thường đến từ Cao Bằng, Thái Nguyên, Sơn La... 

Tình trạng ngộ độc nấm đối với đồng bào dân tộc miền núi đã diễn ra nhiều năm nay với hàng trăm người bị độc độc, hơn 100 người tử vong. Cụ thể, theo nghiên cứu của các bác sĩ Học viện Quân y, từ năm 2004-2017 tại Hà Giang có 33 ca ngộ độc nấm khiến 165 người mắc, 24 người tử vong. Tại Cao Bằng từ 2003-2009, có 29 vụ ngộ độc nấm làm 81 người mắc, 17 người tử vong. Ở Bắc Cạn từ 2004-1011 có 28 vụ ngộ độc nấm, 94 người mắc, 14 người tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - (Trung tâm Chống độc), có một số loài nấm độc khiến người ăn có triệu chứng ngộ độc chỉ sau 1-2h ăn nấm nên có thể kích thích gân nôn, thải độc. Tuy nhiên, với các loại nấm gây ngộ độc chậm, sau 6-9h ăn thì việc gây nôn, thải độc rất khó khăn. Tỷ lệ tử vong khi ngộ độc các loại nấm này lên tới 50%. Ngoài ra, độc tố amatoxin có trong nấm cực độc và bền vững Theo nghiên cứu, chỉ cần người dân ăn 1 cái nấm là đã bị ngộ độc.

Về các quan niệm cho rằng nấu chín sẽ hết độc tố, bác sĩ Nguyên khẳng định, độc tố amatoxin có trong nấm cực độc và bền vững trong nhiệt độ nên dù đun nấu cách nào cũng không loại trừ được độc tố. Hơn nữa, với các loại nấm ngộ độc chậm mà người dân thử cho chó-gà ăn sau 1-2 thấy chó-gà không chết thì cho rằng không độc nên vẫn ăn là sai lầm. Cũng có người thấy kiến ăn nấm thì cho rằng không độc, mang về ăn và cũng tử vong. Một số người dân tộc dùng đồng bạc, thìa bạc để sát lên nấm, thấy thìa, đồng xu không bị đen, cho rằng nấm không độc cũng là sai lầm.

Có nhiều loài nấm gây triệu chứng buồn nôn, triêu chảy muộn nhưng sau đó lại tự cầm nên bệnh nhân và ngay cả các bác sĩ cũng đã cho rằng “hết ngộ độc”. Tuy nhiên sau đó người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng viêm gan: vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), và cuối cùng là tử vong.

"Chỉ riêng tại Cao Bằng, các chuyên gia đã tìm thấy 13 loài nấm độc, rất khó phân biệt nấm nào lành, nấm nào độc. Vì thế, để tránh ngộ độc, khuyến cáo duy nhất với người dân là không nên ăn bất cứ loài nấm mọc hoang dã nào" - bác sĩ Nguyên nhấn mạnh. 

Để phòng ngộ độc nấm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: "Ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời; Rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm; Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế; Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.

Đặc biệt, Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, để dự phòng ngộ độc, người dân chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được; Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả(mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc)đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc; Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn  nghi ngờ; Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc; Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem