Chuẩn bị đón đỉnh dịch tay chân miệng

Thứ bảy, ngày 26/05/2012 11:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hai tuần gần đây, số ca mắc tay chân miệng (TCM) đã bắt đầu giảm. Tuy nhiên, trong buổi giao ban trực tuyến về phòng chống dịch TCM ngày 25.5, TS Trần Thanh Dương – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Đỉnh dịch có thể bắt đầu từ tháng 8 - 9”.
Bình luận 0

Huyện miền núi có tỷ lệ mắc bệnh cao

Tỉnh An Giang có hơn 2.100 ca mắc bệnh TCM nhưng lại là tỉnh có tỷ lệ chết/mắc là 0,73%, cao nhất cả nước và gấp 15 lần tỷ lệ chết/mắc trung bình của cả nước (0,05%). Ông Từ Quốc Tuấn – Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, trái với nhận định nơi đông dân cư thì tỷ lệ mắc/100.000 dân cao, một số huyện miền núi, thưa dân lại có tỷ lệ mắc/100.000 dân cao nhất tỉnh (Tri Tôn 74, Châu Đốc 59). Vì thế, tỉnh đã phải chuyển mũi tuyên truyền về các huyện vùng núi.

img
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2012, cả nước đã có gần 50.000 ca bệnh tay chân miệng.

TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết: Đáng lưu ý là các tỉnh phía Bắc có số ca mắc TCM chiếm gần 50% các ca mắc toàn quốc nhưng lại không có trường hợp tử vong. Số ca mắc trong cộng đồng dân cư giảm nhưng tăng số ca mắc trong trường học từ 15% năm 2011 lên 35% năm 2012. Vì thế, cần phải có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm điều trị giữa 3 miền Bắc-Trung-Nam.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, 5 tháng đầu năm 2012, cả nước có gần 50.000 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), cao gấp 10,2 lần so với cùng kỳ năm 2011, trong đó có 27 trường hợp tử vong, tăng 1,7 lần. Riêng tháng 5 đến nay đã có 6 trường hợp tử vong, tăng 3 trường hợp so với tháng 4.

TS Trần Thanh Dương cho biết, 2 trường hợp tử vong mới nhất tại An Giang là 2 bệnh nhân đã được điều trị thở máy suốt hơn 5 tháng nhưng cũng không qua khỏi. 85% trường hợp tử vong là trẻ dưới 3 tuổi, thời gian khởi phát đến lúc tử vong cũng rất nhanh: 62% sau 24-48 giờ, hơn 37% sau 48 giờ.

Tiên lượng bệnh sớm

Bà Trịnh Thị Lý – Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết, tính đến ngày 21.5, thành phố có hơn 4.100 ca bệnh TCM (cao nhất cả nước). Trong đó, có hơn 2.000 ca độ 1 và chỉ có 119 ca từ độ 2b trở lên (nặng) và chưa xảy ra tử vong. Theo bà Lý, để tránh xảy ra tử vong ở người bị TCM, cần làm tốt công tác chẩn đoán sớm, phát hiện trường hợp chuyển độ nhanh để đưa sang phòng điều trị tích cực. Tuy nhiên, bà Lý cũng cho biết, hiện đang có 2 bệnh nhân (3 và 9 tháng tuổi) bệnh nặng phải thở máy, một em có tiên lượng rất xấu.

Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế thời gian tới cần tiếp tục thực hiện khám chữa bệnh TCM theo đúng phác đồ mà bộ đã ban hành, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu, thực hiện lối sống vệ sinh, không được lơi là, chủ quan với dịch bệnh.

Đại diện Bệnh viện Nhi Hải Phòng cũng cho biết, từ đầu năm đến nay bệnh viện đã điều trị 3.200 ca TCM, trong đó có 103 trường hợp nặng phải thở máy.

Đáng lưu ý, nhiều trường hợp trẻ đến khám không có biểu hiện lâm sàng của bệnh TCM (không phát ban, nổi mụn ở miệng hay tay chân) mà chỉ sốt, đi ngoài, nhưng sau 2-3 ngày đã có hiện tượng trụy tim mạch, hôn mê, co giật. Lúc đó, làm xét nghiệm mới phát hiện chủng virus EV71. Vì thế, muốn tránh tử vong cần có tiên lượng và ưu tiên chẩn đoán TCM.

Một trong vấn đề nhiều sở y tế lưu ý là việc các bệnh viện chưa tuân thủ nghiêm việc hạn chế tối đa người nhà vào thăm nom bệnh nhân TCM. “Đây là nguồn bệnh lây lan không nhỏ ra cộng đồng, cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu cũng như nghiêm túc thực hiện quy chế bệnh viện” – TS Nguyễn Trần Hiển cho biết.

TS Trần Thanh Dương nhấn mạnh, năm 2011, đỉnh dịch TCM là vào tháng 8-9. Vì thế, nếu tháng 6-7 tới không làm tốt phòng chống thì dịch năm nay sẽ có nguy cơ bùng phát cao hơn năm 2011.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem