Đặc biệt lưu ý phòng bệnh khi trời trở rét

Thứ bảy, ngày 23/01/2016 14:53 PM (GMT+7)
Trẻ em, người già, thai phụ và những người mắc bệnh mạn tính sẽ dễ bị virus gây bệnh hô hấp tấn công khi trời trở rét.
Bình luận 0

Tiến sĩ Lê Khắc Bảo, Phó khoa Hô Hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) cho biết, trời trở rét là cơ hội lý tưởng để các loại siêu vi gây bệnh đường hô hấp tấn công người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, hoặc những người có sẵn các loại bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường.

Ở trẻ em, cảm - ho - sổ mũi, viêm họng, viêm tiểu phế quản, hen suyễn là những bệnh dễ xảy ra và có thể khiến trẻ vào cơn suy hô hấp, thậm chí gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Tương tự, các chứng bệnh trên cũng có thể đe dọa sức khỏe của phụ nữ mang thai, sản phụ vừa sinh và người cao tuổi.

img

Giữ ấm cơ thể, dinh dưỡng hợp lý là cách phòng bệnh hữu hiệu trong mùa lạnh. Ảnh minh họa: Thiên Chương

Ở nhóm người mắc bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, suy tim, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, bệnh có nguy cơ sẽ trở nặng khi trời trở lạnh. Nhóm người này cũng dễ mắc chứng hô hấp cấp hơn những người khác.

Để phòng bệnh, bác sĩ Bảo khuyên nhóm người có nguy cơ mắc bệnh nói trên phải mặc đủ áo ấm, dùng khăn quấn cổ, mang khẩu trang để làm ấm cơ thể trước khi đi ra ngoài. Trẻ quá bé hoặc người già cần hạn chế đi ra ngoài khi thời tiết quá lạnh, quá khô.

“Sự thay đổi đột ngột từ nóng (trong nhà) sang lạnh (ngoài nhà) là cơ chế kích ứng đường hô hấp nhiều hơn là bản thân nhiệt độ lạnh hay nóng. Nếu không thật cần thiết, tránh đi ra khỏi nhà vào lúc sáng sớm và tránh về nhà quá muộn vào ban đêm”, bác sĩ Bảo khuyến cáo.

Cũng theo ông Bảo, cần tránh đến nơi quá đông người, đặc biệt là nơi tụ họp đông người, nhất là tụ tập đông người trong phòng kín vì đây là nơi mật độ vi sinh vật gây bệnh tồn tại nhiều hơn cả.

Chế độ ăn uống cũng giúp cơ thể tăng sức đề kháng nhằm phòng bệnh. Cần ăn uống đầy đủ, đặc biệt là rau xanh nhằm cung cấp đủ vitamin giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Uống nước đủ là một cách bù trừ cho tình trạng mất nước qua đường hô hấp, qua da vào môi trường lạnh và khô. Cần lưu ý điều này vì khuynh hướng chung là mọi người ít uống đủ nước vào mùa lạnh.

Tiêm ngừa cúm vào đầu mùa lạnh, tiêm ngừa phế cầu mỗi 5 năm cho người có nguy cơ, giúp tăng sức đề kháng chung của cơ thể, từ đó chống nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp. Đi khám chuyên khoa hô hấp để phát hiện sớm và điều trị các bệnh hô hấp nếu có các triệu chứng bệnh hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, ho, khạc đàm, sốt. Việc làm này vừa tránh cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng, lại vừa tránh lây bệnh của mình sang những người xung quanh.

Rửa mũi và súc họng là hai biện pháp có thể tiến hành để bảo vệ mũi họng. Rửa mũi có thể thực hiện với nước sạch hoặc nước muối sinh lý 0,9%. Súc họng bằng nước muối ấm lạt là được, không cần phải dùng thuốc sát khuẩn vừa tốn tiền lại vừa tiêu diệt hết vi khuẩn có lợi ở trong họng. Rửa tay và lau khô thường xuyên là biện pháp vô cùng hiệu quả để giảm lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh từ người này sang người khác.

Lưu ý không được để cơ thể đột ngột chuyển nhiệt độ, nên bật quạt sưởi, lò sưởi trước khoảng 10 phút để quạt tỏa nhiệt khắp phòng trước khi vào phòng. Không nên tiếp xúc quá gần quạt sưởi hoặc lò sưởi. Cứ vài giờ thì nên mở cửa cho phòng thoáng không khí nhằm ngăn hiện tượng ngạt khí, khiến trẻ khó thở. Để tránh khô da cho trẻ khi nằm ngủ duới quạt sưởi, lò sưởi, có thể thoa kem dưỡng da, giữ ẩm da. 

Một trong những điều tối kỵ là tắm nước quá nóng và dùng than tổ ong để sưởi. Nước pha để tắm chỉ ấm vừa, không nên quá nóng vì sự chênh lệch với lớn về nhiệt có thể khiến cơ thể sốc nhiệt. Bên cạnh đó, than tổ ong có rất nhiều chất độc, việc lạm dụng có thể gây hậu quả khó lường.

Thiên CHương (Ngôi Sao)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem